“Vua” tái chế

“Vua” tái chế

Tận dụng cành phượng khô và các loại gỗ tạp tại xưởng cưa, cậu sinh viên 9X Đặng Ngọc Vinh (Khoa Thiết kế nội thất Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ TPHCM) đã cho ra đời hàng ngàn sản phẩm lưu niệm làm bằng tay độc đáo, tạo nên thương hiệu “vua” tái chế. Cách làm này giúp bản thân Vinh kiếm được một khoản thu nhập không nhỏ để trang trải việc học vừa kết hợp tuyên truyền “lối sống xanh” cho các bạn trẻ cùng trang lứa. Ấn tượng hơn, Vinh cùng nhóm bạn đang phát triển ý tưởng trên thành công việc hữu ích cho những người khuyết tật.

  • Từ “đại gia bút chì”

Bắt đầu từ giờ giải lao trong tiết học thể dục năm lớp 12, Vinh ngồi nhặt những cành phượng khô vương vãi trên thảm cỏ, vô tình phát hiện giữa cành phượng đó là lõi rỗng. Một ý tưởng bỗng lóe lên về món quà kỷ niệm cuối năm cho các bạn cùng lớp: Bút chì làm từ cành cây khô. Tuy vậy, phải đến khi bước vào giảng đường đại học, Vinh cùng nhóm bạn mới thực hiện được ý tưởng tái chế và kinh doanh từ cây bút chì đặc biệt này.

“Vua” tái chế ảnh 1

Đặng Ngọc Vinh và các sản phẩm lưu niệm làm bằng tay độc đáo.

Vinh cho biết: “Cứ sau mỗi giờ học, cả nhóm lại lang thang trong sân trường, đi dọc các tuyến phố để thu gom các cành phượng khô. Có hôm, nhóm ra tận các xưởng cưa ở ngoại thành để xin các mảnh gỗ vụn, rồi hì hục chở về, chất đầy trong ngôi nhà chật chội của mình để có thể tái chế các sản phẩm khi cần”. Cứ thế, càng làm càng đẹp, càng bán được nhiều hơn, Vinh lại càng say sưa với những cây bút chì tái chế, ban đầu chỉ để viết, tiếp đến dùng trang trí cho túi xách, điện thoại với đủ bộ màu 7 sắc cầu vồng. Những sản phẩm tái chế nhanh chóng được các bạn trẻ yêu thích bởi sự ngộ nghĩnh trong từng hình khối, màu sắc, giá lại rẻ. “Trong vòng chưa đầy 3 tháng, tôi đã làm và bán ra hơn 5.000 cây bút chì, với hình thức ban đầu chỉ là bán dạo tại các cổng trường đại học, công viên trong thành phố. Dần dà có nhiều người biết đến và tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng của các tổ chức và các CLB môi trường”, Vinh phấn khởi cho biết.

Ngoài giờ học, có thời gian rảnh, cả nhóm bạn lại mày mò thiết kế những mẫu mới như chiếc đồng hồ để bàn, khung ảnh, chuông gió… Tất cả được làm bằng những thứ không dùng được nữa như bìa thùng cạc-tông, CD bỏ, chai nhựa, sành sứ và đặc biệt là móc khóa tên được khắc trên thân gỗ.

Thu nhập từ cách làm này giúp Vinh gần như tự chủ hoàn toàn sinh hoạt phí cho bản thân, từ việc sắm sửa chiếc máy tính xách tay đắt tiền, đến các dụng cụ phục vụ cho việc học tập. Với thu nhập 1 tháng đến vài triệu đồng chỉ với cây bút chì và các mặt hàng tái chế, nhiều bạn bè gọi Vinh đầy hóm hỉnh là “đại gia bút chì”.

  • Đến dự án vì cộng đồng

Sau khi giành giải nhất cuộc thi “Boom Idear” (Tìm kiếm ý tưởng kinh doanh vì cộng đồng) với các sản phẩm tái chế, Vinh cùng nhóm bạn lên kế hoạch kinh doanh từ ý tưởng với mục đích tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật tại các mái ấm, nhà mở. Kế hoạch này của Vinh nhanh chóng nhận được sự đồng ý và hỗ trợ từ người mẹ của mình, là giáo viên tại Trung tâm khuyết tật Thị Nghè.

Vinh chia sẻ: “Tôi được mẹ khuyến khích và hướng dẫn cách tiếp cận với những người khiếm thính, nên khi trực tiếp triển khai ý tưởng, bản thân cũng đỡ khó khăn hơn”. Ý tưởng được nhóm nâng cấp thành dự án mang tên “Green Heart”, với công việc chính là hướng dẫn cách tái chế các sản phẩm cho thành viên trong Câu lạc bộ khiếm thính Đời Rất Đẹp.

Và mỗi sáng chủ nhật, Vinh cùng nhóm bạn lại đến với câu lạc bộ, hướng dẫn từ cách chọn cành phượng, lõi chì đến cách gọt, đẽo, khắc tên lên từng mảnh gỗ vụn. “Với người bình thường, những sản phẩm đòi hỏi sự khéo tay này không phải dễ làm chứ đừng nói đến những người khiếm thính tại đây. Hơn nữa, ban đầu, họ tìm đến học nghề như cách để vui chơi, giải trí chứ không nghĩ đến việc tìm kiếm thêm nguồn thu nhập, nên nhóm cũng nản lắm. Bây giờ tình hình đã được cải thiện”, Vinh tâm sự. Tuy vậy, theo Vinh, phải cần một thời gian nữa để những người khiếm thính ở đây làm việc quen tay rồi mới nghĩ đến việc thương mại hóa các sản phẩm.

Cân bằng giữa việc học và hoạt động vì cộng đồng là chuyện không hề dễ dàng khi mà kiến thức ở trường mỗi lúc một nặng nhưng Vinh rất quyết tâm cho dự án của mình. Bởi khi nhìn những người không may mắn có thể vui sống và hăng say với phần việc nhỏ nhoi mà nhóm của Vinh đã mang đến, “vua” tái chế lại cảm thấy hạnh phúc.


NGUYÊN TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục