Anh tên Nguyễn Văn Long, là con trai út trong một gia đình nghèo khó đông anh em ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm lên 3 tuổi, căn bệnh sởi quái ác đã cướp đi ánh sáng đôi mắt cậu bé Long. Nhưng hiếm ai có thể ngờ đằng sau đôi mắt mờ đục đó lại là một nghị lực phi thường và khát khao học chữ đến mãnh liệt. 25 năm kiên trì giấc mơ con chữ, đến nay người thầy ấy đã có 2 tấm bằng đại học, 1 bằng thạc sĩ và hiện vẫn ấp ủ dự định học lên tiến sĩ.
Thành tích đáng nể
Lớn lên trong bóng tối, ngày ngày nghe bạn bè đồng trang lứa đi học về ê a tập đánh vần, Long đã rất thèm và thích. Ước mơ được một ngày cắp sách đến trường, cùng bạn bè đọc truyện, làm thơ hàng đêm theo Long cả vào trong giấc ngủ.
Một ngày cuối năm 1986, gia đình quyết định đưa anh vào TPHCM theo học tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Học hết THCS, vấn đề nan giải của cả thầy và trò Trường Nguyễn Đình Chiểu khi đó là chưa có trường phổ thông hòa nhập dành cho người khiếm thị, học sinh của trường muốn học tiếp lên cấp 3 phải học hệ bổ túc.
Thương cậu học trò hiếu học, thầy hiệu phó Nguyễn Thanh Tâm khi đó (nay đã về hưu) phải chạy vạy, năn nỉ khắp nơi, thậm chí là cam kết hỗ trợ giáo viên trường bạn, sau một thời gian theo học nếu học sinh không theo nổi sẽ xin rút tên, cuối cùng anh mới được Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn An Ninh (quận 10) đặc cách nhận vào học cùng lớp với các bạn sáng mắt.
Ý chí, quyết tâm và nghị lực phi thường đã giúp anh không ngừng vươn lên trong học tập. Học lực suốt ba năm liền và kết quả thi tốt nghiệp THPT của anh đều xếp loại giỏi. Song khi ấy chưa có bất kỳ trường đại học nào trên cả nước tuyển thí sinh khiếm thị. Lại một lần nữa, giấc mơ con chữ có nguy cơ gián đoạn. Không nản chí, anh đã nhờ các thầy cô ở Trường Nguyễn An Ninh gõ cửa khắp nơi xin cho anh dự thi đại học, thậm chí anh còn viết cả đơn, gọi điện ra Bộ GD-ĐT xin đặc cách.
Sau rất nhiều khó khăn, cuối cùng Trường ĐH Sư phạm TPHCM và ĐH KHXH-NV - ĐHQG TPHCM đồng ý cho anh nộp hồ sơ dự thi đại học. Vượt qua hàng ngàn thí sinh sáng mắt, anh đã tạo nên kỳ tích khi cùng lúc đậu vào cả hai trường.
Năm 2003, anh tốt nghiệp khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH-NV TPHCM và là một trong năm sinh viên có điểm tốt nghiệp cao nhất khóa. Sự học chưa dừng lại ở đó, năm 2004, anh tiếp tục học lên cao học chuyên ngành Văn hóa học và tranh thủ “chinh phục” thêm bằng cử nhân Xã hội học.
Giờ đây, với hai tấm bằng đại học và một thạc sĩ, anh đã có thể tự tin khẳng định với tất cả mọi người, trong bất kỳ cuộc đua con chữ nào, chỉ cần có nghị lực người khiếm thị vẫn có thể đạt thành tích xuất sắc.
Song, khi chúng tôi đặt câu hỏi liệu những bằng cấp đã đạt được có giúp anh tạo chỗ đứng vững vàng hơn trong xã hội, Long cười buồn cho biết: “Mình học trước hết cho mình là chính, sau nữa là cho gia đình để bớt đi phần mặc cảm, sau nữa là để xã hội có cái nhìn thiện chí, đồng cảm hơn với người khiếm thị. Còn bằng cấp đôi khi chỉ mang ý nghĩa tinh thần là chính, chứ dựa vào đó để tìm việc làm thì cơ hội gần như là bằng không”. Bởi theo anh, cộng đồng người khiếm thị ở Việt Nam hiện nay khoảng hơn 2 triệu người. Trong đó, chỉ có 5%-7% người được đi học, số học được đến nơi đến chốn lại càng hiếm. Song khi có bằng cấp rồi, người khiếm thị khó có thể có công ăn việc làm ổn định như người bình thường. Do đó, hiện nay anh ấp ủ dự định học tiếp lên tiến sĩ với hy vọng sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội, tìm kiếm nguồn tài trợ thành lập trung tâm dạy nghề miễn phí cho người khiếm thị, giúp những người cùng cảnh ngộ có thêm cơ hội hòa nhập với cộng đồng.
Người thầy tri thức lẫn tâm hồn
Ngoài công việc giảng dạy tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (thầy dạy môn Lịch sử và Giáo dục công dân), anh cũng đang duy trì hoạt động của cơ sở massage dành cho người khiếm thị ở địa chỉ 126 Thành Thái (quận 10). Thành lập từ năm 2002, trải qua rất nhiều khó khăn tưởng chừng phải bỏ cuộc, đến nay cơ sở đã có một lượng khách hàng ổn định, tạo công ăn việc làm cho hơn 10 người khiếm thị đến từ nhiều miền đất nước.
“Mang tiếng là kinh doanh nhưng ở đây mọi người đùm bọc, yêu thương nhau không khác gì người thân trong một gia đình. Lúc mới được nhận vào làm, ai cũng được anh Long cho ăn cơm miễn phí suốt nửa năm trời, anh chị em nào nhà ở xa đều được anh cho ngủ lại ngay tại cơ sở mà không thu thêm bất kỳ khoản phí nào”, chị Nguyễn Nhật Quang, một nhân viên khiếm thị tại cơ sở cho biết.
Ngoài ra, chính tay anh cũng đi chọn mua từng bộ cờ tướng, cờ đô-mi-nô về cho anh chị em sau giờ làm việc có thể vui chơi, giải trí. Nếu ai có nhu cầu học thêm vi tính, ngoại ngữ, anh cũng cất công lặn lội tìm người về dạy. Bởi theo anh, người khiếm thị suy cho cùng cũng là những người bình thường với tất cả những nhu cầu sinh tồn, học tập, vui chơi, giải trí. Do đó, ngoài việc tạo dựng công ăn việc làm, trợ giúp về mặt vật chất, anh xem tất cả như anh em trong gia đình, giúp họ có cuộc sống tinh thần tốt hơn.
Và còn quá nhiều thách thức đặt ra trước “ông chủ nhỏ” mà khó nhất là củng cố “thương hiệu” trước tình trạng các cơ sở massage dành cho người khiếm thị mọc lên ngày càng nhiều, trong đó có không ít nơi lợi dụng mô hình này để che đậy nhiều tệ nạn khiến niềm tin của khách hàng dành cho cộng đồng người khiếm thị ngày càng sút giảm. Rồi phải duy trì lượng khách ổn định, đảm bảo đời sống cho anh em. Những khó khăn chất chồng là thế, thầy Nguyễn Văn Long vẫn kiên trì con đường mình đã chọn, lạc quan tin tưởng vào hy vọng có một ngày, người khiếm thị sẽ được nhìn nhận một cách công bằng hơn trong xã hội.
THANH THU