Chờ đợi sự bùng nổ

Tuần qua, câu chuyện bản quyền giải bóng đá ngoại hạng Anh (EPL) lại nóng lên khi Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã gửi công văn tới Văn phòng Chính phủ và Bộ TT-TT phản đối việc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chấp thuận cho K+ mua độc quyền EPL. Những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ PayTV như: VTC, AVG, Viettel đều lên tiếng yêu cầu VTV giải thích với tư cách là đài truyền hình quốc gia, chiếm số vốn 51% trong liên doanh VSTV (cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh K+), chịu trách nhiệm kiểm duyệt nội dung, được Bộ TT-TT cấp giấy phép sản xuất kênh chương trình, lại đồng ý để VSTV chi gần 40 triệu USD mua bản quyền phát sóng EPL giai đoạn 2013 - 2016. Đây là con số cao gấp nhiều lần so với các mùa giải trước, gây thất thoát ngoại tệ của đất nước, tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, không tin tưởng nhau giữa các đơn vị hoạt động truyền hình tại Việt Nam.

Những câu hỏi được nêu ra: có hay không việc VTV đã có chủ trương mua độc quyền bản quyền phát sóng EPL chỉ vì lợi ích các doanh nghiệp của mình, không vì lợi ích chung của đất nước? Có hay không việc VTV đã cố tình kéo dài thời gian, không trung thực với dư luận và các đơn vị hoạt động truyền hình khác và không chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Bộ TT-TT trong việc đàm phán mua bản quyền phát sóng EPL tại Việt Nam? Có thể khẳng định, PayTV ở Việt Nam hiện nay đang ở thời kỳ cạnh tranh quyết liệt với đủ các loại hình: cáp, vệ tinh, số mặt đất, IPTV. Trong đó, vấn đề bản quyền các giải bóng đá lớn của thế giới như EPL, có vai trò quyết định khi cạnh tranh, mở rộng thị phần. Là liên doanh giữa VTV và Canal+, từ ngày ra đời đến nay, K+ gần như đã liên tiếp nắm bản quyền hầu hết các giải bóng đá hấp dẫn nhất thế giới như Anh và Tây Ban Nha. Điều này khiến những nhà cung cấp PayTV khác như VTC, AVG phải đàm phán, mua lại từ K+ để được phát các trận bóng đá trên hệ thống của mình. Vì thế, cho dù giá thuê bao hiện nay đắt nhất thị trường, nhưng với lợi thế độc quyền giải bóng đá Anh và Tây Ban Nha, K+ vẫn phát triển được thị phần khá đều đặn.

Sau hơn 1 năm xin phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, với rất nhiều dư luận trái chiều, mới đây Viettel đã được Bộ TT-TT cấp phép với thời hạn 5 năm. Cùng với Viettel, hiện nay VNPT và FPT cũng đang xin phép được tham gia thị trường này. Một câu chuyện thú vị trong mối quan hệ giữa VTV và Viettel. Trước đây, 2 đơn vị này đã ký kết hợp tác toàn diện, nhưng gần 2 năm nay, khi Viettel chính thức có kế hoạch cung cấp dịch vụ PayTV, VTV đã chủ động “hủy bỏ” mối quan hệ đó. Thậm chí, lãnh đạo VTV xác định, Viettel chính là đối thủ lớn nhất của mình trong việc cung cấp, phát triển dịch vụ PayTV.

Theo số liệu của Bộ TT-TT, hiện nay Việt Nam có hơn 20 triệu hộ gia đình, nhưng lượng thuê bao PayTV chỉ có khoảng 4,5 triệu (bao gồm cả truyền hình số vệ tinh, số mặt đất và cáp). Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2015 sẽ có khoảng 30% - 40% số hộ gia đình có thể xem dịch vụ PayTV; đến năm 2020, con số đó phải đạt 60% - 70%. Đến năm 2020, dự báo doanh thu PayTV ở Việt Nam sẽ đạt khoảng 800 triệu đến 1 tỷ USD. Những con số ấn tượng này đã thật sự hấp dẫn các nhà khai thác viễn thông, những người có nhiều lợi thế khi được phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp hay IPTV, bởi họ có lợi thế cung cấp nhiều dịch vụ trên cùng một hạ tầng và có thể nhanh chóng phổ cập dịch vụ truyền hình và internet băng rộng đến từng hộ gia đình. Bộ TT-TT cho biết, hiện nay 80% nông thôn chưa có truyền hình trả tiền, chưa có hệ thống truyền dẫn của các đài truyền hình. Trong khi đó những doanh nghiệp như Viettel và VNPT đều có hệ thống cáp viễn thông đến hầu hết vùng nông thôn.

Với truyền hình cáp, Việt Nam hiện có khoảng 3 triệu thuê bao và phần lớn nằm trong tay VTV và các đối tác liên kết. Như vậy, chưa đến 15% hộ gia đình của Việt Nam được sử dụng dịch vụ này sau gần hơn 9 năm phát triển. Trong 3 năm qua, Truyền hình cáp Việt Nam (thuộc VTV và đang nắm khoảng 70% thị phần dịch vụ truyền hình cáp) đã tăng giá dịch vụ lên 3 lần. Đây là mức tăng cao hiếm thấy của một loại hình dịch vụ được xem là thiết yếu và mức giá 110.000 đồng/tháng/tivi hiện nay không phải là mức có thể tiếp cận với đông đảo hộ gia đình ở Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều người đang kỳ vọng Viettel sẽ làm được điều mà họ đã từng làm trong dịch vụ di động là làm bùng nổ thị trường truyền hình cáp với dịch vụ giá rẻ. Từ đó, truyền hình cáp chất lượng cao có thể đến được vùng sâu, vùng xa, phổ cập đến các hộ gia đình ở Việt Nam. Nếu VNPT và FPT được tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình cáp nữa, chắc chắn điều này sẽ sớm xảy ra!

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục