Cầu nối nhỏ

Sinh ra một gia đình người Hoa làm nghề buôn bán. Từ nhỏ không được gia đình khuyến khích học tiếng Việt, trong nhà không có ai là đảng viên, thế nhưng với sự nỗ lực và chí hướng của riêng mình, Trần Thị Phương Thảo đã tự đi học, đi làm và phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hiện cô là chủ tịch công đoàn, đồng thời là đảng viên đầu tiên được kết nạp tại Công ty TNHH Proking Tex (quận Bình Tân, TPHCM) - công ty 100% vốn nước ngoài, hiện có gần 3.000 lao động. Chị Trần Thị Phương Thảo (đứng) trò chuyện cùng công nhân tại thư viện của công ty.
Cầu nối nhỏ

Sinh ra một gia đình người Hoa làm nghề buôn bán. Từ nhỏ không được gia đình khuyến khích học tiếng Việt, trong nhà không có ai là đảng viên, thế nhưng với sự nỗ lực và chí hướng của riêng mình, Trần Thị Phương Thảo đã tự đi học, đi làm và phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hiện cô là chủ tịch công đoàn, đồng thời là đảng viên đầu tiên được kết nạp tại Công ty TNHH Proking Tex (quận Bình Tân, TPHCM) - công ty 100% vốn nước ngoài, hiện có gần 3.000 lao động.

Chị Trần Thị Phương Thảo (đứng) trò chuyện cùng công nhân tại thư viện của công ty.

Chị Trần Thị Phương Thảo (đứng) trò chuyện cùng công nhân tại thư viện của công ty.

“Tổng đài” chị Thảo

Trưa chủ nhật, vừa thiu thiu chợp mắt thì Phương Thảo nghe chuông điện thoại di động réo vang. Một giọng nói đứt quãng vang lên trong điện thoại: “Chị ơi, có một CN công ty mình vừa bị xe đụng chết. Mà ở TP này bạn ấy không có người thân. Bây giờ tụi em phải làm sao đây chị?”.

Sau một giây định thần trở lại, Thảo hướng dẫn cho nhóm CN đưa thi thể của người bạn xấu số vào nhà xác. Phần Thảo, cô nhanh chóng vào công ty lục lại hồ sơ của CN để tìm cách liên hệ với gia đình. Sau khi gia đình của CN vào TP nhận thi thể con, Thảo cũng thay mặt Công đoàn công ty cùng phụ giúp với gia đình để lo phần hậu sự.

Lần khác, ngoài giờ làm việc, Thảo nhận được cuộc điện thoại của một CN nữ. Giọng cô gái đầy lo lắng: “Chị ơi, em sanh rồi. Thằng nhỏ khóc dữ quá. Chị thấy em nên nghỉ luôn hay nghỉ phép thêm vài tháng để ở nhà giữ con. Mà nghỉ nhiều vậy em sợ công ty không cho”. Nghe vậy, Thảo ân cần hỏi thăm rồi phân tích thiệt hơn, động viên CN ráng thu xếp việc nhà để đi làm kiếm tiền nuôi con.

Từ lâu, số điện thoại phòng công đoàn và số di động của Thảo đã nằm trong bộ nhớ của nhiều CN. Có CN nữ sinh con tại TP, không biết cách làm giấy khai sinh cũng gọi cho Thảo. Nhiều chị em lần đầu nuôi con, chưa có kinh nghiệm, hễ con không chịu uống sữa, biếng ăn, mọc răng, nóng sốt cũng gõ cửa tìm Thảo. Thảo cười: “Mình còn trẻ, cũng đâu có nhiều kinh nghiệm nuôi con. Nhưng thấy các bạn CN nữ đa số từ quê vào, không có ai thân thích nên mình biết cái gì thì chỉ cái đó. Hổm rày đang “nóng” chuyện chi trả bảo hiểm thất nghiệp, nhiều CN mỗi ngày gọi cho mình tới 5-6 cuộc để hỏi thăm”.

Làm một cầu nối nhỏ

Là người khởi xướng nhiều phong trào ở công ty, Thảo cho biết giám đốc công ty không cấm công đoàn, CN họp hành nhưng Thảo luôn tìm cách để đơn giản “thủ tục hành chính”, vừa đảm bảo hoạt động phong trào sôi nổi, vừa không ảnh hưởng đến năng suất lao động và thu nhập của CN. “Không thể để CN vì tham gia phong trào lại bị mất lương, mất thưởng”. Do vậy, Thảo hạn chế tối đa việc tổ chức họp mà phát thông báo trên loa, trên bản tin, trao đổi trực tiếp với CN qua điện thoại nội bộ hoặc cử một thông tín viên đi đến từng chuyền để phổ biến hoặc lấy ý kiến CN.

Thảo đơn giản: “Mình hiểu CN có lẽ vì mình cũng từng là CN”. Khi Thảo học hết lớp 12, gia đình muốn đứa con gái út ở nhà nối nghiệp buôn bán. Không chấp nhận một tương lai được “vẽ sẵn”, Thảo nộp đơn xin vào làm CN ở KCX Tân Thuận. Ban ngày đi làm CN, ban đêm, Thảo dành đồng lương kiếm được để đi học thêm tiếng Hoa, tiếng Anh, vi tính.

Trong thời gian làm CN, trực tiếp sống và làm việc cùng những người thợ, Thảo cảm nhận sâu sắc, CN lao động phần lớn là con em gia đình nghèo, rất thiếu thông tin, ít quan tâm tới chính trị, trình độ học vấn lại không đồng đều. Có người còn không biết chữ, chỉ biết lăn tay hay vạch những đường đơn giản thay cho chữ ký.

Với trình độ như thế, biết chừng nào họ mới thoát được cảnh nghèo? Những suy nghĩ, băn khoăn đó cứ mãi trong đầu Thảo. Đi làm được 2 năm, đến khi Công ty TNHH Proking Tex thành lập, Thảo chuyển sang làm cán bộ công đoàn. Từ ngày đảm nhận nhiệm vụ này, nhờ bám sát tâm tư, nguyện vọng của anh em CN, Thảo đã nhiều lần cùng BCH Công đoàn đề xuất với ban giám đốc những chủ trương có lợi cho CN.

Cuối năm 2008, tình hình sản xuất của DN gặp nhiều khó khăn, vật giá cũng không ngừng tăng cao khiến đời sống CN hết sức chật vật. Thấy vậy, Thảo thuyết phục ban giám đốc tăng tiền quà tết cho CN từ 60.000 đồng lên 85.000 đồng/phần, trợ cấp thêm cho mỗi CN 200.000 đồng/người/tháng, hỗ trợ vé xe cho CN về quê ăn tết…

Đặc biệt, từ ngày được đứng vào hàng ngũ của Đảng, Thảo luôn trăn trở, tìm cách nâng cao nhận thức chính trị cho CN. Làm ở công ty nước ngoài, năng suất, hiệu quả làm việc được đặt lên hàng đầu. Làm thế nào để tập trung các bạn đi học 4 bài lý luận chính trị? Lúc đầu, Thảo “chiêu sinh” rộng rãi bằng cách phát loa, viết thông báo đến tận các chuyền, các xưởng.

Tập hợp được 300 bạn, Thảo mở lớp, mời giáo viên về dạy. Nghĩ thương CN có mỗi một ngày chủ nhật để nghỉ ngơi, Thảo quyết định photo tài liệu rồi phát cho CN để học “từ xa” mà không cần học tập trung ở lớp. Sau khi dành khoảng nửa tháng cho CN tự đọc tài liệu, Thảo mới phát phiếu kiểm tra rồi ra thời hạn cho CN nộp bài. Kết quả, có nhiều bạn viết thu hoạch được 8-9 điểm. Không chỉ “xóa mù chính trị” cho CN công ty, Thảo vui mừng cho biết tới đây hy vọng sẽ có nhiều CN được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Thảo tâm sự: “Lý do lớn nhất khiến tôi phấn đấu vào Đảng là mong muốn làm một cầu nối giúp các bạn CN hiểu hơn về Đảng, thấy Đảng gần gũi với mình hơn, từ đó xác định cho mình động lực để phấn đấu và cống hiến”.

Khắc Mai

Tin cùng chuyên mục