Mấy hôm nay Tiến thấy bà Phúc, mẹ anh bồn chồn lo lắng cái gì đó cứ thẩn thơ ra vào ngẩn ngẩn ngơ ngơ, đến việc tắm cho thằng cháu nội, đứa cháu bà quý nhất đời, bà cũng quên. Chiều nay Tiến đi làm từ Công ty Bất động sản Hùng Tiến dắt xe vào nhà, bà Phúc ngồi ủ rũ bên gốc cây sa kê trong khuôn viên của ngôi biệt thự lặng như bức tượng, mái tóc đốm bạc xòa sau lưng. Khi Tiến đến bên chào mẹ, bà Phúc giật mình nhìn con trai gật đầu. Tiến ngồi bên mẹ khẽ hỏi:
– Vợ chồng con chắc có chuyện gì làm mẹ buồn, mẹ có thể chia sẻ với con trai của mẹ được không?
Bà Phúc bỗng ứa nước mắt làm anh con trai bối rối. Bà lơ đãng nhìn ra đường phố, những giọt nước mắt chảy xuống rồi đọng vào những dấu ấn của thời gian ghi trên hai má.
Tiến thấy mẹ vẫn ngồi im lặng, anh gặng hỏi thì bà Phúc từ từ quay nhìn con trai, bà kéo anh con trai 40 tuổi làm giám đốc một công ty bất động sản, vuốt tóc nói giọng thổn thức, bồi hồi:
– Mẹ được tin bà nội - bỗng bà Phúc òa khóc. Vừa lúc đó chị Vân, vợ Tiến cũng mở cổng dắt xe vào sân. Vân thấy mẹ chồng khóc nức nở vội bỏ xe chạy vào chỗ chồng và mẹ chồng ngồi, gắt:
– Anh làm gì để mẹ… Bà Phúc kéo con dâu ngồi xuống ghế đá, bà nói giọng thổn thức:
– Bà nội đang hấp hối, lúc tỉnh bà gọi tên con Tiến ạ…
Nghe vậy Vân nói:
– Thưa mẹ, bà nội anh Tiến ở thành phố này mất đã…
– Đúng vậy nhưng…
***
Chị Phúc sinh năm 1950, năm Canh Dần, người ta bảo chị cầm tinh con cọp, nên chuyện tình duyên long đong. Chẳng biết có đúng hay không mà khi chị và anh Hùng người cùng làng Đồng Tiến lấy nhau được một tháng, anh trúng tuyển lên đường vào Nam chiến đấu, chưa kịp có con. Là con dâu bà Đầy, mẹ chồng thương chị như con gái. Chị đau đáu chờ thư của chồng sau 3 năm anh vào Nam chiến đấu bỗng nhận được tin, nhưng là tin báo tử với nội dung đồng chí Lê Thanh Hùng hy sinh ở mặt trận phía Nam. Chồng hy sinh rồi, chị Phúc vẫn ở làm dâu, vì mẹ anh Hùng chỉ có một con.
Quê chị ở tỉnh Hà Nam, có trại thương binh bên sông Châu. Hồi ấy, mẹ chồng chị nhận giúp đỡ một anh thương binh tên là Trí, cụt một chân ở trại thương binh Sông Châu về nhà nuôi. Ngày ấy, chị mới ngoài hai mươi tuổi, bà Đầy đứng ra giới thiệu chị với anh thương binh Trí. Anh Trí người miền Nam bị thương nặng được đưa ra Bắc điều trị thương tật. Cái chuyện mẹ chồng làm mối con dâu rồi gả chồng làm ồn ào cả làng, cả xã, nhưng bà Đầy bảo, thằng Hùng hy sinh rồi, con Phúc là con gái tôi, tôi gả chồng cho con gái là lẽ phải ở đời. Cha chị Phúc hy sinh ở Điện Biên Phủ, mẹ chị cũng đi bước nữa ở xa rồi.
Đám cưới chị Phúc với anh Trí đơn giản nhưng nghiêm trang trân trọng lắm, có đại diện chính quyền địa phương, bạn bè, thủ trưởng đơn vị an dưỡng đến dự. Vợ chồng chị được bà Đầy cho mảnh đất cạnh nhà, bà cất cho căn nhà nhỏ. Năm sau chị sanh cu con, bà Đầy nói bà là bà nội, bà đặt tên là Tiến, để sau con có đi đâu nơi chân trời góc biển thì cũng nhớ cái làng Đồng Tiến nơi sanh ra con. Chị Phúc và anh Trí coi bà Đầy như mẹ đẻ, bà coi cu Tiến như cháu nội, nhưng thật buồn cho số phận, sau 3 năm chung sống, anh Trí bị tai biến mạch máu não đột tử. Thế là người đời lại đồn số chị Phúc sát phu.
Người đàn bà như chị mới hăm nhăm mà qua hai đời chồng, chị buồn nẫu ruột; bù lại chị có đứa con trai hình như nó cũng biết thân phận nên ngoan, ai cho gì ăn nấy không nhõng nhẽo, ít bệnh tật. Ngày thống nhất đất nước, theo địa chỉ anh Trí ghi lại, ba anh là ông Huỳnh Văn Gia, tức Sáu Gia, má là bà Lê Thị Quý nhà ở Xóm Củi, quận Tám, Sài Gòn. Sau bao ngày tàu xe vất vả lếch thếch, mẹ con chị Phúc cũng tìm được về quê chồng. Ở ngoài Bắc, chị Phúc nghĩ đến cái Xóm Củi hỏi thăm nhà ông Huỳnh Văn Gia, tức Sáu Gia, thì ai mà chẳng biết vì là xóm với nhau. Chị Phúc bồng đứa con trai hai tuổi tìm được đến nơi gọi đúng là Xóm Củi nhưng đấy lại là khu phố, đường sá, chợ búa đông người, không hề có khái niệm xóm làng. Đến đúng nơi gọi là Xóm Củi, chị Phúc hỏi thăm nhiều người nhưng không ai biết tên ông Sáu Gia nào. Ôi, chiến tranh, ly tán. Không nơi bấu víu, chị Phúc tìm ra ủy ban nhờ giúp đỡ. Nhưng ngày ấy chính quyền mới thành lập, chính sách chế độ chưa hoàn chỉnh; hơn nữa mẹ con chị Phúc chỉ có giấy giới thiệu của xã vào Sài Gòn về quê chồng là anh thương binh Huỳnh Dũng Trí, mà chính quyền phường lúc đó nào biết anh Trí là ai.
Bơ vơ giữa đất trời với đứa con thơ hai tuổi, chị Phúc bám lấy cái chợ, tối hai mẹ con ngủ nhờ mái hiên, nhưng chủ nhà ông Lò Văn Nhúng thấy con chị nhỏ thương tình cho ngủ nhờ trong góc bếp. Sáng mẹ con chị mua đầu chợ, bán cuối chợ kiếm ăn, nhờ bà con giúp đỡ, rồi được chính quyền phường cấp cho một chỗ ở bên hông chợ. Năm tháng qua đi trong sự kiếm ăn vất vả, nhưng trời thương, cảnh mẹ góa con côi, thằng Tiến con chị học giỏi từ lớp một đến hết trung học phổ thông, thi đại học đỗ điểm cao. Những năm đầu chị Phúc có chút vốn mang từ Bắc vào buôn bán rau ở chợ rồi quen với bà con, có mấy chỉ vàng người ta chỉ cho chị mua miếng đất ở Bình Chánh, sau này có tiền cất căn nhà để mẹ con ở. Thời gian trôi đi, sau này miếng đất ngày nào chị mua có năm chỉ vàng nay Nhà nước mở con đường từ thành phố xuống Long An, mảnh đất rẻ ngày trước hai mươi năm sau thành mảnh đất mặt tiền có người hỏi mua với giá hai trăm cây vàng. Điều đó có nằm mơ chị cũng không dám nghĩ.
