Mark Zuckerberg, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành mạng xã hội Facebook đang thu hút sự chú ý của cả thế giới. Có nhiều lý do để người ta quan tâm Zuckerberg. Bộ phim The Social Network nói về mạng xã hội Facebook đang là tâm điểm thu hút sự chú ý khi vừa công chiếu đầu tháng 10 này. Zuckerberg trở thành tỷ phú trẻ có tài sản tăng trưởng cực nhanh trong danh sách của Forbes 400 tỷ phú Mỹ 2010. Trên hết, Zuckerberg là “cha đẻ” của Facebook -mạng xã hội đình đám nhất hiện nay với hơn 500 triệu thành viên khắp thế giới.
Zuckerberg thay đổi thế giới
Trong số đặc biệt về các tỷ phú Mỹ nổi bật 2010, bài về Zuckerberg được Forbes giật tít “In Zuckerberg We Trust” (Chúng ta tin vào Zuckerberg). Với Facebook, Zuckerberg thay đổi thế giới. Và Chính phủ Mỹ, với mối quan tâm về bảo vệ quyền riêng tư và quản lý, có thể thay đổi Facebook?
Phim The Social Network có nhiều chi tiết về Zuckerberg. Song anh gọi là “tưởng tượng” và không mong có một bộ phim về mình khi còn sống. Tuy nhiên, Zuckerberg có nhiều điều để lo lắng hơn là bộ phim hư cấu kiểu Hollywood. Một cuộc thăm dò của Forbes/Zogby International cho thấy 63% người Mỹ không tin tưởng Facebook về bảo mật thông tin cá nhân của họ, dù hơn 90% số người được hỏi chính là thành viên Facebook. Điều nghịch lý đó là vấn đề lớn với Zuckerberg, khi các nhà hoạt động bảo vệ quyền riêng tư và các nhà lập pháp đang tập trung vào Facebook, đe dọa ban hành quy định mới, mà nếu quá “nặng tay” có thể làm hỏng tương lai mạng xã hội này.
Tuy nhiên, ban hành quy định mới sẽ không dễ dàng vì Zuckerberg đã xây dựng doanh nghiệp truyền thông có triển vọng nhất, với mạng lưới hơn 500 triệu thành viên, công bố thông tin cá nhân, chơi game, trao đổi hình ảnh, tái kết nối bạn bè... 30 tỷ lần/tháng.
Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, Zuckerberg đã tạo sự giàu có “khủng” cho mình và cho hàng ngàn người khác, có thể đã sinh lợi đến 35 tỷ USD từ khi Facebook ra đời năm 2004. Các cựu đối tác của Facebook là Dustin Moskovitz, 26 tuổi và Eduardo Saverin, 28 tuổi, cũng có mặt trong danh sách 400 tỷ phú Mỹ. Các cổ đông sẽ chia nhau 150 triệu USD trong năm 2010 – theo công ty môi giới cổ phiếu SecondMarket. Facebook hiện tuyển dụng đến 1.700 người.
Zuckerberg vào Đại học Harvard và viết phiên bản đầu tiên của Facebook trong phòng ký túc xá ở tuổi 19. Facebook giúp sinh viên liên lạc trực tuyến với tên thậtï, một ý tưởng cách mạng vào thời điểm sự vô danh thống trị Internet. Trong vòng một năm, dự án vượt ra ngoài các trường đại học Mỹ và Zuckerberg rời Harvard, đến Silicon Valley để tìm hướng phát triển công ty. Năm 2006, anh mở Facebook cho bất kỳ ai chỉ cần có địa chỉ e-mail.
Ba năm trước đây, lúc Facebook mới có 24 triệu thành viên, Zuckerberg cho phép các lập trình viên bên ngoài truy cập mã phần mềm Facebook. Chỉ sau vài tuần, hàng loạt trò chơi và ứng dụng xuất hiện, kéo theo số thành viên đăng ký Facebook tăng vọt.
