Phần lớn các mặt hàng được tiêu thụ trên thị trường đều thuộc diện hàng “nóng”, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, kinh tế của người tiêu dùng nói riêng, gây thất thu cho nguồn ngân sách quốc gia nói chung.
Đụng đâu sai đó
“Nhờ công nghệ thông tin, các sản phẩm trôi nổi được phát tán mạnh mẽ qua mạng xã hội, mà cụ thể chính là những kênh bán hàng trực tuyến, không rõ địa chỉ, chẳng cần kho hàng”, ông Nguyễn Văn Bình, giám đốc một doanh nghiệp chuyên về hàng thời trang tại quận 3, TPHCM nhìn nhận. Quả thực, ý kiến này không sai khi mà cơ quan liên ngành chức năng (QLTT, công an kinh tế, hải quan) thường xuyên phát hiện các kho chứa trữ hàng trôi nổi. Qua đấu tranh khai thác, một số đối tượng kinh doanh thừa nhận nhập hàng từ nhiều nguồn nên không có chứng từ, hóa đơn. “Khách thích thì mua, sản phẩm hỏng hóc sẽ được bảo hành nhưng không chính hãng. Do vậy, cũng có những sản phẩm bị hỏng hoài, người sử dụng chán quá nên bỏ luôn”, chị M., nhân viên bán nón bảo hiểm trên đường Trường Chinh, quận 12 chia sẻ.
Điển hình, cách nay ít ngày, QLTT phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất một số điểm kinh doanh trên địa bàn quận 5, quận 10, quận Gò Vấp… phát hiện hàng loạt quần áo thời trang, mắt kiếng, giày dép các loại giả mạo hàng loạt thương hiệu lớn trên thế giới. Không dừng lại ở đó, nhóm thực phẩm chức năng cũng đang hoành hành trên thị trường khi người tiêu dùng chẳng thể nào phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Thống kê cho thấy, QLTT mới tịch thu, chờ xử lý trên 182 tấn thực phẩm, vải, hóa chất, hạt nhựa, dược liệu; trên 62 tấn đường cát; gần 33.000 viên thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và 708.169 đơn vị sản phẩm các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép… Thêm nữa, QLTT cũng phát hiện 379 vụ kinh doanh hàng giả, tạm giữ 51.147 đơn vị sản phẩm quần áo, mắt kính, đồng hồ đeo tay, ví, túi xách, phụ tùng xe máy hiệu Nike, Chanel, Gucci, Goyard, Rolex, Omega, Prada, Hermes, Tissot… Theo ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục Phó Chi cục QLTT TPHCM, hầu hết các mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc mà QLTT TP tịch thu đều buộc phải tiêu hủy.
Nâng cao ý thức người dân
Chỉ cần rảo một vòng quanh các điểm bán lớn, cửa hàng, trung tâm mua sắm… trên địa bàn TPHCM, dễ thấy hàng dỏm, hàng nhái vẫn được rao bán công khai. Đối với trường hợp cơ quan chức năng “siết” kiểm tra, giám sát, những mặt hàng dạng này cũng tạm thời lắng xuống và sau khi cơ quan chuyên trách đi qua, hàng hóa vi phạm lại tràn ra như cũ. Chợ Bến Thành, chợ An Đông… là một trong số các ví dụ điển hình về thực trạng này. Chính một số người bán cho biết họ chủ yếu lấy hàng từ Quảng Châu (Trung Quốc) sau đó về bỏ sỉ hoặc bán lẻ cho người tiêu dùng, du khách nước ngoài. Tất nhiên giá bán thường ở mức cao gấp đôi, tới gấp 10 lần giá gốc. Hàng nhập từ nước bạn có đủ loại, phân ra nhiều cấp độ, từ hàng nhái bình thường đến hàng nhái được gọi là cao cấp. Ví dụ, một chiếc túi xách Nike, Chanel, Gucci, Hermes… rao bán trên mạng xã hội với tựa “fake cao cấp” có giá dao động 2-3 triệu đồng/túi, bao gồm đầy đủ hộp, túi lụa bọc ngoài, thậm chí có cả thẻ chống hàng giả, giấy chứng nhận xuất xứ từ Ý, Pháp, Mỹ…
“Chị thích hàng nào cũng có, chẳng thiếu món gì. Từ hàng thời trang đến mỹ phẩm làm đẹp, thực phẩm chức năng các loại… Nhưng mua thì biết vậy thôi, không có hóa đơn đỏ và không bảo hành nhé”, một nhân viên bán hàng trên đường Tô Ký (quận 12), vừa giới thiệu một lọ thực phẩm chức năng nhau thai cừu EX Placenta xuất xứ Nhật Bản giá 500.000 đồng (giá gốc gần 900.000 đồng), có tác dụng làm đẹp, sáng và mịn da. Trên sản phẩm ghi chi chít tiếng Nhật Bản và Trung Quốc, không có nhãn phụ tiếng Việt. “Rõ ràng, nếu chọn sản phẩm trôi nổi, đặc biệt là các loại thực phẩm chức năng, thuốc uống các loại có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe khi xảy ra chuyện người tiêu dùng phải gánh chịu hết”, dược sĩ Nguyễn Mỹ Lệ (ngụ tại đường Dương Thị Mười, quận 12) nói.
Trong một lần trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Vina CHG, nói thẳng người tiêu dùng hiện nay mua theo sở thích và sự tiện lợi mà quên đi yếu tố rủi ro có thể gặp phải. Tốt nhất, người mua nên chọn lựa các sản phẩm uy tín, đảm bảo chất lượng; tránh xa những điểm bán sản phẩm mà mình cảm thấy nghi ngờ.
Tiêu hủy lô hàng trị giá trên 20 tỷ đồng
Chi cục Quản lý thị trường TPHCM vừa tiến hành tiêu hủy lô hàng có tổng trị giá trên 20 tỷ đồng. Các mặt hàng bao gồm hàng lậu, hàng giả các thương hiệu nổi tiếng. Ví dụ như đồng hồ (Longines, Rolex, Omega, Dior, Chanel, Gucci…..); quần áo, giày dép, ví, túi xách, mắt kính, dây nịt thương hiệu Chanel, Louis Vuitton, Lacoste, Adidas, CK, Gucci, Hermes, Montblanc…