Chợ lâm sản cầu Cốc (Thanh Hóa) ô nhiễm

Chợ lâm sản cầu Cốc (Thanh Hóa) ô nhiễm

Sông cầu Cốc chạy qua TP Thanh Hóa có chiều dài 18km, trong đó có 3 km  chảy  qua 3 phường Lam Sơn, Đông Sơn và Đông Hương. Khúc sông chạy qua 3 phường này đang bị chợ lâm sản cầu Cốc gây ô nhiễm nghiêm trọng và nghiêm trọng hơn, nhiều hộ kinh doanh lâm sản tự do tập kết tre luồng trên sông, đoạn sông biến thành… “ao tù”.

Sông biến thành “ao tù”…

Chợ lâm sản cầu Cốc được thành lập hơn 20 năm, trong khi bãi tập kết tre luồng trên sông cầu Cốc đã có hơn 70 năm. Một số hộ kinh doanh lâm sản ở đây tự nhận họ là “làng nghề truyền thống!”.

Luồng ngâm bao vây mặt sông cầu Cốc

Luồng ngâm bao vây mặt sông cầu Cốc

Nhưng khi tìm hiểu thì chưa có một cơ quan chức năng nào xác nhận đây là làng nghề truyền thống kinh doanh lâm sản.   

Chợ lâm sản cầu Cốc hiện có 14 hộ kinh doanh tre luồng và các sản phẩm từ tre luồng. Nhưng phần lớn các hộ không đăng ký giấy phép kinh doanh. Hàng trăm mảng bè lớn nhỏ đang “lấn át” mặt sông và đáy sông khiến tàu thuyền lưu thông trên đoạn sông này hầu như bị tê liệt.

Kinh doanh trên sông cho nên khi mùa khô đến (từ tháng 11 đến tháng 4), đáy sông cũng phô hết sinh hoạt, các phế phẩm của chợ lâm sản… Hàng ngày, mùi luồng ngâm bốc hôi thối khắp nơi, người qua cầu Cốc đều phải bịt mũi vì không thể chịu nổi mùi thối, còn bà con sống ven sông phải đóng tất cả các cửa để mùi thối không tràn vào trong nhà.

Cô Nguyễn Thị Tích, nhà cạnh cầu Cốc than phiền: “Con sông trước đây vốn là dòng chảy, được nhiều người tắm giặt, nhưng gần  20 năm nay dòng nước bị bí lại do mảng luồng, đáy sông thì đầy các thanh luồng, thanh nứa…rất nguy hiểm cho ngư dân làng chài khi qua đây đánh bắt cá…

Còn bà Nguyễn Thị Xanh, ở phường Đông Hương cho biết: “Dòng sông đang bị những hộ kinh doanh lâm sản biến thành “ao” để tập kết luồng từ các nơi về mà không có ai quản lý”.

Theo quan sát của chúng tôi, các mảng bè luồng của 14 hộ kinh doanh chiếm giữ cả khúc sông, dòng chạy bị chặn, giao thông trên sông theo đó cũng tê liệt luôn.

Cần sớm di dời!

Được biết năm 1996, UBND TP Thanh Hóa đã có kế hoạch di chuyển chợ lâm sản cầu Cốc sang phía Đông cầu Cốc (cũng thuộc địa phận phường Đông Sơn). Tại điểm mới, mỗi hộ kinh doanh đã được UBND phường Đông Sơn cấp cho một lô đất rộng 3,5m và dài 13m chạy thẳng ra mạn sông để kinh doanh.

Nhưng do bên phường Đông Sơn, dòng sông Cốc nhỏ, các mảng tre luồng dần chiếm hết lòng sông, diện tích trên bờ thì không đủ rộng để họ tập kết luồng. Cho nên, năm 1998 một số  hộ đã tự động quay trở lại vị trí cũ để kinh doanh và tập kết tre luồng.

Vậy là chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, UBND TP Thanh Hóa đã vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho một số hộ kinh doanh lâm sản thêm điểm tập kết tre luồng trên dòng sông Cốc.

Ông Lý Quang Vân, Chủ tịch UBND phường Lam Sơn cho biết: “Phường đã kiến nghị lên UBND TP Thanh Hóa, di dời chợ lâm sản cầu Cốc lên mạn cầu Hạc, hoặc lại cầu Đông Hương - Lò Chum, nhưng tới nay vẫn chưa được UBND TP trả lời”.

Về vấn đề môi trường tại đây bị ô nhiễm nghiêm trọng, ông Vân cho biết thêm: “Trước tình hình ô nhiễm tại sông cầu Cốc, phường đã nhiều lần kiến nghị lên UBND TP Thanh Hóa yêu cầu Công ty Thủy nông Thanh Hóa cho mở dòng thường xuyên để lưu thông dòng chảy, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được điều chỉnh”.

Từ thực trạng trên, thiết nghĩ UBND TP Thanh Hóa cần sớm di dời chợ lâm sản cầu Cốc ra khỏi nội thành nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm và lộn xộn tại đây. Đặc biệt, không nên di dời lên cầu Hạc và cầu Đình Hương - Lò Chum như UBND phường Lam Sơn đã đề nghị. Bởi làm như vậy có khác gì chuyển ô nhiễm và ùn ứ giao thông đường thủy từ nơi này qua nơi khác.

 Thường Thường

Tin cùng chuyên mục