Sổ tay

Cảnh báo đến bao giờ?

Cách đây không lâu, Đặng Quốc G. một học sinh lớp 12 (Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) vác dao chém nhiều nhát làm lìa đầu cô ruột chỉ vì nghe tin gia đình tranh chấp 1m2 tường rào với cô. Hay chuyện hai học sinh lớp 10 (ở Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) lạnh lùng xuống tay giết chết bảo vệ trường và còn lên kế hoạch giết luôn cán bộ quản lý học sinh vì muốn “không bị làm phiền”…

Nếu trước đây, các loại tội phạm mà trẻ vị thành niên mắc phải thường chỉ là trộm cắp, gây rối trật tự công cộng thì thời gian gần đây, số lượng án hình sự với mức độ từ cố ý gây thương tích, giết người cướp của, buôn bán ma túy, đến hiếp dâm tăng mạnh. Nhiều đối tượng phạm tội còn rất trẻ, chỉ mới là những học sinh cấp 2, 3. Thế nhưng, tội ác mà những sát thủ áo trắng này gây ra khiến người lớn cũng phải kinh hoàng.
 
Khác với trước đây, nguyên nhân chủ yếu khiến thanh thiếu niên phạm tội là do tiếp cận sớm với những tệ nạn và bạo lực, cộng với sự thiếu quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường thì hiện tại, những hung thủ khoác áo học trò thường được đánh giá là tốt, con nhà gia giáo, hiền lành… Những vụ án nghiêm trọng nhiều đến mức khiến nhiều người không đủ sức để phẫn nộ hay ngạc nhiên như trước.

Càng đáng sợ hơn khi xuất hiện một bộ phận những người trẻ thiếu ý thức ủng hộ, cổ vũ cho những hành vi mất nhân tính trên những diễn đàn, hội nhóm trên mạng. Đã có quá nhiều cảnh báo, tranh luận, ý kiến khác nhau về việc xử lý tội phạm ở tuổi vị thành niên nhưng chúng ta đang thiếu một giải pháp tổng lực từ việc cảm hóa, giáo dục, răn đe đến hình phạt nghiêm khắc hơn.

Theo pháp luật hiện hành, những người chưa đủ 18 tuổi, dù phạm tội đặc biệt nghiêm trọng cũng chỉ chịu mức án cao nhất là 18 năm tù. Mức hình phạt không đủ sức răn đe, một bộ phận thanh thiếu niên có tâm lý ỷ lại, nhận thức, hành động sai lầm, coi thường pháp luật dẫn đến phạm pháp.

Bên cạnh đó xuất hiện nhiều nhóm người lợi dụng sự khoan hồng của pháp luật đối với người chưa thành niên để dụ dỗ các em phạm tội.

SƠN TRÀ

Tin cùng chuyên mục