Với 25 năm “cắm bản”, người thầy giáo chợt nhận ra một điều thiêng liêng: không biết tự bao giờ, dòng máu và hơi thở của mình đã như của đồng bào Bahnar bản địa.
Thầy giáo bản
Năm 1987, chàng thanh niên Lê Hữu Phong (quê Mỹ Yên, Hưng Yên) bắt đầu hành trình từ đồng bằng lên đại ngàn để “gieo chữ” cho học sinh dân tộc thiểu số. Đó là Trường Tiểu học Kon Chiêng (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, Gia Lai).
Xã Kon Chiêng lúc này chỉ là rừng núi hoang vu, từ thị trấn phải mất 3 ngày đi bộ mới tới được trung tâm xã. Trước đó, có nhiều giáo viên cũng đã đến nhưng rồi nhanh chóng bỏ đi vì không chịu được cái khổ, trường học trở thành nơi thả bò.
Thầy Phong tiếp quản ngôi trường với tư cách vừa là hiệu trưởng, vừa là giáo viên duy nhất của trường. Về Kon Chiêng, thầy Phong được ông giáo già Mel - giáo viên thời Pháp thuộc nhận làm con nuôi, đưa về ở trong nhà và dạy tiếng Bahnar.
Trường đã có thầy nhưng lại không có trò, học trò không chịu đến trường phần vì nhà xa, không có nơi ăn, chốn ở. Thầy Phong đích thân lên xã nhờ chính quyền vận động bà con xây dựng kho thóc nuôi học trò. Nghe theo ý thầy giáo, từ đầu làng đến cuối bản, ai cũng đồng ý mỗi tháng đóng góp một gùi lúa và thức ăn cho các em ở lại trường học. Từ đó, Trường Tiểu học Kon Chiêng bắt đầu náo nhiệt tiếng học sinh, bồ lúa nuôi học trò từ dạo ấy trở đi luôn đầy ắp.
Năm 2003, thầy Phong chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Mang Yang. Đây chính là tâm nguyện lớn nhất của đời anh. Sau nhiều năm “cắm bản”, cùng ăn cùng ở với dân làng, với lượng kiến thức góp nhặt được, anh đã am hiểu rất rõ bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc Bahnar và đánh giá đó là những “vật báu” tinh thần vô giá cần phải truyền lại cho các thế hệ sau.
Giữ lấy văn hóa truyền thống
Về trường mới được một năm, thầy Phong xin huyện hỗ trợ tiền để mua bộ chiêng (17 chiếc) cho học sinh sinh hoạt và học tập. Đích thân thầy Phong đến tận huyện Krông Pa (Gia Lai) để mời bằng được người chỉnh chiêng giỏi nhất, nghệ nhân Nay Phai đến đào tạo kỹ thuật bài bản và dạy các bài chiêng truyền thống cho học trò trường mình.
Thầy Phong tâm sự: “Trường đã xây dựng được đội cồng chiêng hoàn chỉnh gồm: 17 em nam đánh chiêng và 20 em nữ trong đội múa xoang. Mục đích chính là hướng đến việc xây dựng trường học thân thiện. Qua đó góp phần bảo tồn và duy trì văn hóa truyền thống cho các em là người dân tộc thiểu số. Hiện nay ở các làng, nạn “chảy máu” cồng chiêng đang diễn ra. Nếu mình không làm thì sau này văn hóa thôn làng sẽ hết”.
Ngoài cồng chiêng, thầy Phong còn làm không khí học tập, vui chơi ngay trên lớp thêm phần phong phú nhờ việc đưa văn hóa Bahnar vào lớp. Các câu đố, câu vè, các truyền thuyết của dân tộc Bahnar… được thầy đem vào bài giảng, giúp học sinh hiểu sâu hơn bản sắc riêng của dân tộc mình. Nhờ trang thiết bị máy chiếu, máy tính, có điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin nên các bài học càng thêm sinh động, hấp dẫn các em.
Tình yêu và sự gắn bó bao năm với người Bahnar đã thúc đẩy thầy Phong dồn công sức và tâm huyết xuất bản cuốn “Từ vựng đối chiếu Việt – Bahnar và Bahnar – Việt” dày 715 trang. Tiếp đó là cuốn “Tài liệu tiếng Bahnar” dành cho các giảng viên, cán bộ và sinh viên học tiếng Bahnar. Cuốn sách về “Luật tục và lễ hội” đang trong quá trình hoàn thành. Đây là đề tài được thầy Phong ấp ủ đã nhiều năm, kể từ ngày dạy ở xã Kon Chiêng nghèo khó.
Dự án xây dựng “từ điển điện tử Việt - Bahnar” cũng đang gấp rút hoàn chỉnh, khi đưa vào sử dụng sẽ giúp đơn giản hóa việc dạy và học tiếng Bahnar cho học sinh và giáo viên. Trong năm học 2010, thầy Phong đã mở một thư viện thân thiện ngoài trời để học sinh có một không gian thoải mái đọc sách, nghiên cứu tài liệu.
Dòng chảy của văn hóa Bahnar đã ăn sâu vào máu thịt của người thầy miền xuôi, thúc đẩy anh làm được nhiều điều hơn, cống hiến nhiều hơn cho con người và mảnh đất Tây Nguyên đầy gian khó nhưng cũng đầy nghĩa tình này.
Ngọc Linh