Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ: Phát huy dân chủ trong Đảng, thực thi dân chủ trong xã hội

Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ: Phát huy dân chủ trong Đảng, thực thi dân chủ trong xã hội

“Để thực hiện dân chủ trong xã hội, trước hết phải đảm bảo dân chủ trong Đảng. Tình trạng vi phạm dân chủ có từ một nguyên nhân trực tiếp là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức và lối sống của một số cán bộ, đảng viên… Tập trung dân chủ - nguyên tắc cơ bản nhất, có ý nghĩa sống còn của Đảng. Tiếp tục phát huy, mở rộng hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa trong công cuộc đổi mới”. Đó là những nội dung trao đổi giữa phóng viên Báo SGGP với đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (ảnh).

° Phóng viên: Nhìn lại thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước 25 năm qua do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, điều tâm đắc nhất đối với đồng chí là gì?

° Đồng chí TÔ HUY RỨA: Sự nghiệp đổi mới đất nước dù còn nhiều khó khăn, thử thách song đã thu được những thành tựu không thể phủ nhận. Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của quá trình đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo một lần nữa chứng minh sự phát triển và lớn mạnh của Đảng. Đảng đã vượt qua những thử thách gay gắt của lịch sử, gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn biết tự đổi mới để đề ra đường lối đáp ứng yêu cầu của lịch sử, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân, phù hợp với quy luật khách quan của phát triển. Lòng tin của dân với Đảng ngày càng được củng cố vững chắc. Bản lĩnh chính trị của Đảng ngày càng vững vàng. Thế và lực của cách mạng nước ta ngày càng được nâng cao. Nói cách khác, một lần nữa, Đảng và dân tộc ta đã khẳng định mình bằng chính những thành tựu ấy.

Một điều rất đáng ghi nhận trong sự nghiệp đổi mới là nhận thức về dân chủ đã có những chuyển biến rất căn bản và đã được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… Đó là các quyền sử dụng tư liệu sản xuất, có công ăn việc làm; quyền học tập và hưởng thụ văn hóa; quyền tham gia quản lý Nhà nước, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức và cơ quan Nhà nước; quyền đóng góp ý kiến vào các chủ trương, chính sách, pháp luật, bày tỏ ý kiến về các vấn đề trong đời sống xã hội.

Nhiều ý kiến đóng góp ấy đã thật sự được chuyển tải vào nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; Nhà nước đã từng bước chuyển đổi cơ chế quản lý, điều hành các lĩnh vực đời sống xã hội, trước hết là cơ chế quản lý kinh tế.

Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp được tăng cường nhằm phát huy dân chủ trong thực hiện các chức năng quan trọng của mình. Hệ thống chính sách đã từng bước đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của nhân dân, đồng thời góp phần phát huy tính chủ động, tính tích cực chính trị của nhân dân trong quá trình thực hiện trên cơ sở môi trường tâm lý xã hội lành mạnh.

Một người dân trình bày nguyện vọng với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại buổi tiếp xúc cử tri quận 3 của tổ đại biểu Quốc hội. Ảnh: Việt Dũng

Một người dân trình bày nguyện vọng với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại buổi tiếp xúc cử tri quận 3 của tổ đại biểu Quốc hội. Ảnh: Việt Dũng

° Những thành tựu đạt được, trong đó có dân chủ đã khẳng định vai trò và những đóng góp của Đảng đối với dân tộc. Theo đồng chí, bài học rút ra ở đây là gì?

° Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã luôn khẳng định việc phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách và giành thắng lợi. Vì vậy, một trong những động lực lớn của đổi mới là phát huy quyền làm chủ của nhân dân và dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Để thực hiện dân chủ trong xã hội thì trước hết phải đảm bảo dân chủ trong Đảng. Dân chủ trong Đảng phải là kiểu mẫu, là lực đẩy dân chủ trong xã hội. Có thể khẳng định, trong những năm qua, dân chủ trong Đảng được phát huy, từ đó dân chủ trong xã hội ngày càng phát triển. Nhờ có dân chủ, sinh hoạt chính trị trong Đảng lành mạnh hơn, trí tuệ của Đảng được phát huy, mối quan hệ giữa Đảng với dân ngày càng được củng cố và gắn bó. Dân tin Đảng, tích cực đóng góp những ý kiến tâm huyết để Đảng có những quyết sách đúng đắn.

Thời gian qua, nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân đã được đưa vào văn kiện chính thức của Đảng. Đây là kết quả của tính dân chủ và thể hiện rõ sự cầu thị của Đảng, sự tôn trọng thật sự của Đảng đối với nhân dân. Nét mới và bước tiến trong đời sống chính trị của xã hội ta thời gian qua là xây dựng và thực hiện hiệu quả ngày càng rõ quy chế, thiết chế dân chủ ở cơ sở, điều đó đã đáp ứng quyền lợi và nguyện vọng của nhiều tầng lớp nhân dân, tạo nên một động lực quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở, ở nhiều địa phương.

