Chiến công không mong đợi!

Lẽ thường tình, khi đã dấn thân vào ngành công an thì ai cũng mong muốn một lần lập được chiến công. Ấy vậy mà có một đơn vị không một chút mặn mà hay mong đợi chiến công đến với mình. Dù mỗi lần ra quân thì thường thắng lợi. Tương tự, phương châm của công an là hỗ trợ nhân dân, nhưng CB-CS ở đơn vị nêu trên lại mong ước sẽ không bao giờ nhận được yêu cầu khẩn cấp này…
Chiến công không mong đợi!

Lẽ thường tình, khi đã dấn thân vào ngành công an thì ai cũng mong muốn một lần lập được chiến công. Ấy vậy mà có một đơn vị không một chút mặn mà hay mong đợi chiến công đến với mình. Dù mỗi lần ra quân thì thường thắng lợi. Tương tự, phương châm của công an là hỗ trợ nhân dân, nhưng CB-CS ở đơn vị nêu trên lại mong ước sẽ không bao giờ nhận được yêu cầu khẩn cấp này…

Tự trói để… cứu người!

Hàng năm, cứ mỗi dịp lễ nghỉ dài ngày hay Tết thì TPHCM lại xảy ra các vụ cháy mà nguyên nhân của nó vô cùng… ngớ ngẩn. Mặc dù, cơ quan quản lý nhà nước liên tục tuyên truyền, cảnh báo. Đó là cháy mà nguyên nhân là do đốt… rác. Tàn lửa bị gió thổi tạt vào nhà ở gần đó và thế là cháy phát sinh. Rồi hàng loạt các nguyên nhân mà ai cũng biết. Nhưng cứ hay quên, như: hâm nồi thịt kho rồi giao… cho ông Táo trông coi; đốt nhang, đèn rồi bỏ đi… chợ. Cứ mỗi dịp lễ, Tết sắp đến thì Đại úy Huỳnh Thanh Tuấn, Phó Phòng Cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát PC&CC TPHCM lại nhớ những lần cứu người trong đám cháy, các công trình đổ sập… Nhưng, ấn tượng nhất là những lần tổ chức cứu người bị bệnh tâm thần.

Đại úy Tuấn bồi hồi kể: “Có thể nói, bởi cái tánh ham vui, tôi ít khi về nhà mà ở lại đơn vị với anh em. Chính vì vậy, tôi tham gia khá đầy đủ các vụ cứu hộ, cứu nạn. Khoảng xế trưa một ngày gần Tết năm 2004, chúng tôi nhận được tin có 1 người đang “lưu thông” trên mái vòm sân vận động Phú Thọ. Anh em lập tức đến hiện trường. Mái nhà cao như thế, nhưng không biết anh này leo ngả nào mà lên đó được.

Chúng tôi dùng xe thang để tiếp cận. Mình ở trên xe thang với đầy đủ dây an toàn mà còn thấy chóng mặt, vậy mà gã thanh niên đó đi tới, đi lui trên mái vòm khá bình thản. Khi phát hiện ra tôi, anh thanh niên bắt đầu chửi mắng và phun nước miếng. Cứ mỗi lần thang tiếp cận thì anh ta ra sức đạp. Mái vòm thì tròn và dĩ nhiên là trơn trợt. Qua cuộc “trao đổi” trên không đó, chúng tôi biết được anh ta đang trốn chạy một nhóm giang hồ, xã hội đen nào đó. Anh ta cứ một mực cho rằng tôi là một trong những tên sát thủ đang đi tìm để giết anh ta. Tôi ngầm trao đổi với đồng đội phương án tiếp cận”. Một đồng đội của Đại úy Tuấn lén leo lên xe thang và chịu trách nhiệm vận hành, còn anh Tuấn tiếp tục thuyết phục mình là người tốt và lên mái nhà để sửa chữa. Để chứng minh điều đó, Thượng úy Tuấn sẽ tự trói tay mình. Thượng úy Tuấn kể tiếp: “Anh ta đồng ý. Thời điểm đã đến, tôi tháo dây an toàn và trói tay mình. Đương nhiên là chỉ trói một tay thôi, còn tay kia thì chỉ quấn dây sơ sài. Cũng xin nhắc thêm, nghề cột dây là nghề của tụi tôi mà. Khi trói tay xong, tôi chìa 2 tay bị trói về phía anh ta để thu hút sự chú ý. Đúng như dự đoán, anh ta ngó chằm chằm vào… nùi dây nên không để ý cái thang từ từ tiếp cận. Khi vừa đúng khoảng cách, anh ta đưa tay chụp nùi dây thì cũng là lúc tôi nhào qua khống chế, anh bạn đồng đội đã hỗ trợ “áp giải” hắn xuống đất”. Có mấy ai ngờ được khi tiếp cận mặt đất, bỗng anh thanh niên òa khóc và xin lỗi rối rít khi thấy chiếc xe cứu thương đang bật đèn, còi chờ sẵn. Lúc này, anh em cứu hộ, cứu nạn mới biết mình vừa cứu sống một người điên trốn viện và trong suốt thời gian điều trị lúc nào anh ta cũng nghỉ mình là… cái bóng đèn!

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn tham gia diễn tập PCCC đường hầm Thủ Thiêm.

Con cá lạ trên dòng kênh Tân Hóa!

Được sự quan tâm của các cấp chính quyền thành phố, đến thời điểm này, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã cơ bản được trang bị quần áo, thiết bị chuyên dùng cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Khác xa với cách đây chục năm. Anh em ra quân chỉ với… lòng quyết tâm. Bởi lẽ, đồ lặn cũ, rách, bình hơi hết hơi thì phải vận hành về cơ quan để sạc. Tuy vậy, đến tận bây giờ CB-CS ở Phòng Cứu nạn - cứu hộ thuộc Cảnh sát PC&CC TPHCM hay Đội Cảnh sát Cứu hộ trước đó đều rất “ngán” con kênh Tân Hóa. Gọi là kênh, nhưng đây chính xác là một ao tù, nước đọng vì nước quanh năm vẫn vậy không hề di chuyển. Dọc theo bờ kênh là nhà máy sản xuất, nhà tạm bợ, chòi lá của người dân. Trăm thứ “hằm bà lằng” đều vô tư đổ xuống dòng kênh và gây ô nhiễm trầm trọng.

Cách đây vài năm, cũng vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, đơn vị cấp cứu được lệnh mò một nạn nhân tại dòng kênh này. Ông Nguyễn Văn Tốt - người nhái công tác từ trước giải phóng, được trưng dụng công tác tại đơn vị cứu hộ, cứu nạn. Ông Tốt vừa nghỉ hưu vào tháng 3-2016 -  cùng đồng đội lập tức lên đường. Đến nơi, ai nấy đều ngẩn ngơ vì dòng kênh đen thui và bốc mùi khó chịu, nhưng trách nhiệm thì phải làm. Lần lượt từng người trầm mình xuống dòng kênh đen ngòm đó. Sau gần một giờ triển khai phương án mò mẫm, các anh đã đưa được nạn nhân lên bờ. Tuy nhiên, khi các anh thợ lặn lên bờ thì mọi người tá hỏa. Như trên đã nói, do dòng kênh bị ô nhiễm nặng, nên các anh bị nước dơ ngấm. Người anh nào cũng trơn tuột, bóng lưỡng và dưới ánh nắng mặt trời chói chang thì ai cũng óng ánh như… con cá bảy màu. Anh em không biết xoay trở cách nào thì một bà má vội móc bịch xà bông Omo (vừa đi siêu thị, nhưng chưa kịp đem về vì… bận coi các anh thợ lặn vớt xác) và quăng xuống. Bà má nói tỉnh rụi: “Tụi bây tắm liền đi. Xà bông đó tốt lắm. Quần áo tẩy sạch trơn, huống hồ ba cái nước thúi đó!”. Các hộ dân gần đó liền xách thùng, xách thau… chuyển nước ra bờ sông. Buổi tắm tập thể cũng rầm rộ người hiếu kỳ xem không kém gì xem anh em mò xác chết. Kẹt nỗi, xà bông Omo có nhiều sút, xối nước hoài vẫn còn trơn tuột, nhưng được cái là anh em nào trông cũng… tề chỉnh hơn lúc vừa lên bờ!

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang chuẩn bị lặn tìm xác vụ chìm tàu Hoàng Đạt.

Những câu chuyện cứu người ở trên cao, dưới nước, trong đống đổ nát, đám cháy, sập hầm lò… của người lính cứu hộ, cứu nạn khá nguy hiểm, nhưng họ kể tỉnh rụi. Hình như đã quá quen rồi với những hiểm nguy. Và trên hết, cứu người bị nạn là nhiệm vụ thiêng liêng, dù là họ đang trong trạng thái nào đi chăng nữa. Đại tá Đặng Tiến Dũng, nguyên Trưởng Phòng Cứu hộ, cứu nạn - Cảnh sát PCCC TPHCM (vừa nhận quyết định nghỉ hưu tháng 3 năm 2016), tâm sự: “Theo thống kê, thì mỗi lần ra quân là mỗi lần lập được chiến công. Nhưng, thật sự anh em chúng tôi không mong đợi những chiến công như vậy đâu. Quanh năm, suốt tháng cầu mong sao cho mọi người dân quan tâm đến vấn đề phòng cháy và sinh hoạt. Anh em chúng tôi luôn sẵn sàng xuất phát và không nề hà gian khó trong việc hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp theo yêu cầu cấp thiết của người dân nhưng trong thâm tâm vẫn luôn mong mỏi sẽ không nhận được những cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ”.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục