Sự lựa chọn đúng đắn

Đổi mới tư duy
Sự lựa chọn đúng đắn

Năm 1986 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của Việt Nam: Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Sau 25 năm tiến hành đổi mới trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội… đất nước ta đã vượt qua bao thử thách, khó khăn và đã đạt được những thành tựu hết sức có ý nghĩa.

Thi công đường ống dẫn dầu tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất - một công trình có ý nghĩa quan trọng với sự nghiệp phát triển của đất nước. Ảnh: T.L.

Thi công đường ống dẫn dầu tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất - một công trình có ý nghĩa quan trọng với sự nghiệp phát triển của đất nước. Ảnh: T.L.

Đổi mới tư duy

Từ đường lối đổi mới do Đại hội VI đề ra, nhiều hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và các Đại hội VII, VIII, IX, X đã không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đổi mới, làm rõ hơn nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn của công cuộc đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở  nước ta.

Trước hết, đó là đổi mới tư duy mà thực chất là nắm vững và vận dụng đúng đắn quy luật khách quan, khắc phục căn bệnh nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Đảng đã nhận thức rõ và đúng hơn quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Các quy luật vận động trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhất là các quy luật kinh tế đã từng bước được nhận thức và vận dụng đúng đắn, thích hợp hơn, có hiệu quả hơn.

Từ nhận thức đúng đắn về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng đã quyết định đổi mới cơ cấu kinh tế, coi nền kinh tế nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ. Trong suốt quá trình đổi mới, Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần.

Thực tiễn đổi mới đã cho thấy nhiều thành phần kinh tế đương nhiên là có nhiều hình thức sở hữu, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế đất nước. Cùng với đổi mới cơ cấu kinh tế, Đảng chủ trương đổi mới cơ chế quản lý: Dứt khoát bỏ cơ chế quản lý hành chính tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang hạch toán, kinh doanh và từng bước đưa nền kinh tế vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Vấn đề rất quan trọng là đổi mới nội dung, phương thức, phương pháp lãnh đạo của Đảng và phát huy vai trò, chức năng quản lý điều hành của Nhà nước. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước theo hướng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Củng cố sức mạnh của hệ thống chính trị. Thật sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tăng cường và đổi mới công tác vận động quần chúng nhân dân và thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Đại hội VI của Đảng đã rút ra bài học là trong toàn bộ hoạt động, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động. Chính nhu cầu, lợi ích và sáng kiến của nhân dân là cội nguồn và động lực hình thành đường lối đổi mới.

Chúng ta cũng đã đổi mới chính sách đối ngoại, thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam muốn và sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của các nước trên thế giới trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và cùng có lợi.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thử thách, trong đó có tác động tiêu cực do sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô đưa lại, không ngừng đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới theo con đường của chủ nghĩa xã hội. Qua 25 năm, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt của đất nước, cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân.

Làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh

Thực hiện đổi mới, nước ta đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Từ năm 2001 đến 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7,3%/năm, thuộc nhóm  nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 1.200 USD, vượt qua ngưỡng nước đang phát triển có thu nhập thấp. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia được kiểm soát trong giới hạn an toàn. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện tốt hơn. Thu nhập thực tế bình quân đầu người 10 năm qua tăng khoảng 2,3 lần. Công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt nhiều thành tựu nổi bật, được quốc tế đánh giá cao. Chỉ số phát triển con người (HDI) không ngừng tăng lên, năm 2008 là 0,733, thuộc nhóm nước trung bình cao trên thế giới.

Cùng với những kết quả to lớn trong việc xã hội hóa phát triển các lĩnh vực xã hội, ngân sách nhà nước chi cho các lĩnh vực này không ngừng tăng lên; bảo hiểm y tế được mở rộng từ 13,4% dân số năm 2000 lên khoảng 62% năm 2010. Dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng, xã hội cởi mở và đồng thuận hơn. Quốc phòng, an ninh được giữ vững...

Thực hiện đổi mới, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng rõ hơn, hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã bước đầu hình thành trên những nét cơ bản.

Nhận thức rõ hơn về mục tiêu, mô hình của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, rõ hơn về chặng đường, bước đi khi đã hoàn thành những nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ, cho phép chuyển sang chặng đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, rõ hơn về những công cụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, rõ hơn về những mối quan hệ đặt ra cần được giải quyết một cách đúng đắn trên con đường đổi mới vì mục tiêu chủ nghĩa xã hội, mà trước hết làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ.

Có thể nói, những thành tựu đạt được của công cuộc đổi mới càng khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn và sáng tạo; đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn phù hợp với quy luật khách quan của thực tiễn cách mạng Việt Nam và xu thế của thời đại. Và, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho dân tộc ta có độc lập, tự do thật sự, đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Những thành tựu, kinh nghiệm của 25 năm đổi mới đã tạo ra cho đất nước thế và lực, sức mạnh tổng hợp lớn hơn nhiều so với trước.

Những bài học lớn

Thực tiễn 25 năm đổi mới đã cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý báu, giúp chúng ta thấy rõ con đường phát triển của đất nước trong những năm sắp tới.

Trước hết, trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới không phải từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn. Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng.

Đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp. Phải đổi mới từ nhận thức, tư duy đến hoạt động thực tiễn; từ kinh tế, chính trị, đối ngoại đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; từ hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến hoạt động cụ thể trong từng bộ phận của hệ thống chính trị. Đổi mới tất cả các mặt của đời sống xã hội nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, có những bước đi thích hợp; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ giữa ba nhiệm vụ: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội.

Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, xuất phát từ thực tiễn, nhạy bén với cái mới. Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân. Những nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân có vai trò quan trọng trong việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Dựa vào nhân dân, xuất phát từ thực tiễn và thường xuyên tổng kết thực tiễn, phát hiện nhân tố mới, từng bước tìm ra quy luật phát triển, đó là chìa khóa của thành công.

Phát huy cao độ nội lực, đồng thời ra sức tranh thủ ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới. Phát huy nội lực, xem đó là nhân tố quyết định đối với sự phát triển; đồng thời coi trọng huy động các nguồn ngoại lực, thông qua hội nhập và hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát huy nội lực mạnh hơn, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước nhanh và bền vững, trên cơ sở giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, không ngừng đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là khâu then chốt, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là yêu cầu bức thiết của xã hội; Nhà nước phải thể chế hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả quyền công dân, quyền con người. Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới.

PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa

>> Đòi hỏi bức thiết của đất nước và dân tộc (*)

Tin cùng chuyên mục