° Thực tế cho thấy, tình trạng vi phạm dân chủ hay dân chủ hình thức còn diễn ra ở nơi này, nơi khác. Trong Đảng cũng bộc lộ một số yếu kém và điều đáng quan tâm là vấn đề suy thoái về phẩm chất đạo đức và lối sống của một số cán bộ,  đảng viên. Đồng chí nghĩ gì về những tồn tại, yếu kém này?

° Tình trạng vi phạm dân chủ hay dân chủ hình thức diễn ra là có thật và ở nơi này, nơi khác có những biểu hiện đáng lo ngại. Trong Đảng cũng bộc lộ một số yếu kém trong phát huy dân chủ mà nguyên nhân vừa do những khiếm khuyết trong phương thức lãnh đạo của Đảng, vừa ở sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Về tư tưởng chính trị, trong đội ngũ đảng viên vẫn còn hiện tượng chưa chấp hành đầy đủ quan điểm, đường lối, chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì thế, dẫn tới tình trạng nghị quyết của Đảng đã được ban hành nhưng chậm cụ thể hóa, chậm triển khai tổ chức thực hiện.

Một bộ phận khác dao động trước sự đổ vỡ của chủ nghĩa xã hội hiện thực, hoang mang, hoài nghi con đường tiến lên CNXH của cách mạng nước ta. Họ trở nên biến chất, “đổi màu”, tuyên truyền cho những quan điểm xa lạ, đối lập với quan điểm của Đảng. Trong hoạt động tư tưởng - lý luận của Đảng, có lúc, có nơi thực hiện chưa đúng giữa tự do tư tưởng với nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm nguyên tắc này. Những biểu hiện đó trái với bản chất của Đảng. Đảng đã nhìn nhận ra được nguyên nhân của những yếu kém này để kiên quyết khắc phục, thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

° Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng là yêu cầu vừa cơ bản, vừa cấp bách để phát huy cao nhất trí tuệ của Đảng trước yêu cầu phát triển của đất nước. Theo đồng chí, cần phải làm gì để chỉnh đốn việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng?

° Trước những yêu cầu mới của cách mạng, sự lãnh đạo của Đảng cũng đang đứng trước những thách thức mới. Để vượt qua những thử thách đó, rất cần sự đóng góp trí tuệ, công sức của toàn dân nhưng trước hết là trong Đảng phải có sự đồng tâm, nhất trí cao, trên dưới một lòng, trong tư tưởng và trong hành động. Tập trung dân chủ là nguyên tắc chỉ đạo toàn bộ công tác tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng, là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất, có ý nghĩa sống còn của Đảng, là căn cứ phân biệt Đảng Cộng sản chân chính với các đảng khác.

Nguyên tắc này bảo đảm cho Đảng luôn là một khối đoàn kết, thống nhất, tạo nên sức mạnh to lớn và sức chiến đấu cao, luôn năng động, sáng tạo, đủ sức lãnh đạo hệ thống chính trị và cả xã hội. Đây cũng là trọng điểm mà các thế lực chống đối thường công kích nhằm phá hoại và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.

Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện nguyên tắc này, cần tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu sắc trong toàn Đảng về tầm quan trọng, bản chất và nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo nên sự thống nhất trong tất cả các tổ chức Đảng và mọi đảng viên. Để nguyên tắc được tuân thủ đầy đủ, cần phải cụ thể hóa thành các quy chế.

Mặt khác, nguyên tắc tập trung dân chủ gắn rất chặt với nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng nên phải đưa tự phê bình và phê bình thành nề nếp và đảm bảo hiệu quả cao trong thực tiễn sinh hoạt Đảng.

Cuối cùng, cần tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành nguyên tắc nhằm uốn nắn lệch lạc, chấn chỉnh những biểu hiện sai trái, giúp tháo gỡ vướng mắc, phát huy hơn nữa tác dụng của nguyên tắc tập trung dân chủ để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và sự đoàn kết, nhất trí của các tổ chức Đảng, để Đảng hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình vì quyền lực và lợi ích của nhân dân, vì một nền dân chủ rộng rãi cho xã hội.

° Cụ thể, chúng ta phải làm thế nào để phát huy dân chủ XHCN?

° Cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ XHCN, đảm bảo tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân; cán bộ, công chức thật sự là công bộc của nhân dân. Những yêu cầu trên phải được cụ thể hóa, đồng thời phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, của hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và của nhân dân.

Để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp, phải có cơ chế cụ thể. Phải thực hiện tốt hơn quy chế dân chủ và pháp lệnh dân chủ ở cơ sở. Cùng với việc phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm công dân, kỷ luật, kỷ cương xã hội, cần phê phán và nghiêm trị những hành động vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ để gây mất trật tự an toàn xã hội

HỒNG QUÂN thực hiện

Các bài đã đăng 

 >> Tổng Bí thư Trường Chinh - Người khởi xướng, nhà thiết kế chiến lược công cuộc đổi mới

>> Đòi hỏi bức thiết của đất nước và dân tộc

>> Sự lựa chọn đúng đắn

 

Tin cùng chuyên mục