Hoang phí những công trình tiền tỷ

Phản ánh đến Đường dây nóng Báo SGGP, nhiều bạn đọc cho biết, tại khu vực Bắc miền Trung, nhiều dự án, công trình được đầu tư xây dựng đã giúp thay đổi bộ mặt địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít công trình được đầu tư nhiều tỷ đồng nhưng bị bỏ hoang phí.
Cảnh hoang phế bên trong dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hóa
Cảnh hoang phế bên trong dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hóa

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2005, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định giao hơn 4ha đất tại phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) cho Công ty TNHH Tây Đô để triển khai dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hóa. Đây là dự án trường học tư thục có quy mô quốc tế đầu tiên ở Thanh Hóa, với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dự án đưa vào sử dụng cuối năm 2010, nhưng đến năm 2012 mới thực hiện được khoảng 70% khối lượng công việc, từ đó bỏ hoang cho đến nay. Để triển khai dự án này, Công ty TNHH Tây Đô đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam - chi nhánh Thanh Hóa vay 144 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi giải ngân hơn 77 tỷ đồng, ngân hàng ngừng cho vay vì cho rằng phía Công ty TNHH Tây Đô không thực hiện đúng với nội dung trong hợp đồng vay vốn tín dụng. Tháng 10-2012, ngân hàng khởi kiện ra tòa, nhưng đến nay việc thi hành án đối với tài sản thế chấp (dự án trường học) của Công ty TNHH Tây Đô vẫn chưa thực hiện được.

Cũng tại TP Thanh Hóa, Trung tâm hội nghị Hàm Rồng (phường Hàm Rồng) được đầu tư xây dựng hơn 160 tỷ đồng, đưa vào sử dụng năm 2014 với mục đích tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh và TP Thanh Hóa, nhưng từ khi đi vào hoạt động đến nay chưa có sự kiện xứng tầm nào diễn ra.

Từ năm 2015-2019, trong khi chờ xây trụ sở mới, Thành ủy và UBND TP Thanh Hóa mượn địa điểm này để làm việc. Năm 2020, nơi đây là khu cách ly dịch Covid-19, hết dịch thì trung tâm lại bỏ không. Để tránh lãng phí, tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển 5 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Xây dựng và Sở GTVT về đây. Theo kế hoạch, các đơn vị đến làm việc vào quý 3-2022, nhưng đến nay trung tâm vẫn vắng bóng người.

Năm 2015, tỉnh Nghệ An đầu tư xây dựng Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (tại phường Trung Đô, TP Vinh) với kinh phí gần 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong nhà hành chính kiêm biểu diễn và sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn, lưu giữ di sản dân ca; san nền, cấp nước, điện… thì công trình này “đắp chiếu” cho đến nay (Báo SGGP đã phản ánh).

Một cán bộ Sở VH-TT Nghệ An cho biết, để trung tâm đi vào hoạt động, cần phải đầu tư giai đoạn 2 mới có các trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, sân khấu ngoài trời…

NSND Trịnh Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An, chia sẻ, trong khi nghệ sĩ thiếu nơi biểu diễn thì Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh xây dựng nhiều năm vẫn chưa đưa vào hoạt động. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của các nghệ sĩ là các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư thêm kinh phí để sớm hoàn thành, đưa trung tâm đi vào hoạt động.

Tin cùng chuyên mục