Trải nghiệm kiến trúc

Khi đậu Đại học Kiến trúc TPHCM sau hơn một năm quyết tâm rong ruổi đến những lớp luyện thi mỗi ngày với ba môn toán, lý và vẽ, lòng tôi đầy tự hào tuy tôi chưa thật sự hiểu vì sao mình chọn ngành kiến trúc và trường kiến trúc sẽ cho tôi những gì? Lúc đó, chỉ vì giỏi toán, lý và thích vẽ mà tôi chọn ngành này, một ngành khá “thời thượng” và không dễ vào.
Trải nghiệm kiến trúc

Khi đậu Đại học Kiến trúc TPHCM sau hơn một năm quyết tâm rong ruổi đến những lớp luyện thi mỗi ngày với ba môn toán, lý và vẽ, lòng tôi đầy tự hào tuy tôi chưa thật sự hiểu vì sao mình chọn ngành kiến trúc và trường kiến trúc sẽ cho tôi những gì? Lúc đó, chỉ vì giỏi toán, lý và thích vẽ mà tôi chọn ngành này, một ngành khá “thời thượng” và không dễ vào.

Những câu hỏi “bước ngoặt”

Rồi tôi có cơ hội ra nước ngoài để theo đuổi ngành kiến trúc. Sau một năm học tại một trường đại học ở Đông Âu, tôi quyết định nộp hồ sơ vào Trường Kiến trúc của Hiệp hội Kiến trúc Anh, một trường nổi tiếng thế giới. Chẳng màng tới toán hay lý, họ yêu cầu một tập portfolio (hồ sơ về những tác phẩm nghệ thuật, kiến trúc hay bất kể thứ gì tùy theo sở thích) và một bài luận dành cho vòng sơ tuyển cùng với hồ sơ những danh hiệu, bằng cấp đã đạt.

Hiếu Minh - sinh viên ngành kiến trúc của AA

Hiếu Minh - sinh viên ngành kiến trúc của AA

Tiếp theo là vòng phỏng vấn. Khi đến London trình bày portfolio của mình, tôi hoàn tất trong vỏn vẹn 3 phút vì không có gì để nói thêm về những bài vẽ tượng hay chân dung vài người bạn. Một giáo sư trong ban giám khảo hỏi: “Còn gì nữa không?”, trong vài giây tôi lúng túng, bà chỉ tờ giấy nằm cuối tập giấy – một bài thiết kế dang dở mà tôi đã phân vân có nên trình bày hay không. Nhưng đây là tác phẩm tôi có thể mô tả nhiều nhất, vì tuy là nháp nhưng nó lại là một bản thiết kế tôi tưởng tượng về việc cải tạo căn hộ mình đang ở. Sơ sài nhưng nó thể hiện tư duy cá nhân về không gian, sáng tạo hơn nhiều lần so với những bài vẽ tả thực hoa mỹ. Trong gần năm phút trình bày ý tưởng, tôi nghĩ rằng tôi đã gây được ấn tượng tốt với ban giám khảo về tư duy sáng tạo, chứ không phải bằng kỹ năng vẽ của mình.

Đây có lẽ là lần đầu tôi nhận thức điểm khác biệt giữa kiến trúc và các ngành thiết kế khác. Một người trong ban giám khảo lại hỏi về kiến trúc sư, nghệ sĩ hay tác phẩm nghệ thuật mà tôi yêu thích. Một câu hỏi tạo sự thoải mái, cởi mở nhưng thật sự tôi không thể trả lời, vì tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Những kiến thức toán, lý, hình họa liệu có còn giá trị với một kiến trúc sư khi anh ta không biết mình muốn làm gì và sẽ làm gì? Vẽ nhiều nhưng không quen nhìn cái đẹp, cái tinh tế có được coi là có mắt thẩm mỹ?

Khi tôi đang thu dọn những bài vẽ và nghĩ cuộc phỏng vấn đã chấm dứt thì câu hỏi cuối cùng được đặt ra: “Em đã đến bar chưa? Đã vào studio của năm nhất chưa? Đến những phòng nào rồi?”. Câu hỏi này mãi đến cả năm sau tôi mới hiểu được một phần lý do. Kiến trúc nói về không gian sinh hoạt của con người, do đó tò mò, ham tìm hiểu và để tâm đến những không gian xung quanh là cần thiết đối với một kiến trúc sư.

Năm học không kỳ thi

Tác giả bài này là một sinh viên trẻ, đầy nhiệt huyết và đam mê nghề kiến trúc. Anh đã đậu Đại học Kiến trúc TPHCM và sau đó quyết định sang Đông Âu du học. Sau một năm học tại Budapest (Hungary), anh được nhận vào Trường Kiến trúc của Hiệp hội Kiến trúc Anh (AA) - trường kiến trúc lâu đời nhất nước Anh và là nơi nổi tiếng đào tạo những thế hệ kiến trúc sư tài năng của Anh và khắp thế giới.

