Tháng 10-1986, với sự đồng ý của đồng chí Võ Trần Chí, Bí thư Thành ủy TPHCM lúc bấy giờ, “Nhóm nghiên cứu chuyên đề kinh tế của Thành ủy” gồm 24 nhân sĩ, trí thức được hợp thức hóa bằng giấy xác nhận do Trưởng ban Kinh tế Thành ủy ký. Do các thành viên trong nhóm hay sinh hoạt cùng nhau vào chiều thứ sáu hàng tuần nên thường được gọi một cách dễ nhớ là “Nhóm Thứ Sáu”. Từ thời điểm này, bằng tất cả tâm huyết, nhóm đã nghiên cứu nhiều công trình mang tính đột phá, thoát khỏi nếp nghĩ xơ cứng, bảo thủ của cơ chế kinh tế bao cấp. Những đề xuất tuy táo bạo nhưng rất sát thực tế của nhóm được sự quan tâm tiếp nhận của lãnh đạo TP và trung ương, góp phần vào việc hình thành chính sách của Nhà nước sau này.
Đề xuất ngược với định hướng
Gần 3 thập niên đã qua, nhưng những ai sống trong thời điểm những năm giữa thập kỷ 80 của thế kỷ 20 vẫn không quên cảnh nền kinh tế xáo trộn sau khi Nhà nước thực hiện cải cách giá, lương, tiền. Lưu thông hàng hóa bị đình trệ do tiền mặt khan hiếm, khiến nhiều nơi (nhất là ở nông thôn) quay lại phương thức hàng đổi hàng.
Giá cả hàng hóa tăng từng ngày càng làm cho hoạt động trao đổi hàng hóa bị đình trệ. Các địa phương tăng cường biện pháp ngăn sông cấm chợ, giữ chặt hàng hóa đang có, không để lọt ra ngoài.
Trước tình hình này, tháng 10-1986, Thành ủy TPHCM đề nghị Nhóm Thứ Sáu nghiên cứu biện pháp làm cách nào để kéo giá xuống. Đây cũng là đề tài có tính chất vĩ mô đầu tiên mà nhóm nhận thực hiện sau khi được cấp “giấy khai sinh”.
Yêu cầu của Thành ủy là vậy, nhưng khi đưa vấn đề này ra, một thành viên của nhóm đặt câu hỏi ngược lại: “Ta lấy cơ sở nào nói rằng giá hiện nay cao mà phải có biện pháp kéo xuống?”. Câu hỏi phản biện này tạo tiền đề cho cả nhóm tranh luận, đặt lại vấn đề thực trạng và bản chất giá cả lúc đó.
Anh Huỳnh Bửu Sơn đề nghị phải có một bản so sánh sự biến đổi giá của nền kinh tế Việt Nam qua các thời kỳ. Có 5 nhóm hàng được đưa lên “bàn cân”. Nhóm 1 là hàng nhập khẩu (phân urê, xi măng, xăng…); nhóm 2: hàng công nghệ phẩm sản xuất tại Việt Nam với nguyên liệu nhập khẩu (sữa hộp, bột giặt...); nhóm 3: hàng nông sản lương thực thực phẩm (gạo, thịt, trứng...); nhóm 4: dịch vụ lao động phổ thông đơn giản (bốc xếp, xích lô...); nhóm 5: vàng. Thời điểm chuẩn được so sánh là hai năm 1973 (tỷ giá 1 USD tương đương 493 VND) và năm 1986 (tỷ giá 1 USD tương đương 455 VND).
Qua so sánh, anh em chúng tôi thấy giá cả năm 1986 đã tụt xuống quá thấp, riêng vàng ngược lại, tăng khoảng 4 lần. Như vậy rõ ràng là Nhà nước đứng vào vị trí của người tiêu dùng và trên nền tảng tư duy bao cấp tiền lương nên thấy mọi giá cả đều lên. Nhưng thật ra, đứng ở góc độ sản xuất - cái gốc của nền kinh tế lúc bấy giờ - giá đã làm cho mọi ngành sản xuất đều lỗ, “ăn” vào vốn.
Từ đó nhóm biên soạn công trình nghiên cứu đầu tiên “Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế”, đến cuối năm 1986 hoàn chỉnh. Đây là một kiến nghị với Thành ủy TPHCM và Trung ương mà nội dung hoàn toàn không đồng tình với việc dùng biện pháp hành chính kéo giá xuống, trong khi giá đã xuống đến mức làm tan rã nền kinh tế Việt Nam.
Luận điểm Nhóm Thứ Sáu đưa ra rất táo bạo, trái ngược với nhận định của nhiều nhà hoạch định chính sách ở Trung ương nhưng lại phản ánh đúng thực tế. Do vậy, sau khi nghe nhóm trình bày một cách thuyết phục, lãnh đạo TP gửi đề tài nghiên cứu này ra Hà Nội cho đồng chí Võ Văn Kiệt (thời điểm ấy là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng).
Tháng 3-1987, ba thành viên của nhóm gồm tôi, Trần Bá Tước, Huỳnh Bửu Sơn được mời ra Hà Nội báo cáo đề tài trước 30 bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng ngành tài chính, kinh tế. Cuộc họp do đồng chí Võ Văn Kiệt chủ trì. Dùng số liệu để mổ xẻ thực tế xong, chúng tôi thẳng thắn đề nghị cần thực hiện các chính sách nhằm kéo giá lên như: chấm dứt tình trạng ngăn sông cấm chợ bằng cách bãi bỏ các trạm kiểm soát hàng hóa trên các trục lộ giao thông, áp dụng chính sách tiền tệ tích cực nhằm hỗ trợ cho sản xuất phát triển (cho in tiền, cho nhập vàng), nâng cao lãi suất tiền gửi và cải tổ hệ thống ngân hàng để tạo sự tín nhiệm nơi người gửi tiền…
Ngày hôm sau, nhóm lại tiếp tục thuyết trình đề án trên tại Ngân hàng Nhà nước, các bộ phận khác của Trung ương. Với những luận cứ mang tính khoa học đầy thuyết phục, đề án nhận được đánh giá cao của người nghe. Sau buổi họp, nhiều người tâm sự rất chân thành với các thành viên của nhóm rằng họ cũng biết thực tế này nhưng không dám nói!
Từ những ý kiến đóng góp thiết thực được tiếp thu – cụ thể nhất là các trạm kiểm soát hàng hóa bị tháo dỡ ngay, chúng tôi vui vì đã giúp tìm ra lối thoát cho nền kinh tế vốn đang bị chệch hướng, góp phần cho việc bình ổn giá sau này.
Khu chế xuất đầu tiên của cả nước
Năm 1989, đất nước đã đi vào thời kỳ đổi mới. Lúc này, tôi đã làm việc cho Công ty Cholimex được 9 năm và nhận ra rằng nếu chỉ một công ty xuất nhập khẩu, giá trị để phát triển không lớn. Muốn mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài cần phải làm cái gì lớn hơn, do vậy tôi đề xuất xây dựng một khu chế xuất đầu tiên của cả nước tại TPHCM.
Khi đề án xây dựng khu chế xuất do chúng tôi phác thảo được lãnh đạo TP chấp thuận và cho triển khai, tôi rút khỏi vị trí Giám đốc Công ty Cholimex để toàn tâm toàn ý thực hiện đề án, biến công trình nghiên cứu của nhóm trở thành hiện thực.
Nhiều lần đi thực địa tìm hiểu các vùng đất, tôi dừng chân ở vùng đất có diện tích 300 ha trên bán đảo Tân Thuận Đông huyện Nhà Bè (nay thuộc phường Tân Thuận Đông quận 7) vì vùng này có nhiều điều kiện thuận lợi: gần cảng Tân Thuận, gần nguồn lao động từ cư dân quận 4 và quận 8, cách trung tâm TP không xa. Lãnh đạo TP chấp thuận địa điểm và ra quyết định thành lập “Chương trình xây dựng khu Tân Thuận”, bổ nhiệm tôi làm giám đốc.
Lúc bấy giờ, khi biết TP “chấm” nơi đây làm khu chế xuất, nhiều người cho rằng sự lựa chọn này quá mạo hiểm vì đây là vùng đầm lầy, nền đất yếu, con trâu nhảy xuống còn chìm huống gì đặt nhà máy. Nhưng tôi vẫn tin vào cách nhìn của mình. Bởi nếu các con đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi (quận 1) có thể từ vùng sình lầy ngày xưa phát triển thành khu dân cư, mua bán sầm uất như ngày nay thì vùng đất Nhà Bè cũng có thể xây dựng khu chế xuất. Hơn nữa, từ đây có thể thực hiện hàng loạt chương trình đầu tư để đưa TPHCM phát triển ra biển Đông.
Viễn cảnh tươi sáng đầy khả thi của vùng đất đã thuyết phục được hai công ty Panviet và CT&D của Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư. Công ty Liên doanh Xây dựng và Kinh doanh Khu chế xuất Tân Thuận (tiền thân của Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận) được thành lập, tôi đại diện cho đối tác trong nước làm Phó Tổng Giám đốc, phía nước ngoài là hai công ty Panviet và CT&D (sau này chỉ Công ty CT&D thực hiện).
Các chuyên gia kinh tế tham gia quá trình soạn thảo nội dung hợp đồng liên doanh, xây dựng phương án Khu chế xuất Tân Thuận, quy chế điều hành, các điều kiện – chủ trương – chính sách cần thiết, kế hoạch xây dựng hạ tầng… để trình TP và Trung ương.
Về phía Việt Nam, tôi cùng 4 chuyên viên của Nhóm Thứ Sáu gồm các ông Phan Thành Chánh, Trương Quang Sáng, Nguyễn Đình Khanh, Đỗ Hải Minh trực tiếp tham gia vào Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (doanh nghiệp nhà nước đại diện trong liên doanh). Tháng 2-1992, Khu chế xuất Tân Thuận được khởi công, mở ra cánh cửa lớn thu hút các nhà đầu tư Đài Loan đến Việt Nam, tạo nên đợt đầu tư nước ngoài vào TPHCM và các vùng lân cận.
Không dừng ở việc xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận, thực hiện ý tưởng đưa TPHCM phát triển ra biển Đông, Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận tiếp tục các chương trình như đại lộ “Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh” nay là đại lộ Nguyễn Văn Linh (lộ giới 120m, dài 17,8km), Khu đô thị Nam TPHCM (diện tích 2.600 ha), Khu công nghiệp Hiệp Phước (rộng 2.000 ha ở xã Hiệp Phước huyện Nhà Bè)…
Bằng những đóng góp của mình, Nhóm Thứ Sáu đã đưa vùng đất nghèo nhất, cơ sở hạ tầng lạc hậu nhất TP ngày càng phát triển. Mục đích của kinh tế là thông qua kinh doanh để làm cho xã hội có nhiều của cải hơn, cuộc sống của người dân tốt hơn, môi trường được cải thiện hơn.
Trách nhiệm của người làm kinh tế không dừng ở việc thu lợi nhuận. Xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận, xây dựng Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, tôi làm hai nhiệm vụ. Là nhà kinh doanh, đại diện phía Việt Nam hợp tác với phía nước ngoài; trong Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận phải đảm bảo công ty có lời.
Ngoài ra, là cán bộ, tôi phải chịu trách nhiệm làm cho vùng đất này phát triển, đời sống người dân tốt hơn sau khi có Khu chế xuất Tân Thuận, khu Phú Mỹ Hưng.
Phan Chánh Dưỡng
(Nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty liên doanh xây dựng và kinh doanh KCX Tân Thuận)
Ái Chân – Mai Hương ghi
Ngày 23 tháng 10 năm 2001 Sự gặp gỡ của anh em có thể là ngẫu nhiên, nhưng sự gắn bó của anh em với nhau hay với cán bộ lãnh đạo trong suốt 15 năm qua quả không phải là ngẫu nhiên. Trước tình hình kinh tế khó khăn lúc bấy giờ, không ai còn so đo về hình thức, lợi ích riêng hay địa vị xã hội gì nữa, mà trước mắt phải tìm ra một lối thoát cho nền kinh tế. 15 năm qua, nhóm anh em “Thứ Sáu” đã đóng góp được nhiều ý kiến cho lãnh đạo, cho Nhà nước trong nhiều lĩnh vực kinh tế, góp phần hình thành các chính sách, luật lệ cụ thể trong công cuộc đổi mới vừa qua… Tôi nghĩ rằng kỷ niệm 15 năm đáng ghi nhớ của “Nhóm nghiên cứu không tên gọi” thì những tấm lòng tâm huyết đối với đất nước sẽ tiếp tục hiến dâng, tiếp tục tự nguyện với tinh thần kẻ sĩ trước mọi thời đại lịch sử, chứ không phải là chấm hết. Trích thư đồng chí Võ Trần Chí gửi Nhóm Thứ Sáu |