Ngay sau khi loạt bài “Đổi mới để phát triển - Đường chúng ta đi” đến với bạn đọc, nhóm PV Báo SGGP đã tìm gặp những người trực tiếp tham gia vào công cuộc “xé rào” làm kinh tế của TPHCM trong giai đoạn “đêm trước đổi mới” để nghe những đúc kết, bài học kinh nghiệm quý giá rút ra từ thực tế đổi mới tại TPHCM.
Ông LÂM TƯ QUANG (nguyên Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trực dụng TPHCM - Direcximco): Lắng nghe nguyện vọng của quần chúng
Thời điểm tháng 3-1980, khi TP quyết định thành lập tổ xuất nhập khẩu của Ban Liên hiệp xã, khi quỹ công của TP không còn một đồng ngoại tệ, chúng tôi đã tìm cách huy động vốn trong dân, cụ thể là của một số cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Thời kỳ đó, 1USD “ăn” khoảng 9-10 đồng mà mọi người góp được đến vài chục triệu đồng tiền vốn.
Khi góp xong rồi, mọi người mới hỏi rằng sau khi góp thì được chia tiền ra sao? Lúc đó, chuyện huy động vốn rồi chia lời, nói cách khác là “ăn chia” với nhau là một chuyện đi ngược với cơ chế bao cấp, là chuyện động trời. Thế nhưng chúng tôi vẫn quyết định chia lời cho người góp vốn theo tỷ lệ khá cao.
Chúng tôi làm điều đó một cách sáng tạo, vượt qua những quy định khắt khe của cơ chế bao cấp để làm theo cách mà người dân có thể chấp nhận được. Ngay cả việc lựa chọn người tham gia góp vốn trong thời điểm và bối cảnh hết sức khó khăn và nhạy cảm này, chúng tôi cũng rất cẩn thận theo tiêu chí: Phải chọn được người tốt, tìm được người tài có đầu óc cởi mở.
Lãnh đạo TP lúc bấy giờ cũng ủng hộ cho quan điểm: tin và dùng những người yêu nước, không phân biệt trước sau, xuất thân hay nguồn gốc. Tôi cho rằng đây là một cách làm rất hay. Thời nào cũng vậy, một khi nhìn được người tài, thu hút được người tài và dám sử dụng người tài, vượt qua những hẹp hòi định kiến sẽ dẫn đến thành công.
25 năm đã trôi qua, bài học từ thời kỳ đổi mới vẫn vẹn nguyên giá trị. Sở dĩ, trong giai đoạn cực kỳ khó khăn đó, chúng ta đã vượt qua là do có sự quyết tâm cao. Chúng ta đổi mới và đổi mới thành công vì chúng ta xuất phát từ lợi ích của đại bộ phận quần chúng nhân dân. Là đảng viên chân chính, phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật và kiên định vào mục đích, con đường mình lựa chọn.
Một bài học quan trọng không kém là trong bất cứ giai đoạn nào cũng phải biết dựa vào quần chúng, lắng nghe nguyện vọng thật sự của quần chúng. Điều cuối cùng, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Nếu có được những người đứng đầu thực sự có tâm, có tầm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, yêu nước, thương dân thì dù có khó khăn, thử thách nào, nhân dân cũng sẽ cùng Đảng vượt qua.
(công tác tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định những ngày đầu đổi mới): Đi sát cuộc sống người dân để có quyết sách đúng
Chúng tôi không sao quên được cái thời mà mỗi bác sĩ nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân tại một bệnh viện công lớn của TP mà cũng phải nhận kháng sinh chữa bệnh theo tiêu chuẩn tem phiếu. Chẳng hạn như một bác sĩ mỗi tháng nhận chỉ tiêu 20 tem kháng sinh thì chỉ được nhận bằng đấy. Nếu bệnh nhân nhiều hơn, tình trạng bệnh nặng hơn và cần nhiều thuốc hơn, anh em phải hỏi thăm nhau xem ai còn tem thì đi… vay.
Không chỉ thuốc men mà dụng cụ y tế, cả đến những món cơ bản nhất cũng khan hiếm trầm trọng. Một cái bơm kim tiêm, các nước tiên tiến chỉ dùng một lần còn bệnh viện của mình mỗi khi dùng xong lại phải ngâm luộc để sử dụng rất nhiều lần. Thực tế khó khăn ngày đó khiến chúng tôi phải xoay xở bằng đủ mọi cách. Bác sĩ, y tá đem kim tiêm đi mài bằng đá mài dao - một kỹ thuật mà chưa trường đại học y khoa nào dạy trong giáo trình! Có khi kim bén, có thể tiêm được lại rút thuốc không được. Thì ra những hạt đá mài đã lọt vào làm nghẽn ống kim. Vậy là bác sĩ thời bao cấp chúng tôi lại có thêm kiểu “thông” kim bằng cách dùng sợi kẽm từ phanh xe đạp luồn vào trong.
