Nghề “nói ra tiền”

Ngày nhỏ, đọc cuốn Đắc nhân tâm, bí quyết thành công của Dale Carnegie (Nguyễn Hiến Lê dịch), tôi cứ ấn tượng mãi về hình ảnh một người đứng trên bục cao, ăn mặc lịch lãm, đã nói ngọt lọt đến xương lại khoa chân múa tay, nhíu mày, nhăn trán, nhún vai... để phụ họa. Dưới khán phòng, người ngồi như nêm cối, lúc trầm trồ thán phục, khi ồ lên cười sảng khoái hay vỗ tay rào rào tán thưởng.
Nghề “nói ra tiền”

Ngày nhỏ, đọc cuốn Đắc nhân tâm, bí quyết thành công của Dale Carnegie (Nguyễn Hiến Lê dịch), tôi cứ ấn tượng mãi về hình ảnh một người đứng trên bục cao, ăn mặc lịch lãm, đã nói ngọt lọt đến xương lại khoa chân múa tay, nhíu mày, nhăn trán, nhún vai... để phụ họa. Dưới khán phòng, người ngồi như nêm cối, lúc trầm trồ thán phục, khi ồ lên cười sảng khoái hay vỗ tay rào rào tán thưởng.

Những tưởng đó mãi chỉ là hình ảnh hào nhoáng ở bên Tây, ai dè từ dăm năm nay đã xuất hiện thường xuyên ở Việt Nam. Diễn thuyết thì có nhiều người làm nhưng ăn rồi đi nói khắp nơi mới có mấy người: Quách Tuấn Khanh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Trí Dũng… Họ đã bổ sung nghề diễn giả vào danh mục nghề xứ Việt.

Chia sẻ

Tối 20-12-2006, chương trình diễn thuyết Dám ước mơ và sống với ước mơ được tổ chức tại nhà thi đấu Nguyễn Du, TPHCM, thu hút khoảng 2.000 người tham dự với giá mỗi vé 40.000đ. Lần đầu tiên có một chương trình diễn thuyết được bán vé tại Việt Nam. Diễn giả hôm ấy là Quách Tuấn Khanh. Đó là bước đi đầu tiên của nghề “một người nói vạn người nghe” ở đất Việt. Đến nay chàng diễn giả ấy đã có cả một Trung tâm Huấn luyện thành công và hạnh phúc, luôn đắt hàng với các khóa đào tạo phát triển bản thân cho các bạn trẻ. Và Khanh bảo không hề vênh váo khi tuyên bố: “Tôi sinh ra để làm diễn giả” bởi mình đã đánh thức và truyền cảm hứng cho hơn 100.000 người thuộc đủ thành phần, lứa tuổi qua các buổi diễn thuyết: Bí kíp thành công của nhà quản lý và người kinh doanh, Tuyệt chiêu sale, Tương lai con trong tay bạn, Nắm luật chơi của đồng tiền, Cân bằng và tìm thấy niềm vui trong công việc và đời sống...

Diễn giả Nguyễn Mạnh Hùng

Diễn giả Nguyễn Mạnh Hùng

Diễn giả cần nhất điều gì? Hỏi câu này với bất cứ ai đang hành nghề, tôi cũng nhận được đáp án chung: tấm lòng. Vì rằng, người ta mua vé tham dự một buổi diễn thuyết mong tìm được sự đồng cảm chứ không phải đến nghe diễn giả phùng mang trợn mắt răn dạy. Trần Đăng Khoa - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty cổ phần TGM hoạt động trong lĩnh vực xuất bản và đào tạo, ghi dấu ấn với những khóa học Tôi tài giỏi - nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là cái tâm. Biết quan tâm đến người nghe và khát khao mang đến giá trị gì đó cho họ”. Quan tâm không có nghĩa là chỉ ăn nói nhẹ nhàng, bùi tai mà còn cả những liệu pháp gây sốc. Buổi chia sẻ Khởi nghiệp thành công - Làm giàu, ai bảo không khó? do diễn giả Nguyễn Mạnh Hùng, tổ chức tại HUB café, TPHCM, là ví dụ.

“Ai ở đây vẫn còn xin tiền bố mẹ?” - ông Hùng vừa hỏi, hầu hết cả trăm bạn sinh viên tham dự đều giơ tay. “Giơ tay mạnh mẽ và hồn nhiên nhỉ. Không ai xấu hổ à? Bằng này tuổi đầu rồi mà còn ăn bám gia đình. Không thể chấp nhận được” - ông Hùng cao giọng, hội trường lặng đi. Rồi ông Hùng kể lúc bảy tuổi mình đã biết tự lập, ngoài giờ học đi cắt cỏ, bán với giá 1 hào/gánh để lấy tiền giúp đỡ bố mẹ. Lớn lên, đi học thì xoay đủ thứ nghề làm thêm để trang trải chi phí. Rồi ông bồi thêm chuyện cậu bé Farrah Gray khởi nghiệp từ khi lên 6 và trở thành triệu phú khi 14 tuổi, hiện là một trong những triệu phú trẻ tuổi có ảnh hưởng mạnh tại Mỹ... Chuyện Đông chuyện Tây được ông lồng ghép khéo léo, gắn kết và chia sẻ, lúc gay gắt, thúc giục, khi rủ rỉ tâm tình, làm các bạn trẻ “thấy nóng cả gáy và quyết tâm thay đổi cách nghĩ, cách làm” – bạn trẻ Huỳnh Thị Mỹ Hiền tâm sự.

Diễn giả phải có một bồ sách trong bụng nhưng nếu như chỉ nói như sách thì người ta mua sách về đọc chứ hơi đâu ngồi nghe diễn thuyết. Quách Tuấn Khanh bảo anh có một tủ sách hơn 3.000 cuốn chuyên về thể loại phát triển và tự hoàn thiện và vẫn tiếp tục cập nhật mỗi ngày. Từ sách, anh học hỏi những bậc thầy thành công của nhân loại từ xưa đến nay để chắt lọc, nói lại theo cách của mình. Quả thế, tham dự những buổi diễn thuyết của anh ở Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM, tôi thấy những điều anh nói không phải mới, nó đầy trong những sách dạy nghệ thuật tư duy, giao tiếp, khởi nghiệp… bán khắp nơi. Nhưng Khanh ăn tiền được ở chỗ anh biết cách gắn kết những thông tin đó lại rồi diễn đạt mạch lạc. Anh lại lấy ví dụ xa, gần, vừa nói vừa khoa chân múa tay, đúng hình ảnh một diễn giả. Và đối đáp, cùng thắt, mở… Thế là các bạn trẻ cứ ô a ê mãi không biết chán.

Ở đất nước mà chủ nghĩa kinh nghiệm còn đè nặng như Việt Nam, tuổi của diễn giả cũng là một trở ngại. Trần Đăng Khoa còn nhớ như in những ngày đầu tháng 6-2009 khi đưa khóa học Tôi tài giỏi vào Việt Nam: “Nhiều bậc phụ huynh thấy mình trẻ măng (Khoa sinh năm 1981) thì nhìn với ánh mắt dò xét kiểu tí tuổi đầu biết gì mà đòi dạy; có người nghĩ chắc lừa đảo gì đây”. Nhưng rồi cũng “liều” đóng 4.500.000đ đăng ký cho con học, Khoa đúc kết: “Quan trọng không phải sống bao nhiêu năm mà đã sống như thế nào”.

“Nhiệt huyết của diễn giả sẽ mang lại 70% thành công của buổi diễn thuyết” - ông Nguyễn Mạnh Hùng, diễn giả chuyên nghiệp từ năm 2003 đến nay, đúc kết. Điều này được chứng thực bởi lời tâm sự của Gia Khánh, khán giả của một chương trình diễn thuyết: “Một người tâm lý, chia sẻ lòng mình với công chúng mới là một diễn giả tốt chứ không phải là người hoạt khẩu. Tôi từng ra về sau chỉ năm phút vào hội trường vì diễn giả ăn nói thơn thớt, khoe mẽ và lên giọng dạy dỗ người nghe”.

Thông tin là vốn

“Không chuẩn bị gì nghĩa là chuẩn bị cho thất bại” - ông Hùng vần vè như thế về nghề của mình. Để chuẩn bị cho một buổi nói chuyện trong vòng hai giờ với cán bộ và nhân viên Ngân hàng Á Châu, ông phải mất cả tuần đào xới tài liệu về ngân hàng này, dò la về đời sống nhân viên của họ và cả về những đối thủ của họ nữa để biết hoạt động kinh doanh của họ đang gặp thuận lợi và khó khăn gì. Rồi tìm hiểu cả biểu đồ giá vàng, ngoại tệ, chính sách tiền tệ để từ đó mới “biết mười nói một”, nói những điều gần gũi với cuộc sống, công việc của họ.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Công ty Minh Trân, Phó chủ tịch thường trực CLB Hợp tác Nhật - Việt, người thường xuyên có những buổi tọa đàm về xúc tiến thương mại, giao lưu văn hóa, giáo dục… - thì có hẳn một nhóm trợ lý thông tin. Ngày ngày, đọc báo, lướt web, thấy thông tin nào hữu ích, ông đánh dấu, các cộng sự sẽ sao, lưu theo từng chuyên đề như: kinh tế, văn hóa, giáo dục, quản lý nhân sự, ô nhiễm môi trường... khi cần chỉ một cái nhấp chuột máy tính là nói có sách mách có chứng. Ông có cả một đội ngũ cố vấn trên nhiều lĩnh vực để hỏi ý kiến khi cần. Minh Châu, một trong những trợ lý của ông, cho biết chị phải làm ngày làm đêm suốt ba hôm mới cô đọng được 300 trang tài liệu về nạn ô nhiễm môi trường ở Việt Nam thành 10 trang A4 để phục vụ cho buổi tọa đàm Giấc mơ Việt Nam mà ông Dũng chuẩn bị trao đổi với sinh viên một số trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội và TPHCM.

Đọc suy nghĩ của khán giả qua ánh mắt, điệu bộ, cử chỉ là một yêu cầu mà bất cứ diễn giả nào cũng coi trọng. Trần Đăng Khoa bảo qua quá trình rèn luyện và cảm quan, anh có thể đo được nhiệt độ trong khán phòng để điều chỉnh bài nói chuyện của mình. Thấy công chúng thoáng chút uể oải trong ánh mắt, dáng ngồi là phải tăng nhiệt ngay bằng “đủ cách, nhưng không thể thiếu những câu pha trò dí dỏm”.

Ngoài những yếu tố bất di bất dịch, mỗi diễn giả có một cách chuẩn bị và điều khiển buổi diễn thuyết, lấy lòng công chúng… khác nhau. Điều đó góp phần làm nên sức cuốn hút của những buổi nghe - nói.

Nghề thời đại

Hỏi về tương lai của nghề này ở Việt Nam, ai cũng khẳng định là rất xán lạn.

Các diễn giả có thể nhận thù lao 400-500 USD/giờ ở các buổi diễn thuyết quan trọng. Tất nhiên cũng có chương trình miễn phí, diễn giả đến các trường học để giới thiệu sách, giới thiệu chương trình đào tạo hoặc chỉ vì “sứ mạng của mình là sẻ chia” như lời ông Nguyễn Mạnh Hùng. Ở Việt Nam chưa có trường lớp đào tạo nghề diễn giả nhưng mỗi người đang hành nghề này đều có cách dìu dắt cộng sự. Trần Đăng Khoa chọn từ những học viên, tình nguyện viên của các khóa học Tôi tài giỏi, Tôi tài giỏi đặc biệt… để kiếm mầm và ươm. Nguyễn Mạnh Hùng chỉ với quá trình làm xuất bản đã chọn lọc và đào tạo được nhiều cộng sự tốt như: Thanh Hải, Phùng Hà, Nguyên Thảo, Nguyễn Mạnh, Bá Toàn… Quách Tuấn Khanh tổ chức những khóa đào tạo Tuyệt kỹ training để chọn nhân tài. Trong các buổi diễn thuyết, phần hỏi đáp luôn có khán giả hỏi: “Làm thế nào để trở thành diễn giả?”. Đủ biết sức hấp dẫn của nghề này như thế nào trong lòng các bạn trẻ!

Ngoài uy tín của diễn giả và tên của chương trình, người tổ chức buổi diễn thuyết cũng phải nhanh nhạy tung đủ chiêu để thu hút nhiều khán giả. Nguyên Thảo, người chuyên tổ chức các buổi diễn thuyết, tiết lộ: “Chúng tôi thuê người đến cổng các trường học, doanh nghiệp… để phát tờ rơi; vào các mạng xã hội, diễn đàn trên Internet, đăng tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng… để giới thiệu chương trình. Nơi tổ chức chỉ cần có hệ thống âm thanh tốt, phòng ốc lịch sự”.

Diễn giả Trần Đăng Khoa

Diễn giả Trần Đăng Khoa

Không chỉ những chuyện thuần túy kỹ thuật, diễn giả và người tổ chức chương trình diễn thuyết cần phải nhanh trí và mềm mỏng để thoát được những sự cố muôn hình muôn vẻ luôn chực chờ xuất hiện, như trong buổi giao lưu với Eran Katz, người giữ kỷ lục Guinness về khả năng nhớ được một dãy 500 chữ số chỉ sau một lần nghe. Chứng kiến người đàn ông Do Thái trổ tài chỉ nghe một lần rồi đọc lại tất cả dãy số mà khán giả yêu cầu, một bác đứng tuổi ngồi hàng đầu đứng phắt dậy. Chưa để nụ cười ruồi tắt hẳn, bác gằn từng tiếng rằng trí nhớ của ông có gì ghê gớm, nhà bác học Lê Quý Đôn của chúng tôi sống ở thế kỷ 18 mới có trí nhớ siêu phàm, bởi có lần ông đọc qua tấm bia đá một lần rồi đọc ngược lại không sai một chữ. Katz tiết lộ bí quyết gợi sự liên tưởng để rèn luyện trí nhớ, chẳng hạn máy cắt cỏ kêu những tiếng gằn gằn lúc hoạt động, gợi ý cho ta từ green (màu xanh), cỏ đang được cắt cũng màu xanh, nên nghe tiếng gằn của máy cắt cỏ là ta nhớ ngay đến màu xanh, đến cỏ, đến máy cắt cỏ… Trong khi hội trường vang lên những tràng pháo tay và tiếng cười thú vị về kiểu vừa học tiếng Anh vừa rèn trí nhớ độc đáo ấy, bác nọ tiếp tục bắt bẻ rằng phương pháp liên tưởng của ông chỉ đúng trong tiếng Anh, có cách gì áp dụng cho tiếng Việt? Katz cười đáp: “Cả đời tôi nói tiếng Anh nên tôi chỉ nghĩ ra cách áp dụng với tiếng Anh”.

May là đông đảo chủ, khách của buổi giao lưu không ai bận tâm cật vấn bác về chuyện đúng sai của giai thoại bác dẫn ra nhằm hạ bệ vị khách đến từ Israel. Cũng may là người của ban tổ chức đã nhanh trí tuyên bố đây chỉ là một trong những cách rèn luyện trí nhớ và Katz cũng nhã nhặn nói rằng ông muốn giao lưu, giới thiệu cách rèn luyện trí nhớ theo kinh nghiệm bản thân chứ không khẳng định chỉ có cách của ông mới ưu việt…

Buổi thuyết trình Nghĩ giàu làm giàu tại khách sạn Bảo Sơn, Hà Nội. Ban tổ chức dự kiến khoảng 150 doanh nhân đến dự. Cuối cùng số lượng tăng lên gần 300. Hội trường chật kín. Các doanh nhân lắng nghe chăm chú. Hết giờ không ai muốn về. Buổi diễn thuyết Tìm lại chính mình tại tòa soạn báo Giác Ngộ, TPHCM. Chật kín hội trường. Hàng chục người đứng. Lúc phải về không ai muốn về. Khóa đào tạo Tôi tài giỏi đặc biệt diễn ra trong tám ngày, chi phí tham dự là 40 triệu đồng/người mà phụ huynh phải mướt mồ hôi mới kiếm được suất cho con em mình…

Rõ ràng xã hội càng phát triển, nhu cầu được chia sẻ giữa con người càng nhiều. Người ta đăng ký tham dự các buổi diễn thuyết để được khám phá bản thân, khơi nguồn trí tuệ. Và rất nhiều người trong số đó ấp ủ ước mơ trở thành diễn giả để “nói ra tiền”.