Hiện có hơn một triệu nhà phát triển cho Facebook trên toàn cầu. Công ty trò chơi Zynga đã kết nối 60 triệu người trong trò Farmville. Việc bán hàng ảo (máy kéo, bò...) trên Farmville đã trở thành một lĩnh vực kinh doanh 1,6 tỷ USD và giá trị Zynga có thể đến 5 tỷ USD, giúp nhà sáng lập Mark Pincus trở thành thành viên dự bị của Forbes 400.
Facebook đang trở thành thị trường cho mọi thứ, từ quần áo, sách đến nhạc, bảo hiểm. Công ty thậm chí còn thành lập hệ thống tiền tệ riêng – Facebook Credits – để dễ dàng giao dịch. Hiện 80 trong 100 nhà quảng cáo lớn nhất thế giới có mặt trên Facebook. Trên website thương mại điện tử của nhà bán lẻ Urban Outfitters có cả một phần chuyên cung cấp các sản phẩm được người dùng Facebook bình chọn là “thích nhất”.
Các nhà đầu tư đang so sánh Facebook với Google và nhắm đến việc Facebook sắp phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong một, hai năm tới. “Rất nhiều người tin tưởng rằng các kết nối xã hội có thể là nền tảng lớn cho quảng cáo và thương mại điện tử sắp tới” – theo Jeff Thomas, nhà môi giới cổ phiếu của Second Market.
Facebook và cuộc tranh luận bảo vệ quyền riêng tư
Tuy nhiên, thành công thương mại làm nảy sinh những mối quan tâm về bảo vệ quyền riêng tư. Các nhà hoạt động đang lo sợ việc lợi dụng mạng xã hội để khai thác thông tin cá nhân được chia sẻ trên đó. Marc Rotenberg, Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin bảo mật điện tử (EPIC) nói: “Facebook là ví dụ điển hình cho thấy sự cần thiết phải cập nhật luật bảo vệ quyền riêng tư của chúng ta”. EPIC đã khiếu nại Facebook lên Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) về “các hoạt động thương mại không lành mạnh trong cách họ thay đổi các quy tắc bảo mật và cách họ điều chỉnh các điều khoản dịch vụ”.
Chẳng hạn, cuối tháng 12 năm ngoái, Facebook triển khai thêm các cài đặt bảo mật cá nhân, giúp thành viên có thể kiểm soát chặt hơn với những người có thể xem các cập nhật và hình ảnh của họ. Electronic Frontier Foundation, cùng những nhóm khác, nhanh chóng cáo buộc đó là đánh lừa người dùng bởi thiết lập mặc định cho phép “mọi người” xem thông tin hình ảnh và hồ sơ người dùng. Một loạt nhóm bảo vệ quyền riêng tư đệ đơn khiếu nại với FTC. Khi một số hình ảnh cá nhân của Zuckerberg được công bố, các blogger lấy nó làm bằng chứng về sự phức tạp quá mức, dù trong thực tế việc thay đổi cài đặt chỉ mất vài phút. Facebook phản ứng bằng thông báo rằng công ty đã làm việc với các nhà quản lý, bao gồm FTC, trước khi triển khai các thay đổi.
Vụ tệ nhất với Facebook là thiếu tính toán khi giới thiệu công cụ tiếp thị “Beacon” vào cuối năm 2007. Công cụ này nhằm thông báo cho mọi người về bạn bè Facebook của họ đang mua gì online. Ngay cả các fan lâu năm của Facebook cũng nhận thấy nó khó chấp nhận. MoveOn.org đã tập hợp 50.000 người khiếu kiện đòi thay đổi. Phản ứng của Zuckerberg là vượt qua nó và khi điều đó không đạt, công ty mới cải tiến.
Từ đó, các nhà lập pháp đã chú ý hơn đến Facebook. Đầu năm nay, bốn thượng nghị sĩ Dân chủ đã yêu cầu Facebook tăng cường kiểm soát người dùng với thông tin cá nhân của họ, đồng thời họ cũng thúc đẩy FTC điều tra. Cơ quan này cũng đang xem xét một hệ thống “không theo dõi tôi” cho dữ liệu trực tuyến, kiểu như hệ thống ngăn cặn các cuộc gọi điện thoại tiếp thị.
Tương lai nào cho mạng xã hội?”. Trên trang của mình tại Facebook (Facebook.com/Zuck), Zuckerberg trả lời mới đây: “Tôi nghĩ tương lai mạng xã hội không phải là một trang web khác theo kiểu Facebook, nhưng thay vào đó là hầu hết mọi thứ chúng ta làm online sẽ trở thành xã hội theo cách nào đó. Ví dụ, thế hệ mới của game được chơi trên Xbox và Nintendo, nhưng nhiều người bây giờ chơi các game xã hội online với bạn bè họ. Trong vài năm tới, tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy các phiên bản xã hội của các ứng dụng chính online – mọi thứ từ mua sắm đến tin tức. Về cơ bản tôi nghĩ hầu hết mọi ứng dụng sẽ tốt hơn khi nó được thiết kế để sử dụng với bạn bè của bạn, do đó, tôi dám cược rằng điều này sẽ là một xu hướng lớn trong sự phát triển của phần mềm xã hội và Internet trong năm năm sắp tới”. |
Một số nghị sĩ Dân chủ còn đề xuất xa hơn trong việc quản lý bằng cách yêu cầu người dùng phải thỏa thuận khi nào một trang web được thu thập dữ liệu của họ. Các công ty truyền thông và các nhà quảng cáo lo rằng việc đó sẽ gây xáo trộn và không khả thi. Dự luật này có thể được đưa ra bỏ phiếu vào cuối năm nay.
Tất cả điều đó đặt Facebook trong một sự trói buộc: Tương lai dịch vụ của họ phụ thuộc vào sự phong phú của thông tin họ thu thập được từ người dùng, nhưng mọi nỗ lực kiếm tiền từ thông tin đó sẽ gặp sự phản đối của các nhà hoạt động bảo vệ quyền riêng tư và các nhà lập pháp. Tới nay, Facebook vẫn nói rằng, không chia sẻ hoặc bán thông tin cá nhân của người dùng cho các nhà quảng cáo.
Zuckerberg cho rằng cuộc tranh luận về bảo vệ quyền riêng tư là khó hiểu và ngược với hành vi của người dùng. “Chúng tôi lắng nghe tất cả ý kiến phản hồi dù nhỏ, nhưng chúng tôi cũng xem xét cách người ta sử dụng trang web” – Zuckerberg nói trong một hội nghị ở Silicon Valley. Anh dự đoán việc chia sẻ thông tin cá nhân sẽ tăng, chứ không phải giảm.
Nếu các nhà lập pháp không tin Zuckerberg, có lẽ họ nên tin vào thị trường. Trong khi chỉ có 37.000 người cho biết họ có tham gia chiến dịch “Thoát khỏi Facebook” vào ngày 31-5 vừa qua, thì mỗi ngày có 1 triệu người đăng ký thành viên Facebook, bằng 70 ngôn ngữ.
Theo Forbes, tỷ phú 26 tuổi (sinh ngày 14-5-1984) Zuckerberg có tài sản 6,9 tỷ USD (tính đến tháng 8-2010), xếp thứ 35 trong danh sách 400 tỷ phú Mỹ và thứ 212 trong danh sách tỷ phú thế giới 2010. Facebook thu hút mạnh đầu tư trong năm qua, giá trị công ty tăng lên 23 tỷ USD. Năm nay, Facebook được dự báo đạt doanh thu 2 tỷ USD, so với mức chưa đến 300 triệu USD năm 2008. Tài sản của Zuckerberg do anh tự tay làm nên với Facebook, công ty anh lập ra sau khi rời Đại học Harvard, lúc đang học năm thứ ba ngành khoa học máy tính. Hiện Zuckerberg sống trong một ngôi nhà khiêm tốn ở Palo Alto, California, đi chiếc xe hơi Acura TSX màu đen. Anh đang hẹn hò với Priscilla Chan, cô bạn đã quen từ thời đại học. |
THIỆN NGUYỄN