Không thể đứng ngoài những biến đổi to lớn trên thế giới

Cơ hội, thách thức khi hội nhập sâu
Không thể đứng ngoài những biến đổi to lớn trên thế giới

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 là chiến lược thứ ba kể từ khi nước ta tiến hành công cuộc đổi mới. Điểm lại 3 chiến lược này về mặt thể chế có đặc điểm là: Chiến lược thứ nhất (1991-2000) khái niệm thị trường mới manh nha; chiến lược thứ hai (2001-2010), thể chế thị trường đã hình thành trên những nét cơ bản; còn trong chiến lược thứ ba nêu lên nhiệm vụ hoàn thiện nó.

Đổi mới thị trường tài chính - tiền tệ là mối quan tâm của mọi quốc gia. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Đổi mới thị trường tài chính - tiền tệ là mối quan tâm của mọi quốc gia. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Cơ hội, thách thức khi hội nhập sâu

Xét về các loại hình thị trường thì ngày nay ở nước ta đã hình thành cả 6 loại chủ yếu: thị trường hàng hóa, thị trường dịch vụ, thị trường tài chính-tiền tệ, thị trường khoa học, thị trường bất động sản và thị trường lao động. Khung khổ pháp lý cho các loại thị trường ấy cũng từng bước được xây dựng với hàng loạt đạo luật và các văn bản dưới luật. Tham gia thị trường có đủ các thành phần cùng tồn tại, phát triển và cạnh tranh nhau.

Sự vận hành đó nói chung là sôi động, ngày càng đa dạng, phong phú, đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế cũng như đời sống của nhân dân. Trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đã trụ vững. Theo tôi, đó là những ưu điểm chủ yếu.

Mở cửa thị trường khi hội nhập, Việt Nam đang chịu nhiều yếu tố tác động hơn từ thế giới. Trong bối cảnh sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam còn yếu, trình độ lao động thấp, tỷ trọng kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu và vốn đầu tư nước ngoài, sức đề kháng và ứng phó khủng hoảng còn hạn chế, doanh nghiệp Việt Nam bị động trước diễn biến của thị trường quốc tế… Đó là thực tế nhưng chúng ta cũng vui mừng nhận thấy rằng trong dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng đều đặt đúng vị trí của doanh nghiệp tư nhân.

Thực tế, thời gian vừa qua cho thấy thành phần này phát triển rất nhanh, huy động nhiều vốn, tạo nhiều công ăn việc làm, cơ động, linh hoạt trong môi trường cạnh tranh khi hội nhập. Tiếc rằng, họ khó tiếp cận với đất đai, nguồn vốn. Trong việc thực thi cơ chế chính sách đối với họ, nhiều khi họ còn phải đối phó với không ít rào cản.

Điều đáng mừng là các văn kiện đều nhấn mạnh yêu cầu tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, minh bạch đối với mọi thành phần. Vấn đề còn lại là tiến hành nhiều biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để đưa chủ trương đó vào cuộc sống. Nếu muốn phát triển nhanh và hiệu quả thì đây là con đường quan trọng hàng đầu để đạt được mục tiêu ấy.

Mặt khác, ta cũng thấy nhiều điểm cần được hoàn thiện. Theo ý cá nhân tôi thì nổi lên những mặt sau:

Một là, tuy đã hình thành đầy đủ cả 6 loại thị trường chủ yếu song trình độ phát triển khác nhau. Điều này cũng dễ hiểu vì thực ra thể chế thị trường ở nước ta mới hình thành vài ba thập niên, lại đi lên từ nền sản xuất nhỏ, manh mún, nhiều loại hình kinh doanh mới ra đời, thậm chí còn trong trứng nước như các loại dịch vụ, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm. Những người tham gia thị trường, cả từ phía cung cấp lẫn tiêu dùng, hưởng thụ đều chưa quen, thậm chí chưa hiểu biết.

Hai là, khung khổ pháp lý tuy đã được xây dựng song còn chưa hoàn thiện, rõ ràng, minh bạch, thậm chí nhiều khi chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Đó là chưa kể trong quá trình thực thi còn nảy sinh nhiều vấn đề trục trặc do thiếu hiểu biết, thiếu minh bạch, thậm chí tiêu cực. Bên cạnh đó, một số vấn đề lý luận chưa tìm được cách tiếp cận thỏa đáng. Ví dụ vấn đề sở hữu đất đai của toàn dân nhưng người dân lại được hưởng nhiều quyền, giá cả gần sát giá thị trường… gây nhiều lúng túng, thất thoát, xung đột.

Ba là, tuy đã chủ trương tạo sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp song trong thực tế không hẳn như vậy, đưa đến tình trạng bất bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh. Tôi vui mừng thấy rằng, lần này, trong cả ba văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đều nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp.

Bốn là, trong quá trình hội nhập, trong từng loại hình thị trường ở mức độ này hay mức độ khác, các doanh nghiệp ta bị lấn lướt. Có lẽ, đây là khâu cần được giải quyết trong 10 năm tới khi thực hiện chiến lược thứ 3.

Thích nghi với thay đổi toàn cầu

Chiến lược cũng là bậc thang đưa nước ta hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Trong quá trình thực hiện chiến lược thứ 1, ta mới hội nhập với khu vực, cụ thể là tham gia AFTA; trong quá trình thực hiện chiến lược thứ 2, chúng ta đã hội nhập toàn cầu, nhất là sau khi gia nhập WTO. Còn sắp tới, chúng ta sẽ hội nhập sâu hơn với hàng loạt thể chế mậu dịch, đầu tư tự do song phương, đa phương khác nhau.

Cần khẳng định rằng, quá trình ấy đã đem lại cho ta nhiều mối lợi chứ không chỉ có thách thức. Rõ ràng, thị trường được mở rộng chưa từng thấy, kim ngạch xuất khẩu tăng lên mấy chục lần, đầu tư nước ngoài và viện trợ cũng gia tăng vượt bậc. Thể chế của chúng ta ngày càng được hoàn thiện. Qua cọ xát, các doanh nghiệp của ta trưởng thành lên rất nhiều, nhiều mặt hàng của ta đã có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Vị thế của Việt Nam cao hơn bao giờ hết.

Nhưng đúng như ta dự đoán, nền kinh tế nước ta cũng phải đối mặt với không ít thách thức mà nổi bật nhất là thua thiệt trong cạnh tranh, kể cả trên sân nhà. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do khả năng cạnh tranh của chúng ta còn yếu trên cả 3 tầng nấc: quốc gia, doanh nghiệp và hàng hóa - dịch vụ. Một phần do trình độ phát triển, một phần do lỗi của chúng ta. Để hạn chế những thách thức này, theo tôi nên chú trọng một số việc sau:

Một là, tích cực, chủ động nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia. Đó là hoàn thiện khung khổ pháp lý, đổi mới mạnh mẽ thể chế nhằm tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp; cải thiện có trọng tâm trọng điểm kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực cả về văn hóa, tay nghề lẫn phong cách lao động, năng lực quản lý.

Hai là, cả các cơ quan quản lý lẫn các doanh nghiệp cần tích cực chủ động tìm hiểu tình hình, diễn biến, luật chơi, thủ đoạn, xu hướng phát triển của các nước để ứng phó.

Ba là, mọi doanh nghiệp cần tích cực chủ động cải tiến hoạt động, mẫu mã, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có nhiều biện pháp thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp đứng vững trên thị trường trong nước đi đôi với việc vươn ra bên ngoài. Các cơ quan quản lý cần xây dựng nhiều biện pháp kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, ngăn chặn sự cạnh tranh không lành mạnh của bên ngoài.

Bốn là, nước ta cần tích cực, chủ động tham gia vào cuộc đấu tranh trên thế giới để hình thành trật tự kinh tế công bằng. 10 năm tới chúng ta sẽ hội nhập sâu rộng hơn. Nếu không giải quyết tốt những vấn đề như vậy, sẽ khó bề đối phó với những thách thức nảy sinh.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải lưu ý một điều là sau khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu, chúng ta đang chứng kiến quá trình cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế thế giới. Đổi mới, gia tăng giám sát thị trường tài chính - tiền tệ và cả vấn đề nợ công là mối quan tâm của mọi quốc gia và cả thể chế kinh tế toàn cầu. Hệ thống tiền tệ thế giới cũng đang trải qua sự biến động mạnh mẽ, vị trí các đồng tiền và của các nền kinh tế trên thị trường tiền tệ và các thể chế tài chính - tiền tệ quốc tế đang thay đổi.

Điều chỉnh lại vai trò của thị trường và Nhà nước là một hướng đi đang diễn ra ở nhiều nước. Cơ cấu sản xuất cũng chuyển dịch theo hướng khích lệ các ngành năng lượng tái tạo, các ngành công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng. Vị trí của các nền kinh tế mới nổi, nhất là Trung Quốc đã được nâng cao.

Vậy nước ta cần thích nghi ra sao? Việc hoàn thiện giám sát hệ thống tiền tệ, ngân hàng, tỷ giá hối đoái, dự trữ ngoại tệ… chẳng lẽ không phải là mối quan tâm của nước ta hay sao? Sự phân phối hợp lý giữa thị trường và Nhà nước là một yêu cầu mang tính thời sự. Trong cơ cấu sản xuất, bên cạnh việc gia tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến và chế tạo, việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ, trong đó kể cả việc đầu tư cho các nguồn năng lượng mới, các sản phẩm tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường, đối phó với sự biến đổi khí hậu, dịch bệnh đều là những yêu cầu cấp bách. Trong quan hệ quốc tế cũng cần điều chỉnh sao cho phù hợp với những chuyển biến về vai trò các quốc gia.

Tóm lại, chúng ta không thể đứng ngoài những biến đổi to lớn, sâu rộng đang diễn ra trên thế giới. Đây cũng là nét mới trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.

Vũ Khoan
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ

>> Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ: Phát huy dân chủ trong Đảng, thực thi dân chủ trong xã hội

Tin cùng chuyên mục