Qua đường dây nóng, nhiều bạn đọc Báo SGGP bức xúc phản ánh hiện tượng một số trung tâm bảo hành xe máy chính hãng cố ý vẽ ra đủ thứ “bệnh” của xe để tính phí bảo dưỡng, thay thế phụ tùng với giá cao. Khi mang xe máy đi sửa tại các trung tâm bảo hành có uy tín, người tiêu dùng thường tốn kém khá nhiều so với dự tính. Tất nhiên phía hãng xe sẽ cho rằng nhân viên của họ muốn xe khách hàng được vận hành thật ổn định, an toàn. Một đại diện kinh doanh thương hiệu xe máy uy tín tại TPHCM cũng thừa nhận, vì lợi nhuận, áp lực kinh doanh, không hiếm nhân viên trung tâm bảo hành chính hãng tung ra đủ chiêu trò làm tiền khách hàng.
Bạn đọc Nguyễn Thị Ánh, sinh viên Đại học Văn hóa TPHCM, bất bình vì bị tính phí vô lý khi gắn chiếc chân chống nghiêng cho xe tay ga Atilla tại một trạm chuyên doanh, bảo hành xe máy trên đường Hồng Bàng (quận 5, TPHCM). Theo chị Ánh, giá tham khảo từ nhân viên sửa xe tại trung tâm chỉ khoảng vài chục ngàn đồng một chiếc chân chống nhưng khi báo giá lại là 111.000 đồng. Chưa kể, trong quá trình thay chống nghiêng, chị Ánh phải trả thêm tiền lò xo chân chống giá 15.000 đồng. Lẽ ra chân chống mới phải đương nhiên có sẵn lò xo. Chị Ánh thắc mắc với nhân viên bán hàng và nhận được trả lời: “Đó là quy định công ty”. Như vậy, số tiền phải trả gồm cả tiền công cho chiếc chân chống nghiêng lên tới 159.000 đồng.
Bạn đọc Nguyễn Trung (cư xá Bắc Hải, quận 10, TPHCM) cũng phản ánh: Tôi thường xuyên đem chiếc xe Sirius đi bảo dưỡng định kỳ tại trung tâm bảo hành chính hãng, nhưng đôi khi tâm lý bị chao đảo. Tôi thay bình đề Sirius được gần 3 tháng, sau đó xe vẫn khó đề nên tới trung tâm nhờ kiểm tra.
Lời khuyên từ nhân viên là anh Trung nên… thay bình đề vì đã hư. Tuy nhiên, sau khi anh Trung cho biết bình mới thay ngay tại trung tâm bảo hành này thì nhân viên lại nói rằng không cần thay bình mà chỉ sạc là được.
Trên thực tế, người đi xe máy bị thợ sửa xe máy “vẽ bệnh” để lấy tiền là chuyện phổ biến. Dễ gặp nhất là các tiệm sửa xe lề đường. Chính vì tâm lý sợ bị thợ sửa xe móc túi vô tội vạ nên nhiều người đi xe máy đã tìm đến các trung tâm bảo hành chính hãng với hy vọng có nơi sửa xe uy tín, tin cậy, tử tế, an toàn. Thế nhưng không phải trung tâm bảo hành nào cũng làm việc có uy tín và trách nhiệm.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, những bức xúc đối với những nơi bảo hành xe mà người tiêu dùng phản ánh là có thực, xảy ra hàng ngày. Nhưng để xử phạt các đối tượng “móc túi” khách hàng không dễ. Do vậy, tốt nhất, người tiêu dùng nên có thỏa thuận trước, bằng miệng hoặc văn bản trong việc sửa chữa, bảo hành xe. Từ đó làm căn cứ để trả tiền cho trung tâm bảo hành. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên yêu cầu bên cung cấp dịch vụ ghi rõ thời gian bảo hành, xuất xứ sản phẩm, cảnh báo an toàn nếu có.
NGÂN HẠNH