“Tỷ phú” tiền cổ

“Tỷ phú” tiền cổ

Mới bước sang tuổi 35 nhưng anh Nguyễn Huỳnh Thế Vinh (ngụ tại TPHCM) đã có... gần 20 năm sưu tầm tiền Việt Nam qua các thời kỳ. Sở hữu hơn 8.000 tờ tiền giấy, trong đó có những tờ bạc cực kỳ quý hiếm, phát hành trong những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nên anh Vinh được giới sưu tầm ví von là “tỷ phú” tiền cổ.

Mê mẩn với những tờ bạc Đông Dương

Theo cuốn 100 năm tiền giấy Việt Nam do NXB Trẻ và Hội Tem TPHCM phối hợp ấn hành, ngay sau khi đô hộ nước ta năm 1875, thực dân Pháp lập ra Banque de l’Indochine (Đông Dương Ngân hàng). Thông qua sắc lệnh ngày 21-1-1875, những tờ giấy bạc mệnh giá 5, 20, 100 đồng (piastre) đầu tiên được phát hành ở Sài Gòn và Hải Phòng. Mặt trước những tờ bạc này được trình bày theo bố cục: tên ngân hàng phát hành, ngày phát hành, mệnh giá, chữ ký người có trách nhiệm. Mặt sau tờ bạc là những hoa văn hình rồng; giữa là những dòng chữ Hán mang nội dung cho phép tờ giấy bạc được lưu hành ở lục tỉnh Nam kỳ. Những tờ bạc này hầu như có mặt đầy đủ và nguyên vẹn trong bộ sưu tập của anh Vinh.

“Tỷ phú” tiền cổ ảnh 1

Anh Nguyễn Huỳnh Thế Vinh giới thiệu bộ sưu tập tiền cổ của mình

Một thời gian sau, Đông Dương Ngân hàng tiếp tục phát hành tờ giấy bạc 1 đồng (1893), in ba thứ tiếng: Hán, Việt, Cao Miên (Campuchia). Tờ năm bạc (5 piastre) dân ta lúc bấy giờ quen gọi là tiền con công (1921-1931), bởi trên tờ bạc in hình con công rất đẹp đậu trên cành cây, cạnh đó là hình con bướm đang bay lượn... Đặc biệt, tờ một trăm bạc (100 piastre) phát hành thời kỳ này rất độc đáo, mặt trước in hình chiếc độc lư và Ngọ môn ở kinh thành Huế. Ngoài ra, giai đoạn này còn có tờ hai mươi bạc (20 piastre) in hình khối tượng bốn mặt ở đền Bayon (Campuchia). Bộ giấy bạc này được dùng một thời gian khá dài dưới thời Pháp thuộc. Về bộ giấy bạc phát hành thời kỳ này, anh Vinh cho biết: “Ấn tượng nhất là tờ một trăm bạc in hình độc lư và Ngọ môn Huế bởi mẫu mã in cực kỳ đẹp mắt. Mặt khác, khổ giấy in rất lớn nên khó bảo quản. May mắn là tôi sưu tầm được gần 30 tờ bạc này”.

Cũng theo anh Vinh, khi Thế chiến II xảy ra, Chính phủ Pháp đã cho phát hành các tờ bạc dưới tên Gouvernement Général de l’Indochine (Phủ Toàn quyền Đông Dương) thay cho Banque de l’Indochine. Nhìn chung, chất lượng giấy in tiền thời điểm này xấu hơn trước, trình bày sơ sài, được in tại nhà in IDEO, Hà Nội. Trong thời gian này có các tờ 10 xu in hình chợ voi, tờ 20 xu, 50 xu... Ngoài ra, còn có tiền kim loại, đặc biệt là đồng bạc chì với mặt sau có in hình bông lúa. 

 Theo giới sưu tầm tiền giấy Việt Nam, những tờ bạc trong thời kỳ này hiện không những được giới sưu tầm trong nước mà giới sưu tầm quốc tế cũng rất quan tâm. Vì thế, giá trị của một tờ tiền giấy thời điểm trước năm 1945 có khi lên tới cả 100 USD, thậm chí, giá một tờ bạc có hình độc lư đang được giới sưu tầm săn lùng ở mức 500-600 USD, những tờ bạc xuất hiện những năm đầu thế kỷ 19 có giá lên tới 3.000-3.500 USD/tờ.

Không chỉ sở hữu những tờ giấy bạc giá trị, anh Vinh còn sưu tập được cả những tờ giấy bạc bị… làm giả của thời kỳ này. Đặc biệt, anh Vinh sưu tập được cả một “kho tiền” mang hình Bác Hồ. Trong bộ sưu tầm đồ sộ này còn có rất nhiều tín phiếu, phiếu đổi chác, phiếu tiếp tế… do các Ủy ban Hành chánh kháng chiến Trung bộ, Nam bộ ấn hành… trong đó có nội dung giới hạn ranh giới lưu hành như Long-Châu-Sa (Long Xuyên-Châu Đốc-Sa Đéc) hoặc Long-Châu-Hà (Long Xuyên-Châu Đốc-Hà Tiên)…