Diễn thuyết chính là cách đào tạo tuyệt vời. Nếu có nhiều diễn giả chuyên nghiệp và tâm huyết, chúng ta sẽ nâng tầm trí tuệ Việt.

7 bí quyết để trở thành diễn giả

(Theo diễn giả Quách Tuấn Khanh, Chủ tịch Power UP Group)

1. Nói hay

Công cụ quan trọng để diễn giả hành nghề chính là... cái miệng. Để lời nói thuyết phục, diễn giả không những phải luyện cho mình khả năng nói lưu loát, rõ ràng, dễ hiểu mà còn phải có ý tưởng, tạo được cảm xúc cho người nghe. Một nguyên lý trong nghề diễn giả là nói những gì bạn đã trải qua, làm qua, tin tưởng, bạn mới có thể chạm đến tâm hồn, trái tim người nghe, qua đó truyền niềm tin sang họ.

2. Diễn tốt

Một nhiệm vụ quan trọng của diễn giả là diễn, diễn sao cho người nghe cảm thấy vui vẻ, thoải mái, giúp họ tiếp thu kiến thức tốt hơn. Vì vậy, diễn giả có khả năng sử dụng ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu, thậm chí diễn xuất nhằm minh họa cho nội dung truyền đạt không khác gì diễn viên kịch để gây hào hứng và tăng tác động lên người nghe.

3. Có kiến thức sâu rộng

Ngoài kiến thức thật sâu về chuyên môn và đề tài mình nói, diễn giả còn phải có kiến thức tổng quát rộng. Để tác động giúp một người thay đổi, bạn phải hiểu được tâm lý, văn hóa, xã hội, nền tảng học vấn và những kinh nghiệm mà người đó từng trải vì đây là các yếu tố ảnh hưởng lên hành vi của họ.

4. Học hỏi và thực hành mọi lúc, mọi nơi

Bạn cần tập khả năng quan sát, nhìn sâu và đúc kết từ cuộc sống, học cách lắng nghe người khác không thành kiến. Cuộc đời bạn phải là minh chứng sống động nhất cho những gì bạn nói. Chỉ có sống dấn thân và hết mình, gặp gỡ nhiều người, bạn mới dồi dào vốn sống để phục vụ các bài diễn thuyết.

5. Tin tưởng con người và những điều tốt đẹp

Mọi người đều muốn sống cuộc đời tốt đẹp, muốn đóng góp cho cuộc sống. Mọi người đều có tiềm năng và có thể thành công nếu biết phát huy tiềm năng của mình. Đó là lý do các diễn giả chọn nghề này để giúp người khác thành công và hạnh phúc hơn.

6. Mong muốn giúp người khác thành công

Diễn giả là người tin vào luật nhân quả: cho để rồi nhận, giúp người khác thành công và hạnh phúc chính là cách để bạn có được thành công và hạnh phúc. Mong muốn này phải thật sự xuất phát từ nhận thức, từ con tim và cách sống của diễn giả. Diễn giả giỏi luôn có tấm lòng nhân hậu.

7. Đừng trở thành bản sao

Đừng là bản sao của bất cứ diễn giả nào, cho dù họ có tuyệt vời đến đâu chăng nữa. Hãy học hỏi từ họ cách diễn thuyết, xây dựng hình ảnh, quảng bá tên tuổi và tạo sức thu hút đối với người nghe. Nhưng bạn phải sáng tạo cho riêng mình, nếu không bạn sẽ xuất hiện rất nhợt nhạt trước khán giả. Mỗi cá nhân là một kiệt tác của tạo hóa, không ai giống ai.

Đỗ Quang Tuấn Hoàng (Theo SGGPT7)

Tin cùng chuyên mục