Phó Giáo sư tuổi 31

Vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2009 vừa qua, Bùi Thế Duy (ảnh), Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước trao tặng học hàm Phó Giáo sư (PGS).
Phó Giáo sư tuổi 31

Vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2009 vừa qua, Bùi Thế Duy (ảnh), Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước trao tặng học hàm Phó Giáo sư (PGS).

Nhận học hàm khi mới 31 tuổi, anh trở thành PGS trẻ nhất Việt Nam. Anh cũng là một trong điển hình được chọn tham gia cuộc giao lưu, tọa đàm các điển hình tiên tiến toàn quốc trong cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vừa qua, đồng thời là 1 trong 10 gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu năm 2009.

Những năm học ở khối chuyên Toán - Tin ĐHQG Hà Nội, Bùi Thế Duy đã đoạt giải nhất học sinh giỏi Tin học toàn quốc, hai lần đoạt giải ba Olympic Tin học quốc tế. Được vào thẳng khoa Toán - Tin, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) Bùi Thế Duy đã giành được học bổng toàn phần của Chính phủ Australia.


Chỉ trong thời gian 3 năm học tại Australia, anh đã hoàn thành khóa học đại học và các môn cao học tại đây, rút ngắn được nửa thời gian so với yêu cầu của khóa học. Sau đó, anh nhận được học bổng toàn phần của Chính phủ Hà Lan đào tạo tiến sĩ (TS) và khóa học này anh đã bảo vệ trước 1 năm so với quy định. Chỉ trong 6 năm, Duy đã lấy được bằng đại học và bảo vệ xong luận án TS khi mới 26 tuổi. Dù đã nhận được lời mời của nhiều công ty nước ngoài nhưng anh đã chọn con đường trở về nước và về giảng dạy tại ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội vào năm 2004.

“Khi bảo vệ thành công luận án TS ở nước ngoài, tôi đã phải đứng trước nhiều sự lựa chọn. Thua thiệt một chút về cá nhân nhưng được tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu ở quê hương chính là niềm hạnh phúc”, Bùi Thế Duy tâm sự.

Vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học, đến nay PGS Bùi Thế Duy đã có 35 bài báo được đăng tải trong nước và các tạp chí nước ngoài. Đề tài nghiên cứu cấp bộ của anh có tính ứng dụng cao như “Xây dựng các khuôn mặt nói tiếng Việt phục vụ cho tương tác người - máy” năm 2005 - 2006; “Nghiên cứu chế tạo hệ thống thiết bị giám sát tình trạng bệnh nhân” năm 2006 của Sở Khoa học-Công nghệ Hà Nội.

Ngoài ra, anh là huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam tham dự các kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC. Với những thành tích này, Bùi Thế Duy đã được lãnh đạo nhà trường tin tưởng và giao làm Phó Chủ nhiệm bộ môn mạng. Vừa qua, anh đã được bổ nhiệm là Chủ nhiệm khoa CNTT, khi tròn 31 tuổi.

Bùi Thế Duy không thích nói về mình. Anh tâm sự: “Thật ra, TS, PGS hay GS chỉ là để đánh giá những người làm nghiên cứu và giảng dạy trong trường, không có nghĩa là người ta giỏi hơn người khác ở lĩnh vực khác”. Theo anh, những bằng cấp, danh hiệu đạt được là vì ham nghiên cứu chứ không phải vì mục đích thăng tiến. “Mỗi người có những điểm mạnh nhất định, người thành công là người biết cách khai thác điểm mạnh của mình. Với tôi, đại học là một cơ quan nghiên cứu hợp lý nhất. Tôi thích nghiên cứu nên môi trường này hợp với tôi”, anh chia sẻ lý do chọn đại học làm nơi gắn bó lâu dài.

Lâm Nguyên

Tin cùng chuyên mục