Nhà văn Chu Lai:

"Chiến tranh vẫn là đề tài hấp dẫn nhất"

TÙNG SƠN (thực hiện)
"Chiến tranh vẫn là đề tài hấp dẫn nhất"

Nhà văn Chu Lai, tác giả của “Nắng đồng bằng”, “Vòng tròn bội bạc”, “Phố”, “Ăn mày dĩ vãng”, “Cuộc đời dài lắm”... là người luôn trăn trở với mảng đề tài cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam. Với kịch bản (KB) sân khấu “Khúc bi ai cuối cùng” (đoạt giải B, không có giải A, của Hội Sân khấu VN 2004) và KB điện ảnh “Tiếng cồng định mệnh” chuyển thể từ tiểu thuyết “Khúc bi tráng cuối cùng”, năm qua anh trở thành người viết “khỏe” nhất về đề tài này. Đặc san SGGP đã trò chuyện với anh.

"Chiến tranh vẫn là đề tài hấp dẫn nhất" ảnh 1

Nhà văn Chu Lai

- Thưa nhà văn Chu Lai, anh “thâm canh” tiểu thuyết của mình ở cả sân khấu và điện ảnh như thế có sợ “mang tiếng” không?

- Tiểu thuyết “Khúc bi tráng cuối cùng” của tôi xuất bản từ năm ngoái. Tôi đặt tên cho tác phẩm như vậy xuất phát từ suy nghĩ: cuộc chiến nào, dù thắng, dù thua cũng mang màu sắc bi kịch, vì đều có chết chóc và mất mát, nhưng bên cạnh cái bi còn là sự hoành tráng; bên cạnh sự mất mát đau thương còn là sự lãng mạn... Tôi ôm ấp ý tưởng viết tiểu thuyết này trong nhiều năm và đã soạn đề cương 60 trang để chuẩn bị viết 3 tập, mỗi tập 500 trang, kiểu như một bộ sử thi nhiều tập. Muốn viết được như thế phải “đóng cửa” 5 năm.

Năm ngoái, kỷ niệm 60 năm thành lập Quân đội nhân dân VN, Bộ Quốc phòng hiệu triệu các nhà văn viết về cuộc chiến đấu mang tầm vóc thời đại này. Tôi định dành thời gian viết 3 tập nhưng không kịp và cũng chưa thể tập trung ngồi viết, thế là tôi gói gọn trong một tập. Đồng thời lúc đó, cả sân khấu và điện ảnh Quân đội đều cần có tác phẩm hoành tráng. Cùng với văn học, đây là các “sân chơi” tôi vẫn “đá” lâu nay. Thế là tôi viết KB phim truyện “Tiếng cồng định mệnh” và KB sân khấu “Khúc bi ai cuối cùng”.

"Chiến tranh vẫn là đề tài hấp dẫn nhất" ảnh 2

NSƯT Hoàng Dũng trong vai tướng Tuấn.

- Tiểu thuyết đã khắc họa khá đậm nét hình ảnh những người phía bên kia, tiêu biểu là tướng Tuấn. Vậy anh lấy tư liệu từ đâu?

- Tôi chủ yếu sử dụng tư liệu lịch sử từ năm 1945 đến nay để viết. Đầu tiên, tôi không chỉ gói gọn ở chiến dịch Buôn Ma Thuột mà định đưa các nhân vật “hành quân thần tốc” đến Nha Trang, Xuân Lộc rồi mới vào Sài Gòn. Còn tướng Phú, nguyên mẫu của tướng Tuấn trong tiểu thuyết, là người Bắc, tôi nghiên cứu về nhân vật này qua sách vở.

- Tiểu thuyết của anh đem đến một cách nhìn mới về phe đối lập trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam. Đó có phải là dụng ý của anh “đẩy” kẻ thù lên cao để nhấn mạnh ý nghĩa lớn lao những chiến thắng của ta?

- Đánh giá thế nào là quyền của người đọc. Còn tôi thấy rằng: viết về chiến tranh phải phản ánh như nó vốn có, tô hồng hoặc bôi đen; hạ thấp kẻ địch hoặc đề cao mình quá đáng đều đem lại cảm xúc giả tạo. Tướng ngụy Tuấn chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên trong tiểu thuyết được tôi xây dựng là một người biết yêu và dám chết vì tình yêu. Đặt nhân vật này trong hệ quy chiếu nhân văn thì đó là những tính cách đẹp, nhưng trong hệ quy chiếu xâm lược thì đó là nhân vật phản nghịch. 2 con người, về tính cách có thể giống nhau nhưng chịu ảnh hưởng của những hệ tư tưởng khác nhau thì có những kết cục khác nhau.

- Việc tạo dựng những tình tiết như: một mối tình tay ba giữa 3 người bạn học thân thiết rồi trở thành kẻ thù của nhau, và một gia đình có anh trai đi lính ngụy, em gái là cộng sản... trong tiểu thuyết nhằm dụng ý gì?

- Tôi hư cấu như vậy hoàn toàn dựa trên cơ sở lịch sử: sự xâm lăng của ngoại bang đã phân hóa các gia đình trong Nam, ngoài Bắc. Anh, em, bà con mỗi người mỗi ngả, mỗi số phận, mỗi mục đích, lý tưởng... dưới sự can thiệp thô bạo của chính quyền Mỹ lúc đó. Vì thế, vai trò và tội ác của Mỹ không thể bỏ qua.

Một nguyên lý khi viết truyện về đề tài sử thi: nếu nặng về xây dựng và phản ánh các tình tiết mang không khí sử thi thì số phận của nhân vật, của lịch sử dễ trở nên mờ nhạt. Nếu viết trần trụi về chiến tranh thì cũng không ai đọc cả. Tôi muốn để các nhân vật chằng chịt giữa các mối quan hệ, các sự kiện: con đi tìm cha, anh tìm em, chồng tìm vợ, tất nhiên cũng không ngoài mục đích nhằm tăng tính hấp dẫn cho tác phẩm.

- Dường như mảng đề tài chiến tranh không còn hấp dẫn với các độc giả hiện nay, nhất là lớp trẻ?

"Chiến tranh vẫn là đề tài hấp dẫn nhất" ảnh 3

Cảnh trong phim “Tiếng cồng định mệnh”. Ảnh: T.L.

- Văn hóa đọc bắt đầu trở lại khi tiếng gào của dạ dày trở nên yên ả hơn. Tôi tin, sinh viên đọc lại “Nắng đồng bằng”, “Ăn mày dĩ vãng”... vẫn xúc động. Chiến tranh vẫn là đề tài hấp dẫn nhất. Tôi coi đó là chất dung dịch làm hiện lên tất cả màu sắc, đường nét của cuộc sống, ở đó, cái thiện - cái ác càng bộc lộ rõ.

Trong hoàn cảnh điển hình như vậy, con người lộ rõ mình là ai. Văn học phản ánh rõ nét số phận con người. Viết về chiến tranh không chỉ để nói về chiến tranh mà muốn gợi cái gì đó sâu thẳm hơn, đi vào chiều sâu tâm hồn người đọc hơn.

- Vì sao không ít nhà văn đã vào sinh, ra tử, đã trải qua những năm tháng hào hùng của lịch sử nhưng vẫn thiếu vắng những tác phẩm văn học về mảng đề tài này và chưa thật sự có những tác phẩm tương xứng với tầm vóc lịch sử?

- Nếu người nào đi qua chiến tranh rồi trở về cũng viết được về chiến tranh thì chưa hẳn đã là điều hay. Viết là duyên phận. Ngay cả khi ngồi vào bàn thì vẫn có thể “nửa đường đứt gánh” như chơi. Cuộc chiến tranh đã lùi xa nhưng tôi nghĩ cảm xúc của người viết vẫn còn, tư liệu cuộc sống cũng ngồn ngộn. Việc chưa có tác phẩm tương xứng với tầm vóc của lịch sử và sự kiện lịch sử, cái chính là do tài của người viết. Tất nhiên, còn nhiều nguyên nhân nữa...

- Xin cảm ơn anh.

TÙNG SƠN (thực hiện)
 

Tin cùng chuyên mục