Quốc hội tiếp tục chất vấn các bộ trưởng

4 bộ trưởng làm “nóng” nghị trường

4 bộ trưởng làm “nóng” nghị trường

Hôm qua 17-11, Quốc hội đã có một ngày làm việc khá căng thẳng với 4 bộ trưởng các bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Giá cả, đời sống của nông dân và bức tranh nông nghiệp, nông thôn, nông dân cùng với các giải pháp hạn chế tai nạn, ùn tắc giao thông đã được Quốc hội “mổ xẻ”...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Giảm thuế chỉ giảm được một phần giá

4 bộ trưởng làm “nóng” nghị trường ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh

Vấn đề trọng tâm được đặt ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh là giá cả hàng hóa trong bối cảnh 10 tháng đầu năm chỉ số giá tiêu dùng đã lên tới 8,12%, ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng.

Từ những thực tế trên, các ĐB Đặng Văn Xướng (Long An), ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) đề cập đến thực tế tại sao giảm thuế nhiều mặt hàng nhưng giá vẫn không giảm và trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc này.

Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, giá cả tăng do vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài tăng rất cao. Đồng thời để đảm bảo áp lực không tăng giá quá cao, Chính phủ đã chỉ đạo ngành ngân hàng và ngành tài chính điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài chính để thu hút tiền trên lưu thông về, giữ ổn định lãi suất chỉ đạo của Việt Nam và điều chỉnh tăng dự trữ bắt buộc.

Về vấn đề giảm thuế, tại sao giảm thuế mà giá lại không giảm như ý muốn, vì thuế cũng chỉ là một trong các giải pháp để điều hành giá. Trong thời gian vừa qua, giá có tăng nên sau khi xem xét cung cầu của hàng hóa trong nước và cả nhu cầu của sản xuất trong nước với nhập khẩu, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giá, giảm thuế một số nhóm mặt hàng, trong đó có 18 nhóm mặt hàng chủ yếu là những hàng liên quan đến nhập khẩu đầu vào của sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thuế chỉ là một phần trong giá, chứ không phải xử lý được tất cả.

Chẳng hạn, nếu giá phôi thép tháng 8 chỉ ở mức 500-530 USD/tấn, đến tháng 9, tháng 10 đã tăng tới 580-595 USD/tấn. Như vậy, giá đã tăng 70-80 USD/tấn, trong khi đó, thuế hạ 3% thì giảm chỉ được 15-16 USD/tấn. Nguyên liệu sữa cũng tăng từ 30%-120% tùy theo loại nguyên liệu, nhưng thuế chỉ chiếm 6,4%-7% trong giá vốn, giảm thuế thì giảm được giá 3%-4%, nhưng đến cuối năm, nguyên liệu sản xuất sữa đã tăng lên gấp đôi, từ 2.500 USD/tấn tăng đến 5.500 USD/tấn... “Như vậy cũng có thể chứng minh rằng, trong việc hạ thuế thì góp phần vào việc hạ giá, chứ không phải là giải pháp duy nhất để có thể hạ toàn bộ giá mà trên thế giới đã tăng lên”, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói.

Đồng tình với việc thuế chỉ là phần trong giá hàng hóa nhưng ĐB Võ Tiến Trung (Phú Yên) nhấn mạnh, vừa qua đã phát hiện nhiều doanh nghiệp đã được miễn thuế, đã được giảm thuế nhưng vẫn không giảm giá hàng, tức là họ ăn chặn bớt của người mua, của người dân. “Bộ trưởng có kế hoạch tham mưu cho Chính phủ thu hồi loại thuế này không? Và xử lý các doanh nghiệp này như thế nào để giữ kỷ cương phép nước?”, ĐB Trung chất vấn.

Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, vừa qua Bộ Tài chính đã phối hợp các địa phương kiểm tra chi phí cộng với thuế, giá, đã phát hiện ra một số trường hợp được giảm thuế nhưng không giảm giá và đã phạt. Đồng thời thu hồi khoản chênh lệch thuế được miễn giảm về ngân sách nhà nước. Sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát này, đại bộ phận các doanh nghiệp cam kết để thực hiện ưu đãi này.

Trước ý kiến của các ĐB về kiềm chế tăng giá, có tác động trực tiếp đến nông dân còn ít, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, điều hành giá cũng phải trên tinh thần nguyên tắc thị trường. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, sắp tới những gì liên quan trực tiếp đối với nông dân, thì cố gắng bằng phương thức xử lý trực tiếp, không làm việc hỗ trợ gián tiếp qua giá. Ví dụ hiện nay đối với giá dầu, chúng ta chưa điều chỉnh, đang bao cấp một cách tràn lan, bao cấp như vậy cũng không đúng.

Vì vậy, Chính phủ sẽ xem xét đối với những vùng không có điện, phải tăng hỗ trợ về dầu lên, cấp không cho dầu thắp sáng. Đối với những trường hợp như ngư dân, trong sản xuất cần dầu diezel để đi đánh cá xa bờ thì Nhà nước phải tăng cường đầu tư, thông qua các chương trình của Nhà nước như chăm lo vào các dịch vụ hậu cần của nghề cá, nhằm đáp ứng yêu cầu giảm chi phí khai thác, chi phí đánh bắt.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng:
Giảm ùn tắc, tai nạn giao thông: Vấn đề căn bản là hạ tầng, quy hoạch giao thông

4 bộ trưởng làm “nóng” nghị trường ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng

Phần chất vấn Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng được nhiều ĐBQH đặc biệt quan tâm với hơn 30 câu hỏi, trong đó có những vấn đề nóng, mang tính thời sự hiện nay như giảm tai nạn, chống ùn tắc giao thông.

ĐB Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) quan tâm đến con số 75,8% số vụ tai nạn giao thông trên cả nước bắt nguồn từ phương tiện cá nhân như mô tô, xe gắn máy. Trong khi đó, tốc độ gia tăng các phương tiện cá nhân này cao, đến nay cả nước đã có trên 20 triệu xe gắn máy. Đâu là giải pháp hữu hiệu cho việc hạn chế tai nạn giao thông?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận, đây là thực trạng đáng lo ngại và để giải quyết tai nạn giao thông bắt nguồn từ các phương tiện này, cần nhiều giải pháp và đã được đề cập trong Nghị quyết 32 của Chính phủ như: tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân; kiên quyết xử phạt. Hiện nay, các biện pháp này đã được triển khai. Ở Hà Nội đã đưa các khẩu hiệu trên đường phố, mức xử phạt đã tăng lên nhiều lần, nhiều mức trước chỉ phạt 20.000 đồng nay đã tăng lên 100.000-150.000 đồng và tạm giữ phương tiện.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, đây chỉ là những giải pháp cấp bách, còn về lâu dài phải tính tới khả năng kiềm chế, giảm xe gắn máy ở các đô thị lớn bằng cách tăng các loại phí (như trước bạ, đóng phí bảo trì đường bộ, phí môi trường,...), kết hợp phát triển giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm để người dân tham gia sử dụng.

Đồng tình với chủ trương kiềm chế tai nạn giao thông theo Nghị quyết 32, song ĐB Nguyễn Như Đông (Bắc Ninh) lại không đồng tình với quy định về đội nón bảo hiểm vì cũng không giảm được tai nạn giao thông do chất lượng nón bảo hiểm còn thấp. Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, quy định về đội nón bảo hiểm đã được đề cập cách đây vài năm và đã áp dụng trên một số tuyến đường. Ở nhiều nước trong khu vực cũng có quy định bắt buộc đội nón bảo hiểm như ở Lào, Thái Lan,... Theo thống kê, sau 3 tháng thực hiện, tỷ lệ chấn thương sọ não đã giảm 40%-50%.

Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Đức Nhanh (Hà Nội), Bộ trưởng GT-VT chỉ mới nhấn mạnh tới các giải pháp như tuyên truyền, xử phạt, đội nón bảo hiểm song những giải pháp cơ bản như hạ tầng giao thông, quy hoạch giao thông, hạn chế các phương tiện cá nhân mới là giải pháp lớn giảm thiểu tai nạn. “Việc tăng các phương tiện giao thông công cộng như xu buýt, tàu điện ngầm thì còn lâu mới thực hiện được, và khó giải quyết được tai nạn giao thông hiện nay. Tôi muốn hỏi Bộ trưởng, vào năm 2008 cũng như các năm sau, Bộ GT-VT có tham mưu cho Chính phủ giải quyết cơ bản các vấn đề này như thế nào?”, ĐB Nhanh chất vấn.

4 bộ trưởng làm “nóng” nghị trường ảnh 3

Đại biểu Trần Văn Hùng (TPHCM) chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải.

Đồng ý với ĐB Nguyễn Đức Nhanh về vấn đề quy hoạch, hạ tầng giao thông mới là giải pháp lâu dài, song trong phần trả lời của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng chỉ đề cập đến các giải pháp chung chung như: cần phải xây dựng hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, ưu tiên đầu tư đúng mức hạ tầng giao thông có quy mô đường cao tốc kết nối các trung tâm đến các tỉnh, thành khác để giải thoát lưu lượng giao thông.

Vấn đề được các ĐB Trần Văn Hùng (TPHCM), Lương Phan Cừ (Đăk Nông), Nguyễn Đức Nhanh (Hà Nội),... đặt ra là việc ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại Hà Nội và TPHCM mà chưa có giải pháp tháo gỡ, nhiều quy hoạch giao thông chưa hoàn chỉnh, quỹ đất dành cho giao thông thấp... Trong khi đó, đây là vấn đề được cảnh báo nhiều lần. Vậy trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?

Theo Bộ trưởng, Bộ GT-VT chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn giao thông, quản lý phương tiện vận tải... Bộ Công an hướng dẫn xử lý, cưỡng chế; chính quyền các cấp chịu trách nhiệm giao thông trong đô thị. Việc ùn tắc giao thông, Bộ GT-VT không thể xuống địa phương phân luồng xử lý. Do đó, các địa phương phải xây dựng phương án chống ùn tắc, Bộ GT-VT cũng sẽ phối hợp để xử lý. Cũng theo Bộ trưởng, việc phát triển các phương tiện công cộng cũng liên quan đến kết cấu hạ tầng như đường cho xe buýt, tàu điện ngầm. Để làm được việc này nếu có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thì HĐND, UBND các tỉnh hoàn toàn có thể chủ động được.

  • Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát:
    Đưa công nghiệp về với nông thôn để “ly nông bất ly hương”

Bước vào phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã nhắc lại lời hứa của mình tại phiên trả lời chất vấn của Quốc hội lần trước (tháng 11-2006) gồm: phối hợp để điều tra và đề xuất với Chính phủ giảm nhẹ đóng góp của nông dân; phối hợp xây dựng đề án tổng thể về vấn đề nông nghiệp nông dân, nông thôn; xem xét về vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch thủy lợi ở bán đảo Cà Mau; xem xét cây dó bầu do Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh đã nêu. Bộ trưởng khẳng định, đã chỉ đạo các ngành chức năng của Bộ giải quyết cả 4 vấn đề nêu trên.

4 bộ trưởng làm “nóng” nghị trường ảnh 4

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát

Thu nhập và đời sống của bà con nông dân là vấn đề được các cử tri rất quan tâm. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện nay chưa có số liệu điều tra cụ thể về thu nhập của nông dân so với hộ thành thị trong năm 2007. Nhưng thực tiễn cuộc sống cho thấy rõ ràng, thu nhập của bà con nông dân thấp hơn và tăng chậm hơn so với thu nhập của cư dân ở các thành thị.

Mặc dù thu nhập của nông dân không chỉ từ nông nghiệp, nhưng nông nghiệp là nguồn sống chính của 73% dân số lại chỉ tăng 3,5%-4%/năm. Còn công nghiệp và dịch vụ cũng như kinh tế đô thị nói chung, tăng trưởng cao hơn gấp nhiều lần, thì nguy cơ gia tăng, chênh lệch thu nhập và đời sống giữa nông thôn và thành thị là có thực.

Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương để khắc phục. Trong năm 2007, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp rất cụ thể như: rà soát, miễn, giảm các khoản đóng góp của nông dân như thủy lợi phí và nhiều khoản đóng góp khác; thực hiện các biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch bệnh, dịch cúm gia cầm, heo tai xanh, lở mồm long móng, nhờ vậy đã hạn chế được rất nhiều thiệt hại cho nông dân. Đồng thời với các biện pháp trước mắt, Chính phủ đã triển khai các biện pháp điều chỉnh trong cơ cấu phương thức sản xuất nông nghiệp, từng bước tăng cường năng lực của hệ thống thú y, bảo vệ thực vật để từng bước đủ sức phòng, chống dịch bệnh lâu dài…

ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đưa ra một câu hỏi khá “hóc búa”: Bộ trưởng có thể phác họa bức tranh của nền kinh tế nông thôn Việt Nam đến năm 2020? Lúc nào Bộ trưởng có thể thay đổi được hình ảnh “Con trâu đi trước, cái cày theo sau” của nông thôn Việt Nam?

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, bức tranh nông nghiệp nông thôn Việt Nam đến năm 2020 và bao giờ thì thay thế được “con trâu đi trước, cái cày theo sau” là vấn đề rất lớn. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang xây dựng đề án, dự kiến đến ngày 30-12- 2007 sẽ có dự thảo lần đầu để lấy ý kiến của các địa phương, các nhà khoa học ở trong nước để có những quyết sách thực sự mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao nhanh hơn đời sống của bà con nông dân.

Chưa hài lòng với câu trả lời,ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) tiếp tục “truy”: “Tôi muốn biết được từ Bộ trưởng một tư duy đột phá và bức tranh phác họa vài nét thôi, không cần phải đề án, tôi không biết đề án ở đâu? Tôi muốn tư duy Bộ trưởng phác họa cho chúng tôi biết được bức tranh của nông thôn Việt Nam”. Thế nhưng, đáp lại câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, câu hỏi rất lớn và cũng rất rộng, đã liệt kê một số chương trình cụ thể mà Bộ đang chỉ đạo, nếu đi quá chi tiết sợ làm ảnh hưởng tới thời gian của Quốc hội.

Quan tâm đến vấn đề nông dân bỏ ruộng, ĐB Nguyễn Hạnh Phúc (Thái Bình) chất vấn về những giải pháp trước mắt và lâu dài để tình trạng này không trở thành phổ biến. “Đúng là cũng có hiện tượng này ở một số nơi, nhưng nó có hai vế” – Bộ trưởng Cao Đức Phát phân tích. Thứ nhất, ở những nơi điều kiện về đất đai và cơ sở hạ tầng còn khó khăn, sản xuất cây lúa hiệu quả thấp. Trong khi đó, công nghiệp, dịch vụ đang phát triển rất mạnh, tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm với thu nhập cao. Một ngày công ở đô thị có thể là vài chục nghìn đồng, trong khi đó 1 sào lúa, một vụ giỏi thì cũng chỉ được vài trăm nghìn đồng. Nên sức hấp dẫn đi tìm công ăn việc làm ở khu vực phi nông nghiệp cũng cao hơn, thanh niên thường có xu thế đi về các thành phố. Vừa rồi, trong cơn bão số 5 để gặt chạy lũ, tỉnh Thanh Hóa phải huy động bà con thì thấy chúng ta đang rất thiếu lao động vì những người trẻ khỏe đã đi về các thành phố.

Vì thế, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu lên hai giải pháp: Thứ nhất, là tiếp tục tạo điều kiện để cho bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất trên đồng ruộng của mình bằng cách đưa giống, đưa kỹ thuật, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng. Thứ hai là sẽ tiếp tục điều chỉnh cơ chế, chính sách, tạo điều kiện đưa công nghiệp về với nông thôn để “ly nông bất ly hương”.

