Đi chữa bệnh bị “móc túi” chẳng khác gì ngoài bến tàu xe, thậm chí bệnh chẳng khỏi mà còn thiệt mạng... Đây là thực trạng báo động đang diễn ra tại một số phòng khám tư nhân. Tệ hơn, nhiều phòng khám tư còn hành nghề quá phạm vi cho phép, quảng cáo thổi phồng các hoạt động chuyên môn và đội ngũ y, bác sĩ nhằm lừa bịp, kiếm lời trên sức khỏe, tính mạng người bệnh.
Lắm chiêu nhiều trò
Trên đường Giải Phóng đối diện cổng Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội), chỉ một đoạn đường dài chưa đầy 200m nhưng có tới gần chục nhà thuốc và một loạt phòng khám tư nhân đủ loại. Chỉ cần chạy xe chậm chậm tại đoạn phố này, ngay lập tức nhiều người đã bị các bảo vệ trông xe của phòng khám vẫy gọi, mời chào vào khám bệnh, thậm chí nếu dừng xe, đội quân “cò” lập tức bủa vây. Trong vai người bệnh đi khám viêm họng, sau khi nộp phí 200.000 đồng tiền khám bệnh, tôi được bảo vệ phòng khám T.N. dẫn lên tầng 2 của một ngôi nhà khá xập xệ với hai phòng khám nội và một phòng siêu âm, nội soi. Một bác sĩ đã lớn tuổi chỉ với một chiếc ống nghe và đèn soi tai mũi họng sau ít phút nghe tim phổi và soi họng, liền kết luận tôi bị u nang thanh quản phải đốt ngay đề điều trị. Chưa kịp hỏi chi phí điều trị và thuốc men ra sao, vị bác sĩ này liền kê ngay một đơn thuốc tới chục loại thuốc, rồi phán một câu xanh rờn: “Nộp 7 triệu đồng tiền thuốc và tiền đốt laze, rồi ra ngoài chờ” khiến tôi không khỏi bất ngờ!
Trong khi đó, tại một phòng khám tư nhân khác ngay gần BV Quân y 103 (ở Hà Đông), chúng tôi được dịp chứng kiến cuộc cãi vã căng thẳng giữa bệnh nhân và nhân viên của phòng khám khi người bệnh phải mua hơn 2 triệu đồng cho 3 vỉ thuốc trị sỏi mật mà không có hướng dẫn và nhãn mác. Chia sẻ với chúng tôi, một người bệnh của phòng khám này bức xúc: Vì thấy ở đây quảng cáo có bác sĩ nước ngoài nên tôi mới tới đây chữa bệnh. Đúng là “tiền mất tật mang”, đi tái khám 2 - 3 lần rồi mà bệnh cũng chẳng đỡ là bao, lần nào tới đây khám cũng tốn kém vài triệu đồng. Trong khi bác sĩ Trung Quốc ở đây vẫn thản nhiên cho biết bệnh của tôi đang tiến triển tốt và chỉ cần dùng thuốc thêm ít bữa nữa”...
Thực tế còn rất nhiều bức xúc khác của người bệnh đối với hoạt động của các phòng khám tư nhân, nhất là những cơ sở quảng cáo có bác sĩ nước ngoài, khi cơ sở y tế tư nhân đang phát triển tràn lan tại nhiều tỉnh, thành. Đặc biệt tại Hà Nội, lâu nay các dịch vụ khám chữa bệnh ngoài công lập, phòng khám tư nhân mọc lên như nấm xung quanh các BV lớn như Bạch Mai, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương, Mắt Trung ương, Quân y 108, Quân y 103. Đáng lo ngại hơn, sự bùng phát của nhiều cơ sở y tế tư nhân xung quanh các BV lớn ở Hà Nội thực chất là “mượn danh” y, bác sĩ có tên tuổi của BV công, nhằm lôi kéo người bệnh với nhiều chiêu trò để thu lợi bất minh.
Đoàn công tác Sở Y tế Hà Nội kiểm tra một phòng khám tư nhân
Vi phạm tràn lan
Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có trên 170 BV tư nhân, khoảng 30.000 phòng khám tư nhân và cơ sở dịch vụ y tế. Các cơ sở y tế tư nhân tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn, trong đó nhiều nhất là TPHCM và Hà Nội. Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết sự phát triển của các cơ sở y tế tư nhân đã giúp cho người dân có thêm nhiều lựa chọn về dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, cũng như góp phần giúp giảm tải tại một số BV công lập. Tuy nhiên, hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân cũng đang tồn tại nhiều bất cập và vi phạm, cấp phép một đằng làm một nẻo, gây ảnh hưởng không nhỏ tới người bệnh. Qua thanh tra, kiểm tra, vi phạm chủ yếu của các cơ sở tư nhân là khám chữa bệnh quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép, người tham gia khám chữa bệnh chưa đăng ký hành nghề, nhân sự giúp việc phòng khám, nhà thuốc chưa đăng ký và báo cáo cơ quan chức năng, không niêm yết rõ ràng giá thuốc, dịch vụ y tế và có tình trạng lạm dụng xét nghiệm, thuốc men đối với người bệnh.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong năm 2016, qua thanh tra 140 cơ sở y tế tư nhân đã tiến hành xử lý 96 cơ sở với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Trong đó, đình chỉ hoạt động 2 cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề của 4 bác sĩ. Riêng quý 1-2017, trong số 30 cơ sở thanh tra đã xử lý vi phạm hành chính 6 cơ sở với số tiền gần 300 triệu đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn 3 cơ sở và tước chứng chỉ hành nghề của 1 bác sĩ. Đặc biệt, sau vụ việc mới đây một sản phụ hôn mê rồi tử vong khi tới khám thai và điều trị bệnh phụ khoa tại Phòng khám đa khoa 168 Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã ra quân kiểm tra một loạt phòng khám tư nhân trên địa bàn thành phố và phát hiện không ít cơ sở có vi phạm nghiêm trọng tới mức phải yêu cầu dừng hoạt động, như: Phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt BIOTIS, Phòng khám Đa khoa Nhân Ái Hà Nội, Phòng khám Đa khoa Thái Hà. Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, một số cơ sở còn có hành vi “vẽ bệnh” để thu tiền của người bệnh; liên kết với những “cò” BV để lôi kéo bệnh nhân, chặt chém tiền xét nghiệm, thuốc men với giá cao. Thậm chí thực hiện phẫu thuật vượt quá phạm vi chuyên môn, dẫn tới nhiều hệ lụy nguy hiểm cho người bệnh.
| |
NGUYỄN QUỐC