Tiếp tục đổi mới chính sách tôn giáo - Đồng hành với dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Tiếp tục đổi mới chính sách tôn giáo - Đồng hành với dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Kể từ khi có Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị (tháng 10-1990), đường lối chính sách tôn giáo ở nước ta đã có sự đổi mới mang tính bước ngoặt, mở ra một thời kỳ mới trong việc thực hiện đường lối chính sách tôn giáo. Với hai luận điểm có tính đột phá về lý luận (lần đầu tiên thừa nhận “tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, tôn giáo còn tồn tại lâu dài cùng với CNXH” và “trong tôn giáo có nhiều giá trị văn hóa, đạo đức phù hợp với CNXH”) và một quan điểm có tính nguyên tắc trong ứng xử với thực tại tôn giáo (“thực chất công tác tôn giáo là vận động quần chúng và công tác tôn giáo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị”), hơn 20 năm qua, chúng ta đã thu được những thắng lợi to lớn, ngoạn mục trong việc thực hiện đường lối đổi mới về tôn giáo tín ngưỡng.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải thăm hỏi Thành hội Phật giáo TPHCM nhân dịp xuân Canh Dần. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải thăm hỏi Thành hội Phật giáo TPHCM nhân dịp xuân Canh Dần. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đổi mới về đường lối chính sách tôn giáo ở nước ta là một bộ phận không thể tách rời của sự nghiệp đổi mới đất nước từ hơn hai thập kỷ qua. Nhìn một cách đại thể, bức tranh của đời sống tôn giáo ở Việt Nam đương đại, mối quan hệ đạo – đời, quan hệ Nhà nước với các giáo hội đã có nhiều điểm sáng đáng khích lệ, các tôn giáo tín ngưỡng đều khởi sắc và điều quan trọng hơn, đường hướng tôn giáo đồng hành với dân tộc vẫn giữ vững thế chủ đạo…

Vấn đề đặt ra ngày hôm nay là sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới về chính sách tôn giáo, về mặt công khai, được in dấu trong Cương lĩnh 91 (Văn kiện Đại hội VII của Đảng năm 1991) cũng như trong các văn kiện tại 4 Đại hội Đảng đã qua. Có một điểm cần lưu ý rằng, từ Đại hội VII (1991) đến Đại hội X (2006) về cơ bản các luận điểm đổi mới về đường lối chính sách tôn giáo của Nghị quyết 24 nói trên gần như luôn được lặp lại. Bên cạnh những mặt thành công, rõ ràng đã đến lúc chúng ta phải có những bước tiến mới, kể cả trong tư duy lý luận cũng như thực tiễn.

Chúng tôi có một số suy nghĩ kiến nghị dưới đây:

Thứ nhất, chúng ta đã thừa nhận tôn giáo còn là một thực tại xã hội, thậm chí nó có thể đồng hành với dân tộc và với CNXH. Tư duy lý luận của chúng ta phải tiến thêm một bước quan trọng khác, một luận đề có tính đột phá khác là để tôn giáo - “thực thể xã hội” ấy có thể thích ứng với CNXH phải tạo cho nó khả năng và quyền hạn pháp lý để có thể tham gia tích cực hơn vào một số lĩnh vực xã hội thích hợp, đóng góp vào việc xây dựng phát triển đất nước, vừa thỏa mãn nhu cầu của bản thân các tôn giáo.

Tiền đề lý luận khách quan là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa, mọi tôn giáo đều có khuynh hướng trở thành tôn giáo xã hội, thích ứng xã hội ngày càng cao. Ở nước ta hiện nay với con số trên 23 triệu người có tôn giáo, có mặt ở khắp các khu vực của đất nước, tồn tại trong tất cả các dân tộc, tộc người, lại đang trong quá trình hiện đại hóa tôn giáo, chưa bao giờ như hiện nay, thực lực xã hội của các tôn giáo đã tăng lên đáng kể.

Khi thừa nhận xu hướng tôn giáo xã hội, về mặt lý thuyết chúng ta đứng trước hai khả năng. Một mặt, các tôn giáo xã hội sẽ có điều kiện bộc lộ tích cực năng động hơn những khả năng của các cộng đồng tôn giáo với xã hội hiện nay. Mặt khác, Nhà nước lại đứng trước cục diện mới, trong đó khi các tôn giáo đã hồi sinh và phát triển thì tự nó tất yếu cũng sẽ trở thành những đoàn thể áp lực với Nhà nước. Điều này các nhà nghiên cứu xã hội học tôn giáo gần đây đã nói đến xu hướng “giải tục hóa” với ý nghĩa như vậy.

Thứ hai, giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước và các giáo hội. Hiện nay, vấn đề then chốt để tiếp tục đổi mới về tôn giáo là phải đặt mối quan hệ này trong vấn đề nhà nước pháp quyền, bình thường hóa và pháp trị. Càng làm tốt điều này, đời sống tôn giáo càng ổn định vững chắc và xây đắp hơn đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo... Vì thế trong điều kiện xây dựng mô hình nhà nước pháp quyền, cũng cần có cái nhìn mới mẻ thông thoáng hơn nữa trong quan hệ giữa nhà nước và các tổ chức giáo hội.

Văn kiện Đại hội X có nói đến các tôn giáo hợp pháp và việc được pháp luật bảo hộ khi các tổ chức tôn giáo ấy hoạt động theo pháp luật. Đây là vấn đề rất quan trọng không chỉ ở góc độ xây dựng nhà nước pháp quyền, mà còn đáp ứng đòi hỏi bức xúc: chỉ có làm tốt công tác hoàn thiện luật pháp tôn giáo mới có thể có điều kiện, phương tiện hữu hiệu làm tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.

Ở Việt Nam hiện nay, trước khi nói đến một bộ luật về tôn giáo (các văn bản của Bộ Chính trị khóa IX đã từng nói điều này) thì cấp thiết phải xây dựng, hoàn thiện hơn luật pháp nhân tôn giáo, các chế tài khác liên quan đến đời sống tôn giáo dù chúng ta đã có Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo... Chỉ thị 01 năm 2005, tuy là sự kiện pháp lý quan trọng về tôn giáo nhưng chủ yếu mới giải quyết câu chuyện của đạo Tin Lành ở nước ta, vì thế cần phải có bước tiến mới về yêu cầu pháp lý tôn giáo cấp thiết này.

Thứ ba, việc ổn định đời sống tôn giáo và tạo thêm điều kiện cho các tôn giáo cống hiến khả năng xây dựng, phát triển đất nước là không ngoài quy luật mà tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ ra: luôn luôn duy trì và phát triển xu hướng tôn giáo đồng hành với dân tộc và CNXH, đoàn kết dân tộc tôn giáo trước hết bằng mục tiêu chung, điểm tương đồng giữa lý tưởng tốt đẹp vốn có của các tôn giáo với CNXH, khai thác những giá trị tích cực của các tôn giáo trước hết là các giá trị văn hóa và đạo đức, đồng thời luôn cảnh giác với những âm mưu lợi dụng các tôn giáo vào mục đích chính trị phản dân tộc và CNXH...

Hiện nay ở nước ta còn thiếu những công trình nghiên cứu về tôn giáo đồng hành với dân tộc trong môi trường xã hội chủ nghĩa là như thế nào? Như đã nói ở trên, về đại thể, dưới ánh sáng đổi mới của Đảng trong nhận thức và hành động, chúng ta đã có những bước đột phá quan trọng. Tuy vậy, cũng chưa thể coi như “không còn vấn đề gì” trong lĩnh vực vốn rất phức tạp và nhạy cảm này.

Thứ tư, trong sự đổi mới (tiếp tục) về chính sách tôn giáo, phải chăng chúng ta phải thực sự tính đến việc mở rộng hơn ba khu vực cơ bản mà các tôn giáo có nhiều tiềm năng để tham gia. Đó là các tổ chức tôn giáo có thể tham gia vào các hoạt động giáo dục đào tạo với tư cách một chủ thể đầu tư, dĩ nhiên là trong khuôn khổ luật giáo dục của Nhà nước. Có thể với thực tiễn nước ta, sự “mở cửa” bước đầu này ở một phần của giáo dục phổ thông (từ phổ thông cơ sở trở xuống).

Các tổ chức tôn giáo có thể được tham gia trong các hoạt động y tế, đặc biệt là những khu vực đặc biệt (các bệnh viện chuyên biệt cho các bệnh nan y, nhà thương làm phúc, các cơ sở y tế khám chữa bệnh khác…) với tư cách là một chủ thể đầu tư. Về hoạt động từ thiện, đây vốn là một mặt mạnh của các tổ chức tôn giáo, có thể mở rộng các hoạt động có ý nghĩa xã hội và kinh tế hơn. Sự mở rộng như vậy không chỉ đáp ứng nhu cầu các tổ chức tôn giáo mà còn hòa nhịp, thích ứng hơn đối với thông lệ quốc tế.

Thứ năm, cùng với việc mở cửa hội nhập quốc tế, cùng với việc hệ thống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay ngày một mở rộng hơn, quan hệ quốc tế về tôn giáo cũng theo đó đặt ra nhiều vấn đề mới, trong đó có vấn đề sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam. Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đã giải quyết bước đầu vấn đề này. Tuy vậy chúng ta cần có cái nhìn rộng rãi, sâu sắc hơn về một “sự kiện tôn giáo” mới mẻ này để có những chính sách sát hợp hơn.

Điều quan trọng là Nhà nước ta đã biết khai thác những giá trị truyền thống tốt đẹp về dân tộc và tôn giáo, luôn giữ vững nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, những cốt lõi căn bản và kinh nghiệm của tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo để hoạch định và thực thi chính sách này. Chính vì thế, chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, có những thời điểm gay go, quyết liệt để đảm bảo thắng lợi của cách mạng.

Cái lõi luận lý của chính sách tôn giáo của Nhà nước ta là khai thác tối đa những giá trị tích cực, mặt đồng thuận của hệ ý thức xã hội với những tư tưởng yêu nước, nhân văn của các tôn giáo và hạn chế tối đa sự lợi dụng tôn giáo vào các âm mưu chính trị của các thế lực thù địch.

Ngày nay, chính sách này đã và đang tiến vào một lộ trình mới: một chính sách tôn giáo thích hợp với một nhà nước pháp quyền XHCN, mà chúng ta có nhiều cơ sở để tin tưởng ở những thành tựu tiếp theo.

GS-TS Đỗ Quang Hưng

>> Đổi mới để phát triển - Đường chúng ta đi

Tin cùng chuyên mục