GS-TS Thái Vĩnh Thắng, Ủy viên Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, không nên quy định về cấm kinh doanh bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, GS-TS Thái Vĩnh Thắng nhất trí cần quy định về việc cấm xuất khẩu di vật, cổ vật, chỉ nên cho phép mua bán, trao đổi, tặng cho và kế thừa cổ vật và di vật thuộc di sản văn hóa ở trong nước, cấm các hành vi này ở nước ngoài nhằm bảo đảm các cổ vật, di vật văn hóa Việt Nam không bị mất mát ở nước ngoài.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) nhất trí phương án cấm kinh doanh bảo vật quốc gia để góp phần bảo vệ, phát huy bảo vật quốc gia, tránh bị mất mát, cũng không làm hạn chế quyền sở hữu tài sản chính đáng của con người và công dân.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam kiến nghị nên phân định cấp độ khác nhau giữa di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia để có ứng xử phù hợp. Hiện mới có 300 hiện vật là bảo vật quốc gia, nên phải coi bảo vật quốc gia là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt và thuộc loại hiện vật quý hiếm. Với bảo vật quốc gia không cho phép kinh doanh cả trong và ngoài nước. Với cổ vật, không cho phép kinh doanh ở nước ngoài. “Đối với di vật không phải là những hiện vật thuộc dạng quý hiếm hay có giá trị tiêu biểu, đặc biệt tiêu biểu như cổ vật và bảo vật quốc gia thì nên cho phép mua bán cả trong và ngoài nước. Có như vậy các bảo tàng mới có cơ hội sưu tầm được nhiều hiện vật phục vụ trưng bày giới thiệu cho công chúng”…
Ông Trương Minh Tiến (Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội) cũng kiến nghị việc xác định quyền sở hữu, mua bán cổ vật cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn từ các ngành chức năng để góp phần làm giảm tình trạng mất cắp hiện vật, cổ vật ở các di tích lớn.
GS-TS Thái Vĩnh Thắng cũng đề nghị có quy định để bảo vệ các tên gọi là danh nhân văn hóa thế giới và dân tộc. Ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, một số tên gọi của con người đã trở thành danh nhân văn hóa thế giới và dân tộc cần phải được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa có các quy định này. GS-TS Thái Vĩnh Thắng cho rằng, cần có quy định cấm đặt các tên đó cho người khác.
Cùng với đó, cần quy định bảo vệ các tên gọi của các vùng đất đã nổi tiếng trong lịch sử dân tộc. Trên lãnh thổ Việt Nam, một số vùng đất đã nổi tiếng trên thế giới, tên gọi các vùng đất đó cũng đã trở thành di sản văn hóa và cần được pháp luật bảo vệ. Đó là Điện Biên Phủ (chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu), Bến Tre (quê hương đồng khởi), Huế (cố đô của Việt Nam), Đà Nẵng (thành phố cảng lớn nhất miền Trung), Hội An (thành phố cổ của Việt Nam), Đà Lạt (thành phố hoa và khí hậu mát mẻ của Việt Nam), Buôn Ma Thuột (thủ phủ cà phê của Việt Nam), Vịnh Hạ Long (di sản văn hóa của nhân loại), Thành cổ Quảng Trị (nơi chiến tranh Mỹ - Việt Nam xảy ra ác liệt nhất), Vĩnh Linh (nơi có sông Hiền Lương chia đôi hai miền Nam - Bắc trong 20 năm), Ba Đình (nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập)…
Theo GS Thái Vĩnh Thắng, với những địa danh đã gắn với lịch sử văn hóa dân tộc, việc đổi tên các đơn vị hành chính lãnh thổ cần bảo đảm sao cho các tên tuổi nổi tiếng luôn được lưu giữ để duy trì truyền thống văn hóa - lịch sử của dân tộc.