LTS: Là Bí thư Quận ủy quận 5, tham gia Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM thời kỳ “đêm trước đổi mới”, đảm nhận chức vụ Bí thư Thành ủy TPHCM hai nhiệm kỳ từ năm 1986-1996, đồng chí Võ Trần Chí được xem là người gắn bó máu thịt với công cuộc chuyển mình đổi mới của TPHCM trong những thời khắc quan trọng nhất. Nghĩ về đổi mới và hướng đi lên của đất nước trong thời kỳ mới, đồng chí đã có những chia sẻ sâu sắc và tâm huyết với độc giả Báo SGGP.
Làm thử, dò đường
Khi anh Mười Cúc (đồng chí Nguyễn Văn Linh) trở lại thành phố, giữ chức Bí thư Thành ủy TPHCM (1981 - PV), tình hình sản xuất của TPHCM đang trong giai đoạn trì trệ, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn, sản xuất đình trệ. Tình hình lúc đó rối rắm, ách tắc đủ thứ. Nhà máy, xí nghiệp nguyên liệu sản xuất không còn; sợi, bông, nhiên liệu đều không có. Khi đó, tôi là Bí thư Quận ủy quận 5. Anh Năm Xuân (đồng chí Mai Chí Thọ), Chủ tịch UBND TP, xuống kiểm tra tình hình. Tôi báo cáo: “Anh ơi, có còn cái gì đâu mà làm!”. Anh Năm nói:
- Tui muốn cho mấy ông làm xuất nhập khẩu trực tiếp quá. Mấy ông nhắm có làm được không?
- Được, anh!
Vậy là lúc đó mới bắt đầu làm bằng cách đi thu mua nông sản bán qua Singapore, Hồng Công (Trung Quốc) rồi mua lại sợi nguyên liệu cho nhà máy dệt, mua hóa chất về cho công ty bột giặt… Trước đó, từ năm 1979, trên địa bàn TP đã xuất hiện một số mô hình đổi mới sản xuất và kinh doanh mang tính chất “xé rào” làm thử, dò đường. Lãnh đạo TP còn cho phép thành lập một tổ thu mua lương thực thực phẩm để đem trao đổi rồi thành lập liên hiệp xã, một đơn vị chuyên lo công việc xuất nhập khẩu. Công ty đầu tiên được thành lập bởi liên hiệp xã mang tên Direximco (công ty xuất nhập khẩu trực dụng, tức là trực tiếp dùng hàng đổi lấy hàng). Quận 5 có Cholimex…. Là người sâu sát thực tế, với những cách làm mới này, anh Mười Cúc không cấm, ngược lại còn ủng hộ.
Giữa năm 1983, nhân một số lãnh đạo cao cấp của Đảng như đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công đang nghỉ ở Đà Lạt, anh Mười Cúc đưa giám đốc một số xí nghiệp làm ăn có lãi trực tiếp gặp gỡ các anh để báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh và đề đạt nguyện vọng. Ngay sau đó, anh Mười Cúc mời các lãnh đạo thăm cơ sở chế biến tơ tằm và xí nghiệp chè của TPHCM tại Bảo Lộc. Ngày 19-7, anh Mười Cúc có buổi làm việc riêng với lãnh đạo, tại đây ông báo cáo tất cả tâm tư mà mình đang nung nấu. Nội dung tư tưởng của các cuộc gặp trong sự kiện này về sau đã được anh Mười Cúc vận dụng vào việc chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng VI - đại hội khởi xướng công cuộc đổi mới.
Sau cuộc tiếp xúc ở Đà Lạt, đồng chí Trường Chinh vào TPHCM và trực tiếp đến một số xí nghiệp, tiếp xúc với ban giám đốc, công đoàn, công nhân… để nắm rõ hơn tình hình. Mỗi lần đồng chí Trường Chinh đi cơ sở, tôi thường được phân công đi theo. Tính ông cởi mở, thích nghe, thích hỏi rất nhiều chuyện từ thực tế. Những gì ông tận tai nghe, tận mắt thấy trong đợt khảo sát đó đã ảnh hưởng nhiều đến cách nhìn, cách nghĩ và cách làm của Đảng lúc bấy giờ. Một vị lãnh đạo luôn tìm gặp và lắng nghe những gì công nhân, công đoàn, người làm kinh tế nói, nghe để từ đó hoạch định đường lối mới quả thật đáng quý.
Tôi cho rằng, để có được công cuộc đổi mới, ngay từ đầu nó đã là một cuộc đấu tranh về tư tưởng, quan điểm giữa các lãnh đạo cấp cao của Đảng. Đứng về mặt lịch sử của Đảng, đó là điểm rất hay: Đấu tranh quyết liệt, khách quan, khoa học; đấu tranh để xây dựng; đấu tranh, tìm ra cách làm đúng nhất chứ không phải đấu tranh, đả kích, trù dập nhau.
Nỗi lo sau “đêm trước”
Sau Đại hội Đảng lần thứ VI, không phải là mọi chuyện êm xuôi ngay. Phải mất mấy năm giằng co, rắc rối trong chuyện chuyển đổi từ cái cũ sang cái mới. Rồi, các thế lực chống đối không ngừng kích động, chống phá. Lúc đó, TPHCM còn xuất hiện nhiều cuộc biểu tình của sinh viên học sinh. Nguyên nhân một phần vì bị kích động, một phần vì xã hội còn bức xúc nhiều với chuyện khó khăn, đói nghèo. Thậm chí thời kỳ đó, người ta còn hát những câu đầy bất mãn đại loại như: “Tổ quốc ơi, ta… ăn mì mãi mãi”. Hỏi ra mới biết những cháu tham gia biểu tình toàn là con em cán bộ. Đúng là cười ra nước mắt. Ta phải giải thích, giáo dục trong vài tháng, mọi việc dịu lại, dần dần cũng êm.
Đại hội VI xong rồi, muốn nghị quyết đi vào đời sống, phải biến nghị quyết thành chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Cho nên, toàn bộ các phiên họp Trung ương từ sau Đại hội VI mà tôi được tham gia đều bàn về việc xây dựng chính sách. Nhà nước phải thay đổi chính sách, những điển hình tốt cần được tuyên dương để nhân rộng trong xã hội.
Thực tế, không phải cứ có Nghị quyết Đại hội VI là có được cây đũa thần để biến đổi tất cả trong chớp mắt. Nhiều chuyện vẫn phải vừa làm, vừa thử nghiệm rồi báo cáo lên trên để hoàn thiện dần. Ngay như ở TPHCM, thời điểm đó, đồng tiền mất giá, giá vàng cứ tăng vùn vụt. Người dân xếp hàng rồng rắn để mua từng phân, từng chỉ vàng. Nhà nước không đủ vàng để bán. Chúng tôi mới cân nhắc: Liệu nhập vàng đem về bán, có lỗ hay không? Câu trả lời là không. Nếu không lỗ, tại sao lại không nhập? TP quyết định cho nhập vàng, mà là nhập bằng máy bay đem về ngay lập tức bởi vì nếu cứ để tình hình tiếp tục diễn tiến như vậy, mỗi một phân vàng bán đi là đồng tiền càng mất giá. Có vàng nhập về, bình ổn thị trường, vàng không còn hiếm, người ta không còn đổ xô đi mua vàng nữa. Lúc đó, cách làm của TP giống như là thử nghiệm, sau đó mới báo cáo Trung ương. Tất cả những bước chuẩn bị đó mất khoảng 5-6 năm. Đến khi chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ VII, tình hình tạm gọi là ổn định. Đời sống người dân bắt đầu đỡ hơn. Lương thực, thực phẩm, hàng hóa mua bán dễ dàng, thông thương hơn trước.
Con đường tất yếu
Bây giờ ngẫm lại, ai cũng thấy là lúc đó, mình đã áp dụng một chủ trương không đúng với tình hình thực tế cho nên không thể thực hiện được. Tem phiếu, hợp tác xã, phân phối hiện vật, đánh kẻng ra đồng… Tất cả chuyện đó học của Liên Xô. Mà ở Liên Xô lúc đó, xã hội người ta đã tiến lên một bước mới, đã công nghiệp hóa rồi. Người ta sản xuất ra, có hệ thống cung cấp hoàn chỉnh, còn mình chưa có. Cho nên mới xảy ra chuyện trái khoáy là phân phối bàn chải đánh răng cho bà già chẳng còn răng! Sản phẩm làm ra phải nộp cho Trung ương rồi ở trên mới phân phối xuống. Làm ra gạo thì nộp cho Trung ương rồi chờ nhận lại gạo ăn. Người ta phê phán cơ chế bao cấp quan liêu là vì thế. Mình ấu trĩ áp dụng một chính sách, chủ trương mà tình hình của mình chưa có những điều kiện để đảm bảo thực hiện. Do vậy, việc sửa lại cho phù hợp với tình hình mới là yêu cầu tất yếu.
Điểm quan trọng nhất, có tính chiến lược, sống còn là Đại hội Đảng lần thứ VI đề ra được chủ trương phát triển lực lượng sản xuất. Nếu không phát triển lực lượng sản xuất, xã hội ta trở về thời kỳ đồ đá. Đến Đại hội Đảng lần thứ VII mới tập trung tính chuyện phát triển quan hệ sản xuất. Hai kỳ đại hội đó đã vạch ra đường lối đổi mới cơ bản cho đất nước. Việt Nam đã thể hiện tính sáng tạo trong cách mạng XHCN với xuất phát điểm của một nước lạc hậu. Ý nghĩa đó là vô giá.
CNXH là không chấp nhận áp bức, bóc lột, tư hữu. Đó là khi CNXH chín muồi. Còn khi nền tảng xã hội còn thấp, cái khó là phải chấp nhận phát triển trong điều kiện chưa thể rũ bỏ hoàn toàn những vấn đề đó được. Nghĩa là hiện tại, bóc lột còn động lực để tồn tại nên chưa thể xóa sổ. Ta phải chấp nhận, đồng thời tìm cách hướng nó đi đúng đường. Cho nên mới có câu chuyện còn nhiều thành phần kinh tế. Nếu nôn nóng mà bỏ hết, sẽ triệt tiêu động lực phát triển. Cái khó là ở chỗ đó. Muốn có được chính sách tốt, hướng đi tốt, phải soi rọi từ thực tế chứ không thể chỉ coi và làm theo sách được.
Bây giờ, muốn đất nước phát triển, phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chỉ có con đường đó mới phát triển bền vững đất nước. Nghĩa là phải đi đúng con đường của những nước tư bản đã đi. Tất nhiên mình không phải là tư bản, không phải bóc lột công nhân. Để công nghiệp hóa, phải giáo dục công nhân, phát triển công nhân, đào tạo công nhân, giúp họ trở thành công nhân trí thức, công nhân công nghiệp, công nhân áo trắng. Nhìn vào, hình thức công việc giống nhau nhưng bản chất khác nhau. Đó là phát triển lực lượng sản xuất theo đường hướng XHCN. Số lượng công nhân có trình độ cấp 3, đại học ngày càng nhiều. Ta dạy nghề, dạy chữ để phát triển công nhân và cả giáo dục chính trị cho họ. Vấn đề quan trọng là phân biệt cho được công nghiệp hóa XHCN và công nghiệp hóa TBCN mà thôi.
Võ Trần Chí, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM
Mai Hương (ghi)