Ngày 15-12-1986, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư đã thay mặt Đoàn Chủ tịch đọc diễn văn khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Cũng trong ngày 15-12-1986, đồng chí Võ Văn Kiệt, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đã trình bày báo cáo về phương hướng, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 1986-1990. Cùng với đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư khóa V, người khởi xướng và thiết kế chiến lược công cuộc đổi mới và tập thể Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư khóa VI và đồng chí Võ Văn Kiệt, Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng, được coi là 2 trong số những đồng chí lãnh đạo của Đảng đã triển khai quyết liệt công cuộc đổi mới ngay từ những ngày tháng đầu. Báo SGGP trân trọng trích đăng lại những nội dung chủ yếu của hai bài phát biểu quan trọng này.
Chỉ có đổi mới mới thấy đúng và thấy hết sự thật
(Trích diễn văn khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI do đồng chí Nguyễn Văn Linh trình bày)
Những năm qua, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc đã thu được những thành tựu và thắng lợi quan trọng. Ở nhiều nơi trong cả nước, xuất hiện những mầm non đầy hứa hẹn, những điển hình quản lý tốt, những đơn vị tiên tiến. Đó là những bông hoa của chủ nghĩa xã hội nảy nở ngày càng nhiều trên đất nước ta. Từ nhiều tháng nay, đã dấy lên phong trào của các Đảng bộ, các tầng lớp nhân dân trong cả nước và Việt kiều ở ngoài nước hướng về đại hội, góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị của Trung ương, thi đua lập thành tích mừng đại hội. Vui mừng trước những thành quả đó, chúng ta càng phải thấy rõ mặt trái của tình hình, nhất là về kinh tế - xã hội, sự trì trệ về sản xuất, sự rối ren về phân phối, lưu thông, những khó khăn trong đời sống nhân dân, những hiện tượng tiêu cực trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, sự giảm sút niềm tin của nhân dân lao động. Đó là những điều mà Đảng ta cũng như nhân dân ta không thể chấp nhận được. Nhất định, chúng ta phải tạo cho được sự chuyển biến của tình hình, nhất là làm cho kinh tế và xã hội ổn định, lành mạnh và tiến lên.
Để làm chuyển biến tình hình, Đại hội lần thứ VI này phải đánh dấu sự đổi mới của Đảng ta về tư duy, phong cách, tổ chức và cán bộ. Đó là đòi hỏi bức thiết của đất nước...
Chỉ có đổi mới thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa, nhằm vận dụng tốt chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh nước ta, phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc, động viên tính năng động, sáng tạo và khả năng vô tận của nhân dân lao động làm chủ tập thể để đồng thời đẩy mạnh ba cuộc cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Như vậy là giữ vững bản chất cao quý đáng tự hào của Đảng ta, dân tộc ta, chế độ ta, đồng thời phát huy bản chất ấy phong phú hơn, đẹp đẽ hơn, khai hoa kết quả trong những thành tựu mới, đáp ứng yêu cầu của nhân dân ta, hòa nhịp với những đổi thay của thời đại. Muốn thế, phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta.
Các báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương trình đại hội đã cố gắng tập hợp trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, cụ thể hóa đường lối đúng của Đảng đã được vạch ra từ Đại hội IV và Đại hội V, đề ra các chủ trương, biện pháp chuyển biến và đổi mới, tập trung vào ba chương trình kinh tế lớn - lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu - và cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, làm trong sạch và nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước, đẩy lùi và xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực, làm lành mạnh các quan hệ xã hội và thực hiện công bằng xã hội...
Chuyển biến toàn bộ sự nghiệp cách mạng theo hướng đổi mới là một quá trình lâu dài. Chúng ta còn phải tiếp tục kiên trì suy nghĩ, tìm tòi, thử nghiệm, từng bước hình thành cái mới một cách tích cực và vững chắc.
Tình hình đất nước đòi hỏi Đảng ta phải lớn lên, tăng cường đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, khôi phục, củng cố lòng tin và niềm phấn khởi của nhân dân, động viên phong trào cách mạng của quần chúng.
Nhân dân lao động nước ta, dân tộc Việt Nam ta rất giàu nhiệt tình cách mạng, dũng cảm, thông minh và sáng tạo. Nhất định nhân dân ta sẽ vui mừng đón nhận nghị quyết của đại hội, biến nghị quyết thành hành động cách mạng, ra sức phấn đấu đạt hiệu quả thiết thực trên mọi lĩnh vực của đời sống.
Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trong các cuộc kháng chiến, chúng ta đã làm nên sự nghiệp có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại. Mười năm qua, chúng ta đã trả giá đắt để thu được những hiểu biết và kinh nghiệm ngày nay, và chúng ta đã có bước trưởng thành. Nhất định trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta và nhân dân ta sẽ làm nên sự nghiệp vĩ đại ngang tầm sứ mệnh lịch sử của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân ta, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng, hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc ở khu vực này và trên thế giới...
Khi nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được thật sự phát huy sẽ tạo ra sức bật mới
(Trích báo cáo về phương hướng, mục tiêu chủ yếu phát triển KT-XH trong 5 năm 1986-1990 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI do đồng chí Võ Văn Kiệt trình bày)
Cuộc sống đang diễn biến hết sức phức tạp, song cũng rất sinh động. Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, chúng ta đã và đang có nhiều địa phương, ngành và nhất là cơ sở làm ăn năng động, sáng tạo, rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là sức sáng tạo của nhân dân lao động, một khi nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được thật sự phát huy, thể hiện trong thực tế chứ không chỉ là một khẩu hiệu thì sẽ nảy nở những biện pháp hay, tạo ra sức bật mới. Rất rõ ràng, chúng ta nói nhiều nhưng cũng chưa phải đã nói hết về những tiêu cực, hư hỏng, đó chính là sự thật cần vạch ra để thấy sâu sắc hơn và có quyết tâm khắc phục; song mặt khác, phải khẳng định những nhân tố mới đang phát triển từ lao động và cuộc sống - những nhân tố mới đem lại niềm tin mới. Nhân dân lao động, đông đảo cán bộ, đảng viên đã được rèn luyện, thử thách, là những nhân tố tích cực, là chỗ dựa để khắc phục yếu kém, trì trệ, tiếp tục tiến lên. Đảng ta đã có bài học “lấy dân làm gốc”; trải qua các thời kỳ chiến đấu, cũng như hiện nay, những địa phương, những ngành và cơ sở nào biết dựa vào dân, tin vào quần chúng, thì rõ ràng là từng bước vượt qua được khó khăn, đạt được nhiều thành tựu. Bài học đó phải được vận dụng xuyên suốt quá trình xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa...
Để xoay chuyển tình hình đang diễn biến phức tạp hiện nay, cần tiến hành kiên quyết và nhất quán các biện pháp đặc biệt quan trọng sau đây:
Một là, toàn Đảng nhất trí khẳng định mạnh mẽ và dứt khoát chuyển hướng nền kinh tế theo một cơ cấu phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội trong chặng đường đầu tiên, bố trí vật tư, tiền vốn, kể cả vốn bên trong và vốn bên ngoài vào các sản phẩm chủ yếu và công trình then chốt, với cách làm vững chắc và có hiệu quả.
Hai là, trên cơ sở đó, có sự đổi mới thật sự cách mạng trong lĩnh vực tổ chức và quản lý kinh tế, tổ chức bộ máy và cán bộ; đặc biệt là lựa chọn và bố trí đúng cán bộ, kịp thời thay đổi những cán bộ không thích ứng với cơ chế quản lý mới, đi đôi với đổi mới phong cách và lề lối làm việc...
Ba là, đấu tranh xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp; thiết lập bằng được trật tự, kỷ cương trong các hoạt động kinh tế, xã hội, trong sinh hoạt Đảng và Nhà nước, thực hiện đúng nguyên tắc “mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật Đảng”, “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Nghiêm trị những kẻ tham nhũng, đầu cơ trục lợi.
Để thực hiện những biện pháp đó, phải tiến hành cuộc vận động có ý nghĩa cực kỳ quan trọng là làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của Đảng; làm trong sạch và nâng cao hiệu lực của bộ máy Nhà nước; chống tiêu cực, hư hỏng trong xã hội, làm lành mạnh các quan hệ xã hội và thực hiện công bằng xã hội trên các lĩnh vực.
Kết quả của những giải pháp, của cuộc vận động nói trên, cuối cùng, phải tạo ra cho được phong trào cách mạng của quần chúng. Làm như vậy, chính là để thực hiện những lời căn dặn thiêng liêng của Bác Hồ vĩ đại mà toàn Đảng và toàn dân ta sẽ kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Người vào năm 1990 - năm kết thúc kế hoạch 5 năm này...
(*) Đầu đề và các tít nhỏ do Báo SGGP đặt.
THẢO NGUYÊN lược trích