Tiến tốt nghiệp đại học xây dựng, anh làm cho công ty xây dựng của quận. Một hôm mẹ Tiến nói miếng đất có người mua tới hai trăm cây vàng, Tiến đi khảo sát một ngày rồi bàn với mẹ bán miếng đất mua một nền nhà ở quận Gò Vấp, còn tiền xin thành lập công ty.
Mười lăm năm trôi qua, công ty của Tiến làm ăn phát đạt, mẹ anh bảo Tin đóng góp cho quỹ từ thiện của quận và đỡ đầu cho hai mươi suất học bổng của phường này.
***
Bà Đầy bệnh là bệnh của người già đã nửa năm rồi. Mấy người cháu thay nhau chăm sóc bà. Lúc ngủ mơ, bà gọi Hùng ơi, đưa thằng Tiến cháu nội của bà về để bà ôm nó lần cuối rồi bà mới đi được! Bà Đầy nằm thiêm thiếp trên cái giường tre bên cửa sổ nhìn ra mảnh vườn trồng mấy cây na, chỗ ấy trước đây là căn nhà nhỏ bà làm cho vợ chồng anh Trí, rồi anh Trí đột ngột qua đời, mẹ con chị Phúc ở đến ngày chị đưa con vào Sài Gòn tìm về quê chồng.
Chiều nay bà Đầy bỗng tỉnh, bà quờ tay hỏi cô Soa, cháu gọi bà là thím, là bí thư Chi đoàn xã có nhiệm vụ chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ rằng, thằng cháu nội của bà về chưa? Soa nhìn mấy người hàng xóm hỏi:
– Thím Đầy nhà em làm gì có cháu nội?
– Có đấy. Tiến là con chị Phúc… - Bỗng tiếng ồn ào ở cổng, có ai nói, con dâu bà Đầy đưa cháu nội về…
Người đàn bà mặc bộ đồ xoa màu tím nhạt, tóc búi cao nom con người có vẻ sang trọng chạy ào vào giường của bà Đầy gọi:
– Mẹ ơi, mẹ à, con đưa vợ chồng cháu nội về với bà đây.
Đi sau bà người đàn ông lối ngót 40 tuổi, lịch sự dắt tay thiếu phụ trắng trẻo, hồng hào đến bên giường bà Đầy nằm. Bà giơ tay quờ quờ và nắm tay Tiến, nước mắt bà ứa ra đọng đầy hai mắt nói thều thào: “Ông ơi, thế là cháu nội của ông, thằng Tiến mà đêm đêm tôi vẫn kể với ông đó… đó, nó là con thằng Trí, thằng Trí hay Hùng cũng là cháu nội của ông…”. Vợ chồng Tiến khóc nức nở. Dường như sức mạnh sự sống của con người trong giây phút cuối cùng bùng lên khác thường. Bà Đầy nắm tay Tiến siết mạnh và gọi cháu nội ơi, cháu… cháu nội… ơ… ơi! Thế là bà gặp cháu nội của bà rồi… Mắt bà trừng lên như nhìn vào gương mặt Tiến rồi mỉm cười trút hơi thở cuối cùng. Tiến ôm lấy bà Đầy. Chị Phúc nhè nhẹ vuốt hai mắt khép lại của người mẹ như đang trong giấc ngủ bình yên giữa miền quê thanh bình này.
Ba mẹ con bà Phúc cùng bà con họ hàng, chính quyền lo đám tang bà Đầy, Tiến xin bà con họ cho anh được xây mộ bà nội và mộ ba anh khang trang, đẹp đẽ. Được sự đồng ý của dòng họ, Tiến thiết kế và xây ngôi mộ của bà Đầy to, mộ của ba anh đẹp trong nghĩa trang của xã.
Được sự đồng ý của chính quyền địa phương, Tiến thiết kế xây dựng lại căn nhà của bà nội anh, gian giữa làm nơi thờ, còn lại làm nhà văn hóa, nơi sinh hoạt của làng.
NGUYỄN NGỌC MỘC
| |