Chốn an cư, chưa… an tâm

“An cư lạc nghiệp” - câu nói của ông cha ta từ ngàn xưa, nhưng đối với người dân ở những thành phố lớn, việc đó đôi khi lại khó có thể thực hiện được, bởi dù đã bỏ ra khoản tiền lớn để mua căn hộ chung cư với mong có chốn để an cư, nhưng những nguy hiểm luôn rình rập khiến cuộc sống của họ không mấy khi được bình an.
Kiểm tra an toàn PCCC tại chung cư Giai Việt, quận 8
Kiểm tra an toàn PCCC tại chung cư Giai Việt, quận 8
Tự tìm cách ứng phó hỏa hoạn

Khoảng 3 giờ ngày 12-1, chung cư Rubyland (phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TPHCM) bốc cháy khiến cư dân hoảng loạn. Nguyên nhân do kho chứa dụng cụ thể dục thể thao ở tầng 1 của chung cư bị chập điện, dẫn đến cháy nổ. 

Điều mà người dân chung cư này bức xúc nhất là hệ thống PCCC của tòa nhà không được bảo trì, bảo dưỡng; công trình chuyển đổi công năng tầng 1, 2, 3 từ khu vực thương mại dịch vụ thành văn phòng, kho cho thuê mà chưa được thẩm duyệt PCCC theo quy định; trách nhiệm phối hợp công tác PCCC giữa ban quản trị chung cư và chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ; người thuê lại các tầng trên tự ý đóng trần, gây mất tác dụng của hệ thống PCCC; bên cạnh đó, cũng không cử người tham gia lực lượng PCCC cơ sở, nên khi phát sinh sự cố đã không chủ động trong công tác cứu chữa, dẫn đến hàng hóa của người thuê nhà bị thiêu rụi, gây thiệt hại nặng về tài sản, ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân. 

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng ban quản trị chung cư Rubyland, cho biết kho chứa hàng này rộng khoảng 200m² ở tầng thương mại, do chủ đầu tư quản lý. Trước đây, chủ đầu tư cho một đơn vị thuê mở trường mẫu giáo. Được 2 năm, UBND TPHCM đề nghị ngưng hoạt động vì công trình chưa được nghiệm thu. Tuy nhiên, gần đây căn phòng lại được cho thuê làm kho chứa dụng cụ thể dục, thể thao. Trước đó, ban quản trị đã có văn bản gửi cơ quan chức năng cảnh báo việc một số hạng mục ở chung cư chưa được nghiệm thu PCCC. Ngoài kho hàng bị cháy, tại chung cư còn có 2 hạng mục khác đang được cho thuê để làm trường học và trung tâm thể dục thể thao cũng chưa được nghiệm thu về PCCC.“Chúng tôi phải tự tìm cách ứng phó và chờ lực lượng cảnh sát PCCC đến cứu nạn. Cháy từ tầng 1, khói lan lên cả các tầng trên gây ngạt khói. Chúng tôi phải chạy thục mạng từ tầng 14 xuống đất, trong lúc tôi đang mang thai. Thật là kinh khủng!”. chị Nguyễn Phương Uyên, cư dân sống trong chung cư Rubyland nói. 

Chủ đầu tư rũ bỏ trách nhiệm

Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ cháy chung cư xảy ra trên địa bàn TPHCM từ năm 2017 đến nay. Thế nhưng, số vụ cháy và số người thương vong trong các vụ cháy chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và vẫn xuất phát từ những nguyên nhân rất cũ như việc thắp nhang thờ cúng, dùng gas để đun nấu nhưng không đảm bảo các biện pháp an toàn, bố trí vật dụng sinh hoạt trên lối thoát nạn; tự ý câu, móc thêm các thiết bị tiêu thụ điện ngoài thiết kế ban đầu; đấu nối dây dẫn điện không được kiểm tra, thay thế kịp thời; có trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ nhưng không được bảo trì, bảo dưỡng; cư dân không tham gia các buổi tuyên truyền, huấn luyện công tác PCCC… hoặc trong 1 số trường hợp cư dân có nhu cầu sửa chữa nhà, đã tự ý thuê thợ về làm nhưng không đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình hàn cắt, làm rớt vảy hàn xuống các vật liệu dễ bắt lửa, dẫn đến cháy nổ…

TPHCM hiện có trên 1.300 chung cư, nhà cao tầng; trong đó có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975. Sau vụ cháy chung cư Carina, công tác đảm bảo an toàn PCCC khu chung cư và nhà cao tầng tại TP được đặt ra khẩn cấp hơn bao giờ hết. PCCC là trách nhiệm của toàn xã hội; trong đó, bên cạnh vai trò chủ lực của lực lượng cảnh sát PCCC và các đơn vị chức năng, còn là trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị chung cư và chính cộng đồng dân cư tại các chung cư.