Mua két sắt đựng... tiền cổ

Theo anh Vinh: “Sưu tầm là một thú vui tao nhã, thỏa mãn nhu cầu tìm tòi, nghiên cứu những cái mới. Sưu tầm tiền giấy, đối với tôi, mỗi tờ tiền đều thể hiện cô đọng một bức tranh về tình hình kinh tế, chính trị của dân tộc tại một giai đoạn lịch sử. Mỗi tờ tiền là một bằng chứng sống động về quá khứ của dân tộc. Đó còn là một hình thức gìn giữ lịch sử, niềm tự hào dân tộc. Thú thật, đây là một niềm đam mê tốn kém, bởi nhiều khi bỏ cả chục triệu đồng chỉ để mua được một đồng bạc cũ. Vì vậy, đến giờ tôi cũng… không dám “bật mí” hết cho vợ giá trị thật của những tờ bạc mà mình cất công sưu tầm gần 20 năm qua kẻo vợ xót của”.

Để có bộ sưu tập tiền giấy như ngày nay, anh Vinh cho biết: “Từ nhỏ tôi đã… mê tiền. Thời gian đầu, tôi chỉ chọn những tờ bạc mình thích (số seri đẹp, mẫu mã đẹp), sau đó, sở thích này ngày càng lớn dần. Bao nhiêu tiền ba mẹ cho ăn sáng tôi đều mang ra phố Lê Công Kiều, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ tìm những đồng tiền mà các cửa hàng đồ cổ ở đây thường bán cho khách Tây. Khi đi làm và kiếm được tiền, nỗi đam mê càng lớn. Có những lúc tôi khăn gói sang tận Lào, Campuchia để tìm mua bằng được tờ bạc mà mình còn thiếu trong bộ sưu tầm”.

Tờ bạc 1 đồng được phát hành năm 1901

Tờ bạc 1 đồng được phát hành năm 1901

Tờ 100 đồng Đông Dương, với hình độc lư và Ngọ môn ở kinh thành Huế, được dân sưu tầm rất quan tâm vì mẫu in đẹp, khổ to

Tờ 100 đồng Đông Dương, với hình độc lư và Ngọ môn ở kinh thành Huế, được dân sưu tầm rất quan tâm vì mẫu in đẹp, khổ to

Theo anh Vinh, có rất nhiều hướng sưu tầm tiền Việt. Tùy khả năng, sở thích mà sưu tầm theo hướng khác nhau. Có người sưu tầm tiền giấy Việt Nam qua các thời kỳ. Ngoài tờ tiền giấy đầu tiên của Việt Nam được ghi nhận từ thời nhà Hồ, người ta có thể sưu tầm những tờ giấy bạc đầu tiên do Banque de l’Indochine phát hành ngày 21-1-1875 đến nay, suốt hơn 130 năm, trải qua các thời kỳ Pháp thuộc, thời kỳ đất nước bị chia cắt, thời kỳ đất nước thống nhất.

Ngoài phân khúc việc sưu tầm theo từng thời kỳ, có người sưu tầm tiền giấy Việt Nam theo số seri. Theo hướng này, người sưu tầm sẽ chọn các số đẹp (số đảo, số cặp, số tiến, số trùng,...), số liền số, số ngày sinh, số sự kiện, 26 chữ cái trước số seri... Một số người chuyên sưu tầm những chứng chỉ liên quan đến tiền: séc, trái phiếu, cổ phiếu, ngân phiếu thanh toán, tín phiếu, phiếu đổi chác... Những nhà sưu tầm khác lại có sở thích sưu tập theo một mệnh giá nào đó, như sưu tầm toàn bộ những tờ 1 đồng, toàn bộ những tờ 2 đồng... Sưu tầm tiền hiếm hoặc sưu tầm tiền chưa qua sử dụng (UNC), tiền in sai (error), tiền dị bản (variety), tiền có số seri liên tục, tiền theo 26 chữ cái, tiền theo block 100 tờ liền số, tiền thử màu, in thử (proof), khuôn in tiền, bản vẽ phác thảo tiền của các họa sĩ ngân hàng...

Không chỉ sưu tầm, việc lưu giữ những đồng tiền vô giá này cũng cả là một kỳ công. Anh Vinh cho biết, chỉ riêng những cuốn album để đựng tiền, anh đã phải nhờ bạn bè mua về từ Đức, với giá vài chục USD/cuốn. Vậy mà, những album này sau bảy, tám năm lại phải thay mới vì khi đó chất liệu của những tờ nylon không còn đảm bảo cho việc lưu trữ. Mỗi lần thay mới hàng ngàn tờ nylon đặc biệt này cũng không hề đơn giản, thậm chí tốn công sức cả năm. Theo đó, phải dùng găng tay để tránh mồ hôi, sau đó dùng nhíp gắp nhẹ nhàng từng tờ một. Nói như anh Vinh: “Đã là niềm đam mê thì khó tránh khỏi tốn kém. Nhiều lúc đi làm về nắng nóng, không dám bật máy lạnh, nhưng phòng lưu trữ tiền giấy vẫn phải… giữ lạnh để những tờ bạc cổ không “đổ mồ hôi”. Nếu không, giấy bạc sẽ bị ẩm, bị xuống màu, giảm giá trị. Chưa kể, những tờ có giá trị đặc biệt, tôi còn phải sắm két sắt để… bảo quản”.

Đào Thụy

Tin cùng chuyên mục