 Sau cuộc phỏng vấn, tôi được nhận vào học dự bị tại Hiệp hội Kiến trúc (AA - tên mọi người vẫn gọi trường tôi) và đã quyết định theo học. Quyết định này đã làm thay đổi quan niệm của tôi về việc học.

Có lẽ bất ngờ đầu tiên là việc học không có các bài kiểm tra, kết quả của một năm học được đánh giá bằng hình thức phỏng vấn (interview) cùng với việc trình bày portfolio, thành quả của chín tháng làm việc. Kết quả học tập được đánh giá qua ba chỉ tiêu: Đậu (pass), rớt (fail) hoặc được phép phỏng vấn một lần nữa vào đầu năm học sau (September review). Cách thức đánh giá kết quả cá nhân không dựa trên bài thi và sàn điểm chung (giỏi, trung bình, khá) hoàn toàn phù hợp với ngành kiến trúc.

Không hề có một định nghĩa thống nhất dành cho kiến trúc. Do quan điểm và trải nghiệm riêng của mỗi người khác nhau nên không có một đáp án và thang điểm nào là khách quan dành cho thể loại bài kiểm tra. Thật là khôi hài nếu như 60 sinh viên sau khi được đào tạo sẽ trở thành 60 kiến trúc sư gần giống nhau! Vì thế, quan điểm và sự tự do của từng cá nhân rất được tôn trọng. Cụ thể là nhà trường trao quyền quyết định việc học theo sở thích và suy nghĩ của cá nhân bằng cách tạo ra một môi trường làm việc và học tập với nhiều nguồn thông tin, quan điểm trái ngược nhau của những con người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau.

Có sáu giáo viên đồng chịu trách nhiệm về các đồ án thiết kế của sinh viên. Chúng tôi chủ yếu học qua thảo luận về đồ án từ những tranh cãi của giáo viên vì họ không cùng quan điểm về cái đẹp, về công năng hay bất cứ điều gì. Không có ai sai, ai đúng và học viên không bị ràng buộc bởi ý kiến của giáo viên. Lúc nào cũng thế, sau những cuộc thảo luận, tôi dường như bị “lạc” giữa một “rừng” quan điểm, nhưng chính nhờ trải qua những quyết định khác nhau, tôi dần trở nên độc lập và chủ động hơn. Điểm thú vị nhất chính là “cái tôi” rất được tôn trọng. Một người thầy từng nói về quan điểm của ông: dạy kiến trúc không có nghĩa là nói toàn bộ những gì ta biết và ta nghĩ cho người học, hãy để cho họ tự tìm đáp án của mình, đơn giản vì họ tư duy khác ông. Sáng tạo phải chăng là làm một điều gì đó mới và có thể là khác thường?

Những người ưa... cãi

Có lần tôi nói chuyện với một bạn người Anh về ngôi trường hiện tại, anh ta than phiền rằng gần đây không còn nhiều cuộc cãi nhau nảy lửa, không còn nhiều người phải khóc sau mỗi lần có tranh luận. Anh nói sinh viên gần đây hình như không còn khát khao bảo vệ quan điểm của mình nữa, nghĩa là họ trở nên thụ động, thờ ơ hơn. Thế nên, theo anh bạn này, môi trường phong phú bị thu hẹp, tranh luận đa chiều giảm sút, kết quả là môi trường sáng tạo bị ảnh hưởng.

Tận hưởng đam mê

Nhiều đời hiệu trưởng từng nói với sinh viên: “Từ khi lập trường đến nay, điều duy nhất khiến AA được đánh giá cao không phải vì thế hệ đi trước có nhiều người thành công mà vì từng sinh viên đầy đam mê và có lập trường riêng”.

Một câu hỏi rất thông thường từ những người bạn hay thầy cô: “Bạn có tận hưởng được đồ án vừa rồi không?”. Được làm và tìm hiểu những gì mình yêu thích phải chăng là niềm vui vô cùng lớn?
Đó cũng là niềm vui mà tôi đã tìm thấy được ở đây. Qua hai năm học, dù được chọn nhận học bổng của nhà trường, tôi vẫn chưa thực sự tin rằng mình sẽ là một kiến trúc sư thành đạt. Chỉ biết rằng, mỗi ngày trôi qua với tôi đều là trải nghiệm thú vị đến với chân trời kiến thức mới, đầy đam mê và giúp tôi khám phá khả năng thực sự của bản thân.

Hiếu Minh (Architectural Association, London, Anh)

Tin cùng chuyên mục