“Trong mọi hoàn cảnh, phải kiên trì chiến lược tài chính, thiết lập được hệ thống tài chính tiền tệ, các loại thị trường… Tài chính luôn sẵn sàng ứng phó tốt mọi diễn biến, đòi hỏi của nền kinh tế. Mọi giải pháp tài chính và hoạt động tài chính phải xuất phát từ cuộc sống…”. Đó là những nội dung mà phóng viên Báo SGGP trao đổi với PGS-TS Đặng Văn Thanh (ảnh) , chuyên gia cao cấp của Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội khóa XI về những thành công và bài học của ngành tài chính Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước.
Ngân sách nhà nước được xác lập, cơ cấu hợp lý hơn
° PV: Gần 1/4 thế kỷ Việt Nam đổi mới và mở cửa, theo ông, đâu là thành công lớn nhất của nền tài chính quốc gia?
° PGS-TS ĐẶNG VĂN THANH: Đó là nền tài chính Việt Nam đã được củng cố và phát triển. Nói rõ hơn, hệ thống tài chính của cơ chế kinh tế mới, kinh tế thị trường, mở cửa đã được tạo dựng. Tài chính đã làm tốt vai trò phát triển, nuôi dưỡng, động viên, phân phối nguồn lực, quản lý, kiểm soát và giám sát vĩ mô nền kinh tế quốc dân…
° Đã có những quan điểm nhận thức mới đầy đủ hơn về hoạt động tài chính trong cải cách kinh tế và kinh tế thị trường ở Việt Nam. Trong đó, một vấn đề rất đáng chú ý là việc quản lý chi ngân sách nhà nước. Đề nghị ông nói rõ hơn xung quanh câu chuyện “chiếc bánh ngân sách” trong bài toán tổng thể về quản lý, điều hành nền tài chính quốc gia?
° Trong quản lý chi ngân sách nhà nước và sử dụng nguồn lực, đã giảm dần sự bao cấp của Nhà nước, trước hết là chế độ bao cấp đối với các doanh nghiệp, các hoạt động sự nghiệp công, thu hẹp phạm vi trang trải của ngân sách nhà nước; mở rộng phạm vi, lĩnh vực công để Nhà nước và nhân dân cùng làm. Việc thực hiện xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao… đã thu hút sự tham gia, đóng góp của nhiều nguồn lực trong và ngoài nước.
Phạm vi bao cấp của ngân sách nhà nước đã dần được thu hẹp và xóa bỏ; phạm vi trang trải của ngân sách nhà nước đang được xác lập lại, chi ngân sách nhà nước được cơ cấu hợp lý hơn, phù hợp hơn. Nhà nước có điều kiện tập trung các nguồn lực còn hạn hẹp cho những mục tiêu chiến lược và nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc.
Luật Ngân sách nhà nước có hiệu lực thi hành từ 1-1-1997 và được sửa đổi, bổ sung năm 2002 đã đảm bảo quản lý thống nhất ngân sách nhà nước, góp phần khơi dậy mọi tiềm năng, giữ vững các nguyên tắc trong quản lý kinh tế, quản lý và điều hành nền tài chính quốc gia. Chính sách động viên của Nhà nước, chính sách cơ cấu lại nguồn thu, cơ cấu lại các khoản chi của ngân sách nhà nước đã được đổi mới khá cơ bản.
Nhờ có chính sách đúng về phân cấp ngân sách nhà nước, ổn định nhiệm vụ chi cho các địa phương để tăng tính chủ động, sáng tạo của các cấp ngân sách trong việc khai thác nguồn thu và giải quyết nhiệm vụ chi trên địa bàn, quỹ ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ hơn, lưu chuyển thông thoáng hơn, hiệu quả hơn…
° Chiến lược phát triển kinh tế của Đảng là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vậy theo ông, phải xây dựng chiến lược tài chính quốc gia như thế nào để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế đất nước?
° Chiến lược tài chính quốc gia phải bao gồm những mục tiêu, định hướng rõ ràng, những giải pháp tài chính mang tính tổng thể, liên hoàn, đồng bộ. Đó là mục tiêu phải xây dựng nền tài chính quốc gia có tiềm lực mạnh, khai thác tốt nhất mọi nguồn lực, quản lý và chi tiêu tiết kiệm, có hiệu quả, được kiểm kê kiểm soát; hội nhập và có vị thế xứng đáng trên trường tài chính quốc tế.
Vấn đề cực kỳ quan trọng cho mọi thành công là nhận thức rõ tính đồng bộ của hệ thống giải pháp. Trong mọi hoàn cảnh, phải kiên trì chiến lược tài chính, thiết lập được hệ thống tài chính tiền tệ, các loại thị trường, đặc biệt là thị trường vốn năng động, an toàn, hiệu quả. Các giải pháp tài chính tình thế phải nằm trong chiến lược tổng thể và phải phục vụ cho mục tiêu chiến lược của tài chính quốc gia. Không vì những chính sách tài chính cụ thể, nhất thời trong động viên thu nhập, trong chi tiêu ngân sách… mà phá vỡ cơ cấu thu chi ngân sách, làm sai lệch định hướng chiến lược tài chính hoặc làm chậm tiến trình đổi mới nền tài chính quốc gia.
Tất nhiên, nền tài chính Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức trong quá trình phát triển và những diễn biến trong thực tế của nền kinh tế vô cùng phức tạp, với nhiều biến động khó lường. Do đó phải luôn chủ động trong vị thế mới, lựa chọn những mục tiêu cụ thể cho phép khai thác tốt nhất mọi lợi thế so sánh của đất nước. Tài chính luôn sẵn sàng ứng phó tốt mọi diễn biến, đòi hỏi của nền kinh tế. Vấn đề là cần chủ động, tỉnh táo, có bước đi và cách làm cho từng mục tiêu chiến lược, sách lược cho từng nhóm giải pháp tài chính cụ thể.
° Thực tế trong những năm qua cho thấy, những sai lầm, chậm trễ trong từng giải pháp, quyết sách tài chính không chỉ gây hậu quả xấu về kinh tế - tài chính mà cả về chính trị - xã hội. Theo ông, bài học cần rút ra trong hoạch định chính sách tài chính quốc gia là gì?
° Mọi giải pháp tài chính và hoạt động tài chính phải hàm chứa và tính đến các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội, xuất phát từ cuộc sống và giải quyết được những vấn đề của cuộc sống. Công tác tài chính phải bám sát thực tế, cần được thực tế kiểm nghiệm, đánh giá. Thực tế đổi mới cho chúng ta bài học là cần nhanh nhạy, linh hoạt triển khai và điều chỉnh các chủ trương, giải pháp tài chính, cân nhắc tính toán mọi yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội trong từng giải pháp, quyết sách. Kinh nghiệm cho thấy nếu chần chừ, thiếu quyết đoán hoặc nóng vội, thiếu sự chuẩn bị cần thiết, thiếu dự báo trong các quyết định, trong điều hành đều gây bất lợi và tổn hại đến nền kinh tế nói chung và nền tài chính quốc ra nói riêng.
Công khai, minh bạch tài chính để hạn chế tiêu cực
° Thực hiện đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta cũng đứng trước những nguy cơ tiêu cực, những đổ vỡ về tài chính. Làm gì để hạn chế điều này?
° Một trong những yêu cầu của nền tài chính mở là an ninh, an toàn và lành mạnh. Nguy cơ của những tiêu cực, những đổ vỡ về tài chính trong nền kinh tế thị trường luôn tồn tại bên cạnh những thời cơ và tính năng động của nền tài chính quốc gia.
Hơn lúc nào hết, cùng với sự thiết lập các khuôn khổ pháp lý, cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hệ thống giám sát bằng nghiệp vụ, bằng tổ chức có sẵn trong bản thân công tác tài chính, từng quy trình chuyên môn. Thường xuyên rà soát, thiết lập, duy trì các quy trình, các cơ cấu tổ chức có tính kháng thể cao với các việc làm gây tổn hại tài chính Nhà nước. Tăng cường và nâng cao tính hiệu lực của hệ thống giám sát nội bộ, bộ máy và quy trình kiểm soát nội bộ; bảo đảm mọi hoạt động tài chính, sự luân chuyển của từng đồng tiền Nhà nước của ngân khố phải được giám sát thường xuyên, liên tục… Xử lý dứt điểm mọi sai phạm, giữ kỷ cương, phép nước. Phân cấp và trao quyền trong quản lý và điều hành tài chính ngân sách cho các bộ ngành các địa phương là cần thiết, là nội dung của thể chế hiện đại nhưng cần thiết lập chế độ trách nhiệm giải trình: Giải trình với cơ quan quản lý cấp trên, với luật pháp, nhưng quan trọng hơn là giải trình với nhân dân, với những người trực tiếp đóng góp nguồn lực và thụ hưởng các nguồn lực tài chính. Trách nhiệm giải trình xuống dưới với xã hội với nhân dân bằng biện pháp công khai, minh bạch mọi hoạt động thu chi tài chính, thu chi ngân sách. Công khai, minh bạch tài chính là biện pháp hạn chế tiêu cực. Cần tạo dựng thói quen công khai tài chính trong đời sống xã hội, coi đó vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của cả người cung cấp thông tin và sử dụng thông tin, đảm bảo định hướng đúng cho sự phát triển của Kiểm toán Nhà nước, phục vụ tốt nhất cho các quyết định của Quốc hội, của HĐND về ngân sách và phân bổ, quyết toán ngân sách. Tạo môi trường pháp lý tốt hơn, chặt chẽ hơn cho thị trường dịch vụ kiểm toán, nâng cao trách nhiệm và độ tin cậy đối với những thông tin được kiểm toán…
HỒNG QUÂN thực hiện