Chỉ còn hơn một tháng nữa là nhân dân và người lao động cả nước sẽ đón Tết cổ truyền Nhâm Thìn năm 2012. Khi tết đã cận kề, người lao động ở lĩnh vực nào cũng trông mong, hy vọng về tiền thưởng cuối năm của đơn vị mình để có một cái tết đầy đủ hơn. Thưởng tết là một việc làm có ý nghĩa quan trọng đối với người lao động, nó không chỉ thể hiện sự đánh giá công sức làm việc, sự cống hiến của người lao động đối với doanh nghiệp mà còn là khoản kinh phí quan trọng để giúp mọi người mua sắm, lo tết cho gia đình và bản thân. Có thể nói, hầu hết cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động đều mong chờ được thưởng tết với sự háo hức, hy vọng có được phần thưởng xứng đáng sau một năm làm việc cật lực.
Đối với doanh nghiệp, thưởng tết vừa là trách nhiệm cũng vừa là đạo lý. Việc thưởng tết xứng đáng, trả lương đúng hạn, trong đó đặc biệt quan tâm đến người lao động nghèo, lao động có hoàn cảnh khó khăn là việc làm hết sức thiết thực, ý nghĩa của các doanh nghiệp. Ở góc độ khác, việc các doanh nghiệp, người sử dụng lao động sớm công bố mức tiền thưởng cuối năm còn là giải pháp để người lao động yên tâm làm việc, hoàn thành tốt kế hoạch, hạn chế các tranh chấp lao động trong dịp cuối năm. Hơn nữa, nếu được quan tâm cụ thể, người lao động sẽ gắn bó hơn với doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ có lực lượng lao động ổn định; quan hệ lao động tốt đẹp, hài hòa.
Việc thưởng tết căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Năm nay, nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn và công nhân, viên chức, lao động là người khó khăn nhất. Vì vậy, việc thưởng tết rất cần được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chú trọng, nhất là đối với công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Việc thưởng tết cần được thông báo sớm, thực hiện công bằng, công khai và minh bạch.
Sở LĐTB-XH TP đã có công văn nhắc nhở các doanh nghiệp báo cáo tình hình trả lương, thưởng tết cho NLĐ. Đây là công việc cần thiết, cấp bách nhằm giúp các cơ quan chức năng nắm bắt chính xác việc trả lương, thưởng tết cho người lao động. Qua đó, có thể động viên, khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm những người có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời tham gia góp ý với doanh nghiệp điều chỉnh mức thưởng tết nếu thấy bất hợp lý.
Năm 2011, dù công việc sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chủ trương không cắt giảm thưởng tết của người lao động, ít nhất cũng tương đương 1 tháng lương. Bên cạnh đó, đối với những nhân viên, công nhân ở xa, doanh nghiệp còn đài thọ vé tàu xe, tặng quà tết, hỗ trợ thêm cho công nhân nghèo… Tính đến thời điểm hiện nay, qua báo cáo của các cấp công đoàn, có 1.216 doanh nghiệp công bố tiền thưởng tết, 282 doanh nghiệp hỗ trợ vé xe cho 13.203 công nhân về quê đón tết với gia đình; 742 doanh nghiệp cùng với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở xây dựng kế hoạch tặng quà, hỗ trợ tiền cho 125.978 công nhân khó khăn. Đây là một nghĩa cử đáng trân trọng. Hy vọng tất cả các doanh nghiệp sẽ có sự quan tâm chăm lo chu đáo như vậy để người lao động có một mùa xuân ấm áp và làm việc hiệu quả hơn ngay những tháng đầu năm 2012.
Bên cạnh niềm vui chung trong những ngày giáp tết, tại 12 doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, thua lỗ, chuyển đổi cách tính lương, có 643 công nhân đang đứng trước nguy cơ không có tết. Vì thế, các cấp Công đoàn phải đặc biệt quan tâm, tìm mọi cách để vận động nguồn kinh phí chăm lo tết cho những người lao động khó khăn, sao cho Tết Nhâm Thìn năm 2012 đến được với tất cả mọi người lao động. Đây không chỉ là truyền thống tốt đẹp mà còn là trách nhiệm của tổ chức Công đoàn.
Trần Thanh Hải
(Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM)