Cảng biển Việt Nam vươn lên tầm khu vực

Cảng biển Việt Nam vươn lên tầm khu vực

Trải dài theo bờ biển hình chữ S của nước ta là 91 cảng biển lớn nhỏ với năng lực khai thác đạt 106 triệu tấn hàng hóa một năm, nhưng hiện chúng ta vẫn chưa có những cảng mang tầm vóc khu vực và quốc tế.

Cảng biển Việt Nam vươn lên tầm khu vực ảnh 1

Tàu hàng cập cảng Sài Gòn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại cuộc thảo luận về định hướng phát triển giao thông vận tải vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và quy hoạch chi tiết cảng biển nhóm số 6 tổ chức tại Cần Thơ vào giữa tháng 2-2005. Chính phủ đã quyết định đến năm 2010 vùng ĐBSCL sẽ có 20 cảng, tổng năng lực thông qua từ 15 đến 20 triệu tấn hàng hóa/năm, trong đó cảng Cần Thơ- Cái Cui là cảng trung tâm của cả vùng.

Ở khu vực Quy Nhơn có 3 cảng thương mại là cảng Quy Nhơn, cảng Thị Nại và cảng cá Quy Nhơn, trong đó hai cảng Quy Nhơn và Thị Nại được phép tiếp nhận tàu biển quốc tế.

Không xa Quy Nhơn là vịnh Cam Ranh, Vân Phong, hai trong những cảng biển quan trọng của khu vực miền Trung đón loại tàu từ 30.000 DWT đến 500.000 DWT.

Cảng Hải Phòng là một trong những cảng có số lượng hàng hóa xuất nhập lớn nhất của khu vực phía Bắc. Ngoài ra, còn rất nhiều cảng biển trải dài theo chiều dài của đất nước như cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), cảng Dung Quất (Quảng Ngãi)... đang được khai thác. 

Nói đến hệ thống cảng biển thì không thể không nói đến Cảng Sài Gòn ở TP.HCM.  Thực tế, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học công bố năm 2000 cho thấy, TP.HCM có điều kiện để hình thành và xây dựng một cảng biển nước sâu tầm cỡ khu vực, có khả năng tiếp nhận tàu từ 80.000 đến 100.000 DWT. Nghiên cứu này đưa ra dựa trên tiềm năng của cảng Gò Gia (Cần Giờ, TPHCM), có luồng lạch tự nhiên rộng 500-700m, độ sâu trung bình từ 13-15m, cách đường hàng hải quốc tế 27 km (so với 90 km của cảng Sài Gòn hiện nay), tàu cỡ 30.000 DWT có thể ra vào thường xuyên mà không cần phụ thuộc vào thủy triều; nếu lợi dụng thủy triều, tàu 50.000- 80.000 DTW cũng có thể ra vào được.

Theo các nhà khoa học, Gò Gia có vị trí gần trung tâm thành phố, rất thuận lợi để liên kết với các địa phương trong vùng kinh tế đầu tàu phía Nam. Nếu chọn Gò Gia thì từ đây sẽ hình thành nên một hệ thống cảng đảm bảo được các yêu cầu phát triển trong tương lai và vẫn đảm bảo vai trò đầu tàu của TPHCM trong chiến lược hội nhập, cạnh tranh quốc tế trong vùng và cả nước.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục