Ngày 28-2, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TPHCM ký kết quy chế phối hợp về PCCC với Sở Y tế TP, Hội chữ thập đỏ TP.
Theo quy chế, 3 đơn vị phối hợp, hỗ trợ giải quyết, thực hiện các nội dung: tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan; tổ chức chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (CNCH); tổ chức tuyên truyền, huấn luyện kiến thức, nghiệp vụ PCCC; thực tập phương án PCCC và CNCH… Kết thúc mỗi năm, các đơn vị sẽ sơ kết và sau 5 năm sẽ tổng kết nhằm đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm các bất cập, tồn tại để tham mưu cho UBND TPHCM các giải pháp PCCC trong lĩnh vực y tế một cách hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng chúc hai đơn vị hoàn thành tốt các nội dung ký kết
Trước đó, Cảnh sát PCCC TPHCM và Sở Công thương TPHCM cũng đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực công thương có nguy hiểm cháy, nổ trên địa bàn thành phố. Đại diện lãnh đạo hai đơn vị đã thống nhất một số nội dung: Phối hợp nghiên cứu, rà soát những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện Luật PCCC trong lĩnh vực công thương; đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế; tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC và CNCH; tổ chức đào tạo, huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ; kiện toàn lực lượng; trang bị phương tiện PCCC và CNCH tại các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong ngành, lĩnh vực công thương có nguy hiểm về cháy, nổ…
Hai đơn vị cũng phối phợp chặt chẽ trong kiểm tra liên ngành công tác bảo đảm an toàn PCCC, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật PCCC, vi phạm điều kiện kinh doanh, quy định về chuyên môn, kỹ thuật của ngành công thương tại các tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành, lĩnh vực công thương có nguy hiểm về cháy, nổ. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng cho rằng việc ký kết quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về cháy nổ của Cảnh sát PCCC và Sở Công thương TP là việc làm thiết thực, thể hiện tính chủ động trong PCCC của hai đơn vị. Đây được xem là một giải pháp góp phần hiệu quả vào việc kéo giảm cháy nổ xảy ra ở TP, nhất là trong việc bảo đảm an toàn PCCC đối với các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao như: xăng dầu, kinh doanh khí (LPG, CNG, LNG); hóa chất công nghiệp; chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích….
VIỆT TUẤN