Chúng ta vẫn gặp hàng ngày nhiều người trẻ có hoài bão khác thường. Việc họ làm có thể khác với những quy luật thông thường. Nhưng chính những gì họ làm lại “gây sóng” trong xã hội. Chử Bích Phương và Nguyễn Trung Hiếu là 2 trong số những người trẻ như vậy của thủ đô Hà Nội.
Chọn đường chông gai
Chử Bích Phương (phố Đại La, Hà Nội), mùa tuyển sinh đại học 2011 là thủ khoa cả khối A, B của ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Nhưng việc em bỏ ngang ĐH Ngoại thương để thi vào ĐH Nông nghiệp vì.. mê nông nghiệp khiến nhiều người bất ngờ. Tại sao một cô gái trẻ lại chọn ĐH Nông nghiệp, vốn thường không phải “địa chỉ” lựa chọn của những học sinh xuất sắc, nhất là những cô gái Hà Nội sinh ra trong một gia đình công chức.
“Nhà em ở ngoại thành Hà Nội. Ký ức tuổi thơ của em là những cánh đồng lúa xanh bát ngát. Em yêu thích ngành công nghệ sinh học” - đó là câu trả lời giản dị của Phương về sự lựa chọn của mình. Quyết định rẽ ngang của Phương trở nên rõ ràng hơn khi một người thầy khuyên nhủ em: “Trước hết hãy học để trở thành con người tử tế, sau đó mới học chọn công việc mà các em yêu thích và quyết tâm theo đuổi nó. Khi đó, các em nhất định sẽ thành công”.
Năm 2010, sau khi đậu ĐH Y Hà Nội và ĐH Ngoại thương, Phương chọn học Ngoại thương. Nhưng chỉ hết học kỳ đầu tiên, em quyết định bảo lưu kết quả để chuyên tâm dành thời gian ôn luyện, thi vào ĐH Nông nghiệp. Ban đầu, mẹ Phương phản đối kịch liệt nhưng thấy ý con đã quyết nên gia đình cũng chấp thuận.
Mong ước của em là đạt thành tích học tập cao để được đi du học nhằm tiếp cận các thành tựu nổi bật của ngành công nghệ sinh học thế giới, từ đó đem tài năng trở về đất nước giúp đỡ nông dân. Không phải ai cũng dám đeo đuổi giấc mơ của mình, từ bỏ con đường đầy hoa hồng và bước đi trên con đường lắm chông gai. Hoài bão, khát vọng của Phương vì thế trở thành một thứ vô cùng hiếm, quý giá giữa cuộc sống đang ngày càng trở lên thực dụng hiện nay. Chắc chắn, không ít người trẻ tuổi đã tự suy ngẫm lại bản thân trước hoài bão của cô gái nhỏ bé này!
Bài văn “dậy sóng”
Tháng 11-2011, dư luận “dậy sóng” với một bài văn tiêu đề “Thư gửi Mẹ” của Nguyễn Trung Hiếu, học sinh lớp 11 chuyên Lý Trường Hà Nội - Amsterdam. Với đề bài cô giáo ra: “Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”, thay vì trình bày quan điểm, Hiếu đã kể câu chuyện thật của chính mình: Cả nhà phải sống dựa vào đồng lương hưu ít ỏi của ông nội, bà nội mắt lòa bị tiểu đường hơn 30 năm, mẹ chạy thận từ 8 năm qua, bố cũng phải nghỉ làm vì đau yếu. Cuộc sống của gia đình em vì thế cứ quay quắt với đồng tiền, vật lộn để mưu sinh và Hiếu tự nguyện nhịn ăn sáng để đỡ tốn tiền của mẹ.
Những suy nghĩ chín chắn về đồng tiền của một học sinh lớp 11 đã làm rung động hàng triệu trái tim. Câu chuyện chân thật do em viết lên cùng với suy nghĩ già trước tuổi của Hiếu đã có tác động mạnh mẽ đối với giới trẻ về đồng tiền, về giá trị thực sự của cuộc sống. “Em đã từng nghĩ đến việc bỏ học để đi làm thêm nhưng lại nghĩ phải có kiến thức thì mới làm được việc. Có buổi tình nguyện, chúng em chỉ ăn bánh quy và uống nước để tranh thủ làm việc nhưng em thấy rất thú vị. Em thấy mình tuy nghèo nhưng vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người vì em còn bố mẹ, ông bà” - Hiếu bày tỏ.
Việc thầy cô giáo, bạn bè, các nhà hảo tâm, các tổ chức, đoàn thể cá nhân tìm đến ủng hộ em, Hiếu đón nhận với tất cả lòng tri ân nhưng không khỏi thấy lúng túng: “Em không muốn được thương cảm quá. Còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn em. Em muốn được đối xử như người bình thường”. Không ai đoán trước được tương lai nhưng chúng ta có đủ niềm tin rằng Hiếu sẽ trở thành một công dân gương mẫu, một con người tử tế, sống một cuộc sống có ích cho cộng đồng.
| |
THẢO NGUYÊN