Nhìn lại chuyện cũ, tôi cảm nhận sâu sắc, đổi mới là quá đúng và quá cần thiết. Nếu Đảng và Nhà nước không mạnh dạn và quyết tâm thực hiện công cuộc đổi mới thì không biết ngành y nói riêng và cả xã hội chúng ta đã đi về đâu. Đổi mới đã mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân. Xã hội luôn vận động và phát triển, tôi mong muốn trong thời kỳ nào, lãnh đạo Đảng và nhà nước cũng đi sâu, đi sát vào đời sống thực tế để kịp thời có những chủ trương, đường lối phù hợp, thúc đẩy xã hội phát triển.
Một vấn đề quan trọng khác, theo tôi là cần nâng cao thu nhập cho người lao động, đặc biệt là chăm lo cho y tế và giáo dục để đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. Dân giàu, dân khỏe, dân hạnh phúc thì nước mới mạnh được.
(đường số 4, khu phố 6, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức): Phải giải quyết những vấn đề thiết thực trước mắt
Với người dân chúng tôi, nói đổi mới chung chung thì cao siêu, xa vời quá. Đổi mới trước hết là phải giải quyết từ những vấn đề thiết thực trước mắt, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống mỗi ngày của người dân.
Tại kỳ họp HĐND TPHCM vừa qua, vấn đề nóng bỏng được nêu ra là “hố tử thần” nhưng trách nhiệm chưa rõ ràng, chưa có ai dám đứng ra nhận trách nhiệm cho đầy đủ, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Tình trạng ngập nước cũng vậy, chỉ cần một cơn mưa là thành phố nhiều nơi thành “sông”, nhưng cách giải quyết thì không triệt để, dẫn đến ngập nước ngày càng nặng.
Còn một vấn đề nữa là các khu đất vàng, cao ốc, khu đô thị mới, khu dân cư, trường đại học tập trung quá nhiều vào khu vực trung tâm thành phố. Chúng ta có điều kiện thuận lợi là đã có đường hầm Thủ Thiêm, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Đại lộ Đông Tây, vậy thì nên giãn những công trình ra khỏi khu trung tâm thành phố để tránh gây xáo trộn về hạ tầng.
Hiện nay chúng ta cứ cho xây dựng những công trình này ở quận 1, quận 3 để rồi phải giải quyết hàng loạt vấn đề kéo theo như kẹt xe, khó gửi xe vì đường không thể mở rộng hơn, và nếu mở rộng được thì số tiền bồi thường rất lớn.
Cho đến nay, vấn đề chống tham nhũng vẫn còn mang tính thời sự. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã từng nói: “Chống tiêu cực trong cán bộ nếu kiên quyết sẽ làm được, sẽ nhổ sạch cỏ những mầm mống tiêu cực bởi không có gì qua mắt được quần chúng. Chẳng qua do chúng ta còn nhân nhượng, nể nang nên loại tội phạm này mới trở nên tinh vi”. Chúng ta đã có đầy đủ hệ thống pháp luật, các cơ quan chức năng nên dù tinh vi như thế nào, tôi tin cũng bị phát hiện và xử lý thích đáng.
(đường Sư Vạn Hạnh phường 12 quận 10): Dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật
Có thời gian làm việc chung với cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nên tôi được nghe, được trao đổi nhiều về ý nghĩa và mục tiêu của công cuộc đổi mới. Nhìn lại 25 năm đổi mới, cả nước đạt được nhiều thành quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Tôi nghĩ, để người dân cảm nhận được “ngọn gió” đổi mới vẫn còn nguyên giá trị phải bắt nguồn từ việc giải quyết những nhu cầu thiết thực nhỏ nhất mà người dân cần.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thường nói một câu rất có ý nghĩa: “Phải nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật mới hiểu vấn đề, để từ đó giải quyết vấn đề”. Khi cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thực hiện đổi mới, ông đã làm được một chuyện, đó là nhìn thẳng vào sự thật. Tại các kỳ họp Quốc hội, người dân luôn chờ đợi những chất vấn của các đại biểu Quốc hội được những vị có thẩm quyền giải đáp thỏa đáng. Thế nhưng ở nhiều kỳ họp, các bộ trưởng cũng không chịu trách nhiệm đối với những tồn tại trong lĩnh vực mình quản lý.
Muốn đổi mới thành công, phải thấm bài học từ thực tiễn: phải đi sát thực tế, đi gần người dân, hiểu nỗi khổ của người dân, xem người dân cần gì để giải quyết. Làm cán bộ phải gương mẫu, chức vụ càng cao phải càng phải gương mẫu. 4 năm nay, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” dường như chỉ mới dừng lại ở người dân.
Nếu muốn nghiêm trị tham nhũng thì phải trị những quan to để làm gương. Chúng ta nói rằng phải học tập và làm theo Bác, vậy tại sao chúng ta không làm được như Bác, cương quyết xử lý mạnh tay đối với tệ nạn tham ô, lãng phí?
ÁI CHÂN - MAI HƯƠNG (ghi)