Trong hơn 105 phút có 15 đại biểu nêu câu hỏi và đã được Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời từng câu hỏi một. Có 4 đại biểu chưa bằng lòng với trả lời của Bộ trưởng cũng đã nêu lại câu hỏi và có trao đổi thêm. Do vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân khá bức xúc nên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã phải “gút” lại vấn đề bởi trong các vấn đề nêu ra, chưa được tập trung vào 2 chủ đề mong muốn là tình hình thu nhập và đời sống của nông dân, nông dân khắp các vùng trên cả nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, qua các buổi chất vấn và trả lời chất vấn hôm nay, Bộ trưởng tiếp tục đào sâu suy nghĩ để có những tổng kết thực tiễn và có những giải pháp giải quyết từng loại vấn đề cho mạch lạc.

  • Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng:
    Còn nhiều hạn chế về dự báo tác động hai chiều của việc gia nhập WTO
4 bộ trưởng làm “nóng” nghị trường ảnh 5

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng

So với các Bộ trưởng tham gia chất vấn kỳ này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là người nhận được ít câu hỏi chất vấn nhất. Trả lời vấn đề được nhiều ĐBQH và cử tri quan tâm về nhập siêu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: “Chưa có biểu hiện bất hợp lý giữa nhập cho sản xuất, cho đầu tư với nhập cho tiêu dùng. Theo số liệu thống kê, trong 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu cho tiêu dùng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu vào khoảng 2 tỷ USD so với con số mà chúng tôi đã báo cáo là trong 10 tháng là 47,9 tỷ USD.

Ngoài ra, tình hình nhập khẩu 10 tháng còn chịu sự tác động bởi việc tăng giá rất lớn của thị trường thế giới. Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu đều tăng giá so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng 5 mặt hàng nhập khẩu là sắt, thép, chất dẻo, xăng dầu, phân bón và sợi đã làm cho giá trị nhập khẩu tăng trên 1 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm.

Tuy việc nhập khẩu và nhập siêu trong 10 tháng vừa qua là rất cần thiết và tương đối hợp lý, nhưng Bộ Công thương cũng nhận thấy, có rất nhiều hạn chế về dự báo thị trường, về dự báo nhu cầu của nền kinh tế nói chung và dự báo tác động hai chiều của việc gia nhập WTO đối với hoạt động ngoại thương nói riêng”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: Căn cứ vào khả năng chúng ta có thể xuất khẩu trong giai đoạn tới đây với số tăng trưởng nhanh, có thể hàng điện tử, lắp ráp máy tính, dây cáp điện - những mặt hàng này đã xây dựng và phát triển rất nhiều các cơ sở bằng vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài, sản xuất những mặt hàng, những linh kiện này tại trong nước nên có thể hạn chế phần nhập khẩu trực tiếp từ bên ngoài và sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu ra bên ngoài.

“Các giải pháp mới để xúc tiến thương mại ở nước ta trong giai đoạn hiện nay khi đã chính thức gia nhập WTO và đề nghị nên có những định hướng cụ thể từng mặt hàng nông sản của từng vùng, miền, để đẩy nhanh xúc tiến thương mại xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới” là vấn đề được ĐB Huỳnh Thị Hoài Thu (Đồng Tháp) đặt ra với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

“Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi cho rằng những việc mà chúng ta đã làm được trong hoạt động xúc tiến thương mại chưa đủ. Nhất là tác dụng, hiệu quả đối với việc giúp cho các địa phương xúc tiến thương mại cũng còn rất nhiều hạn chế” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận “khuyết điểm”. Trong bối cảnh chúng ta gia nhập WTO thì hoạt động xúc tiến thương mại cần phải được bổ sung và có thay đổi về phương thức. Theo đó thì hoạt động xúc tiến thương mại phải bám sát đến từng hộ sản xuất; sẽ tăng cường thêm các hoạt động hội trợ triển lãm giúp cho các doanh nghiệp, giúp cho các hộ sản xuất có điều kiện tiếp cận với thị trường”. 

HÀ MY – VIỆT LAN

Tin cùng chuyên mục