
Chiều 13-6, dự án Luật An toàn thông tin và Luật Khí tượng thủy văn đã được Quốc hội cho ý kiến tại các tổ đại biểu.
Thống nhất tên gọi và chức năng của cơ quan mật mã quốc gia, khoanh hẹp phạm vi điều chỉnh của dự án luật tập trung vào an toàn thông tin mạng, cụ thể hóa các quy định về quản lý sản phẩm mật mã dân sự… là các ý kiến được nêu liên quan đến dự án Luật An toàn thông tin.
Tại tổ ĐBQH TPHCM, ĐB Nguyễn Văn Hưng và một số ý kiến khác đề nghị thống nhất tên cơ quan mật mã quốc gia là Ban Cơ yếu Chính phủ và coi đây là cơ quan đầu mối về quản lý mật mã quốc gia. Liên quan đến các sản phẩm mật mã dân sự, ĐB Hưng cho rằng dự thảo luật còn có nhiều quy định chưa rõ ràng, bao gồm việc cấp phép kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự; quản lý xuất nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự…
Lưu ý rằng dự thảo luật được đề nghị đổi tên là Luật An toàn thông tin mạng (thêm thay vì chỉ là Luật An toàn thông tin), đồng thời bổ sung một số nội dung mới về các cấp độ về an toàn thông tin; về sản xuất, sử dụng sản phẩm mật mã dân sự…, ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) đồng tình với những điểm điều chỉnh này, song đề nghị làm rõ vai trò, quan hệ phối hợp giữa các Bộ: Thông tin và Truyền thông – Quốc phòng – Công an… với Ban Cơ yếu Chính phủ.
Đáng lưu ý, ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM) nhận định: “Tôi đã nghiên cứu dự thảo các nghị định trình kèm theo dự án Luật và cho rằng có một nghị định hết sức quan trọng cần xây dựng, quy định về xử phạt hành chính các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Tin nhắn, tin rác quảng cáo hiện nay đang bị “nhồi” vô tội vạ tới người sử dụng không mong muốn; mà hành vi này không bị xử lý”.
ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang) chia sẻ quan điểm này. Ông nói: “Xử lý như thế nào đối với hành vi cá độ trên mạng; sao chép/ đánh cắp thông tin, khi nào bị coi là có tội, khi nào không”? Theo ĐB Triệu Là Pham, có rất nhiều bức xúc dân sinh trong lĩnh vực này mà dự thảo Luật chưa có chế định.
ĐB Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) cũng nêu ra hàng loạt vấn đề: “Việc quản lý thông tin cá nhân của các nhà mạng rất có vấn đề. Rồi dịch vụ thám tử tư cũng rất phức tạp, với những hành vi như nghe lén, quay lén… văn bản nào điều chỉnh? Xử phạt hành chính hay xử lý hình sự”?
Ông Thống nhấn mạnh, dự thảo luật này cần đảm bảo việc khai thác, vận hành hệ thống thông tin phải chặt chẽ, an toàn, không chỉ đối với thông tin quốc gia mà cả các tổ chức và cá nhân nữa.
Liên quan đến dự án Luật Khí tượng Thủy văn (KTTV), ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị quán triệt nguyên tắc coi dự báo KTTV là dịch vụ công, mà nhà nước có trách nhiệm cung cấp cho xã hội; từ đó có chính sách đầu tư thỏa đáng về phương tiện, con người; nâng cao tính chính xác, kịp thời của bản tin dự báo. “Thông tin KTTV phải phục vụ tốt mọi lĩnh vực kinh tế, dân sinh, chứ kiểu dự báo “khu vực Nam bộ rải rác có mưa” thì thực tế không mấy ý nghĩa. Bên cạnh đó, muốn xã hội hóa lĩnh vực này thì cần làm rõ đây có phải loại hình kinh doanh có điều kiện không, giá và phí như thế nào?” – ông Trần Du Lịch bình luận. ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) thì đề nghị dự thảo Luật bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi công bố những dự báo, cảnh báo KTTV không chính xác, dù “dự báo thì không thể chính xác tuyệt đối, nhưng cũng chỉ có thể chấp nhận một sai số nhất định”.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM). ẢNH: LÃ ANH
Trong khi đó, ĐB Triệu Là Pham nhận xét rằng, việc quy hoạch mạng lưới trạm KTTV cần được quan tâm hơn nữa. ĐB kiến nghị: “Hiện nay các trạm KTTV thường nằm ở vùng sâu, xa, ít ai để ý. Thậm chí có cán bộ KTTV còn không có tên trong danh sách cử tri! Tôi cho rằng cần quy định những nguyên tắc để lựa chọn vị trí đặt trạm KTTV, giúp thông tin dự báo có tính đại diện cao. Dự báo phải chi tiết đến từng xã thì mới phục vụ đắc lực việc phát triển kinh tế - xã hội”.
ANH PHƯƠNG