Đang là học viên năm cuối của Trường Trung cấp Giao thông Vận tải miền Nam (TP Cần Thơ), Trần Quốc Cường quyết định nghỉ học để thực hiện dự án “Cần câu cho người khuyết tật”. Nhờ dự án của Cường, nhiều người khuyết tật (NKT) ở ĐBSCL có việc làm, thu nhập ổn định.
Bỏ học làm “cần câu”
Dự án “Cần câu cho người khuyết tật”, do Cường viết với ý tưởng thành lập Công ty TNHH Dịch vụ cầu nối đại diện cho những NKT. Công ty sẽ đứng ra liên hệ với các cơ quan, doanh nghiệp (DN) để xin mỗi đơn vị cho mở một quầy bán vé số tại căn tin, bãi đậu xe hay cạnh lối đi cho NKT.
Chia sẻ thêm về dự án, Cường nói: “NKT, nhất là những người không có trình độ, rất khó tìm việc làm. Trong khi vé số là mặt hàng kinh doanh đơn giản mà hầu hết họ đều có thể làm được. Nhiều lần đi qua các khu công nghiệp, nhà hàng, tôi thấy nhu cầu người mua vé số nhiều nên mới suy nghĩ, nếu NKT được ngồi bán ngay những chỗ đó, chắc chắn sẽ thành công”.
Tuy nhiên, để hoàn thành dự án và đưa vào hoạt động thí điểm, Trần Quốc Cường đã phải bỏ học và mất cả năm trời khảo sát, nghiên cứu. “Mình suy nghĩ rất nhiều, thấy NKT làm hàng thủ công mỹ nghệ, công việc đòi hỏi cao mà thu nhập chưa ổn định. Làm móc khóa, giỏ xách cũng không hiệu quả. Ngay lúc khó khăn, mình gặp mấy NKT bán vé số dạo, thấy họ vừa vất vả, thu nhập bấp bênh. Từ đó mới nghĩ đến chuyện tổ chức lại để giúp họ mua bán tốt hơn” - Cường cho biết. Nhà nghèo, Cường đã phải vay mượn 40 triệu đồng để thành lập công ty, mua thiết bị, dụng cụ, làm vốn thực hiện dự án.
Cuộc sống mới của người khuyết tật
Những NKT tham gia vào dự án của Cường không phải tốn bất cứ chi phí nào và được hỗ trợ toàn bộ đồng phục, ghế ngồi, tủ đựng vé số. Hàng ngày, Cường cử người đến mua vé số ở đại lý rồi giao tận tay từng người; buổi chiều, trước giờ xổ số, lại có người đến tận nơi để giúp họ đem vé số bán chưa hết trả lại cho đại lý.
Mỗi tờ vé số bán được, NKT sẽ được hưởng huê hồng 1.000 đồng; phía Công ty TNHH Dịch vụ Cầu nối của Cường hưởng 300 đồng từ đại lý để làm kinh phí duy trì, mở rộng hoạt động. So với bán vé số dạo, người bán vé số theo dự án của Cường hưởng ít hơn 200 đồng/tờ, nhưng bù lại lượng vé số bán ra luôn ổn định ở mức bình quân trên 100 tờ/ngày, đem lại thu nhập ổn định 2,5 – 3,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra NKT không phải vất vả ngược xuôi, hay phải nơm nớp lo mất vốn vì phải “ôm” vé số ế.
Được đưa vào thí điểm từ ngày 15-12-2010, đến nay, dự án “Cần câu cho người khuyết tật” đã thực sự làm thay đổi số phận của nhiều NKT tham gia. Cô gái trẻ 26 tuổi Nguyễn Thị Liễu, quê ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long bị liệt hai chân, tham gia vào công ty của Cường hơn một tháng qua, cuộc sống của Liễu đã được cải thiện rất nhiều.
Liễu tâm sự: “Em được ngồi bán vé số ở bãi xe của Nhà hàng Miền Tây Tửu quán (đường Mậu Thân, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Mỗi ngày em bán bình quân được 150 tờ, nhờ vậy mà có thu nhập khá. Không còn phải phụ thuộc gia đình, em còn dành tiền gửi về nhà phụ cha mẹ. Tham gia vào công ty của anh Cường, em thấy cuộc sống ý nghĩa hơn rất nhiều, không còn thấy tủi nữa”.
Sau gần 2 tháng ngồi bán ở bãi đậu xe của chợ Hưng Lợi, cuộc sống của anh Nguyễn Văn Quảng, quê ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng như vừa sang trang mới. Anh Quảng phấn khởi: “Tôi đã từng đi xin việc nhiều nơi mà ở đâu cũng lắc đầu vì mình tật nguyền lại không có tay nghề, trình độ. Từ ngày vào công ty anh Cường, mỗi ngày tôi bán 100 tờ vé số, kiếm được 100.000 đồng, trước đây nằm mơ cũng không có”. Với thu nhập ổn định trên, anh Quảng không chỉ bớt gánh nặng cơm áo mà còn lo được cho con cái đi học đàng hoàng.
Nhờ dự án “Cần câu cho người khuyết tật” của Cường, đã có những NKT tìm được hạnh phúc cho riêng mình. Chị Nguyễn Thị Lan quê ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, ngồi bán vé số ở quán cà phê Hợp Phố 2, đường 30-4, hạnh phúc nói: “Tham gia vào công ty của anh Cường, có thu nhập ổn định nên mình rủ cả bạn trai lên làm. Mình rất hạnh phúc vì hàng ngày hai đứa có thể đưa rước, đỡ đần nhau”. Còn anh Nguyễn Minh Đức, bạn trai của Lan, ngồi bán ở Trung tâm Thương mại Cái Khế, hồ hởi: “Hai đứa mình đang dành dụm tiền để tính chuyện cưới xin vào cuối năm nay”.
Cần nhân rộng mô hình
|
Ông Phan Đức Long (Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ) tâm đắc: “Dự án này không chỉ giúp NKT có công ăn việc làm và tự nuôi sống bản thân, mà còn giúp họ dễ dàng hòa nhập với cộng đồng, sống trong yêu thương, đùm bọc của mọi người. Nếu mô hình này được nhân rộng trên phạm vi cả nước thì sẽ có rất nhiều NKT được xóa nghèo, bớt gánh nặng cho xã hội”.
Thực tế, nhờ ý nghĩa thiết thực và không gây phiền hà, lại giúp DN thực hiện nghĩa vụ xã hội nên dự án của Cường được nhiều cơ quan, DN sẵn sàng ủng hộ. Ông Nguyễn Ngọc Út, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam, cho biết: “Dự án này rất đơn giản, công ty chỉ cần bố trí một chỗ nhỏ để NKT ngồi bán vé số, vừa không ảnh hưởng gì lại có thể giúp đỡ được họ”.
Hiện tại đã có 12 cơ quan, DN ở Cần Thơ đồng ý cho NKT của dự án vào bán vé số. Theo khảo sát của Cường, tại Cần Thơ có gần 60 công ty, có thể giúp đỡ dự án; trong đó, KCN Trà Nóc có đến 30 doanh nghiệp sẵn sàng ủng hộ. Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn nhất của dự án là việc tìm NKT tham gia vào công ty. Hàng ngày, Cường vẫn phải chạy đôn chạy đáo đến từng xã của TP Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng… tìm NKT về làm.
Tâm sự về mục tiêu lâu dài, Cường cho biết: “Mình rất mong muốn sẽ đưa hết NKT nghèo khó vào các cơ quan, doanh nghiệp. Như vậy có thể giải quyết việc làm cho hàng trăm NKT. Về lâu dài, rất mong dự án này sẽ được triển khai tại các KCN ở Bình Dương hay Đồng Nai với 400 – 500 doanh nghiệp như thế sẽ giúp rất nhiều NKT có thu nhập ổn định”.
ĐÌNH TUYỂN