Thế nhưng trên thực tế, chung cư sau khi xây xong và bàn giao cho người mua thì chủ đầu tư dường như rũ bỏ hết trách nhiệm. Kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của chung cư theo quy định không được chủ đầu tư bàn giao lại cho ban quản lý, khiến các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng không thực hiện được. Điển hình như tại chung cư Quốc Cường Gia Lai, địa chỉ 421 Trần Xuân Soạn, phường Tân Kiểng, quận 7, do Công ty TNHH Đầu tư phát triển nhà Quốc Cường làm chủ đầu tư. Đây là khu căn hộ cao cấp với 21 tầng, tổng số 152 căn hộ, được đưa vào sử dụng từ tháng 7-2011. Thế nhưng theo phản ánh của một số người dân, đến nay hệ thống PCCC và thoát nạn của chung cư vận hành chưa tốt. Nhiều vi phạm an toàn PCCC đã được phát hiện tại chung cư cao cấp này như hệ thống báo cháy tự động không nối kết với hệ thống thang máy, các hệ thống chữa cháy không được bảo trì, bảo dưỡng theo quy định…

Đáng lo ngại là những hạn chế này không được ai đứng ra nhận trách nhiệm khi cả hai phía, chủ đầu tư lẫn ban quản trị chung cư đều đổ trách nhiệm cho nhau. Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó ban quản lý chung cư Quốc cường Gia Lai, cho biết khi nhà đầu tư bàn giao công trình có rất nhiều thiết bị chưa đạt, chưa đủ yêu cầu, cũng như cơ sở vật chất chưa hoàn thiện. Ban quản trị đã trao đổi và rất nhiều lần gửi văn bản yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành những cơ sở hạ tầng đó cho tốt, nhưng đến nay vẫn rơi vào im lặng! Quyền vận hành của tòa nhà thuộc về ban quản trị và hiện ban quản trị đang thuê một ban quản lý trông coi tòa nhà, thế nhưng vì chủ đầu tư không bàn giao số 2% tổng kinh phí bảo trì nên ban quản lý chung cư không có kinh phí để chi trả, cũng như bảo trì, bảo dưỡng hệ thống PCCC theo quy định. Vì vậy, đã rất nhiều lần có sự cố cháy nổ xảy ra, khói bốc lên mù mịt, nhưng hệ thống báo cháy trong các căn hộ không hoạt động. 

Những lỗi vi phạm như ở chung cư Quốc Cường Gia Lai không phải là cá biệt, bởi qua đợt kiểm tra liên ngành của Bộ Công an - Bộ Xây dựng tại các chung cư trong thời gian qua, Cảnh sát PCCC đều phát hiện những vi phạm tương tự như: căn hộ của chung cư chuyển đổi thành khu vực kinh doanh (chung cư Giai Việt) và chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; không lắp đặt các trang thiết bị PCCC (đầu báo cháy hoặc đầu phun Sprinkler) hoặc có lắp đặt nhưng không được bảo trì, bảo dưỡng, dẫn đến hệ thống đầu báo cháy không hoạt động, tủ báo cháy còn tín hiệu báo lỗi và chưa kết nối liên động với hệ thống chữa cháy tự động; hệ thống hút khói không hoạt động; màn nước ngăn cháy, các màn nước của một khoang cháy chưa hoạt động đồng hành và chưa bảo đảm cường độ phun theo quy định (chung cư Vạn Đô). Khu vực phòng thu rác không có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động; hành lang các tầng không có hệ thống báo cháy; áp suất dư của buồng thang bộ thoát nạn không đảm bảo trong khoảng từ 20-50Pa; tại tầng hầm và hành lang, hệ thống hút khói không hoạt động (tòa nhà Horizon Tower)… 

Có thể nói, TPHCM là địa phương có số lượng chung cư, nhà cao tầng nhiều nhất cả nước. Trong đó có khoảng 10% nhà chung cư, nhà cao tầng được xây dựng trước khi có Luật PCCC năm 2001. Với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội và đô thị hóa nhanh như hiện nay, dự báo số lượng nhà chung cư, nhà cao tầng, nhà siêu cao tầng sẽ tiếp tục gia tăng nhanh trong thời gian tới. Vì vậy, nếu công tác PCCC đối với các loại hình trên không được quan tâm để loại trừ đến mức thấp nhất các nguy cơ về cháy nổ thì cuộc sống của người dân vẫn chưa thể an cư để lập nghiệp.
* Vì sự an toàn

Nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng tháng hành động An toàn vệ sinh, lao động lần 2 - 2018; Cảnh sát PCCC TPHCM đã tích cực triển khai phối hợp với nhiều doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức lẫn kỹ năng về PCCC cho các chủ đầu tư và công nhân tại hầu hết khu lưu trú thuộc các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TPHCM. 

Theo đó, tuần qua hoạt động này diễn ra tại khu lưu trú công nhân Giáp Linh An thuộc KCN Tân Thới Hiệp, quận 12. Tại đây, các học viên đã được lực lượng PCCC chuyên nghiệp cung cấp nhiều thông tin, kiến thức bổ ích về phòng chống cháy nổ; đồng thời, hướng dẫn thao tác thực hành một số dụng cụ, phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ để mọi người có thể bình tĩnh, tự tin xử lý hiệu quả các tình huống khẩn cấp liên quan đến hỏa hoạn ở giai đoạn ban đầu.

Chị Phạm Thị Thoại Quyên, công nhân Công ty Giáp Linh An, chia sẻ: “Qua buổi tập huấn này đã giúp bản thân tôi biết cách sử dụng bình chữa cháy xách tay để có thể xử lý đám cháy ngay khi vừa phát sinh nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình mình”.

Tuy nhiên, bên cạnh những người tích cực như chị Quyên, vẫn còn một số công nhân khác không đến tham gia buổi tuyên truyền, mặc dù cơ sở đã có thông báo trước đó, thậm chí có trích kinh phí bồi dưỡng cho mỗi cá nhân tham dự tập huấn. 

Rõ ràng, việc đẩy mạnh tuyên truyền PCCC tại các khu lưu trú công nhân như trên là hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục về phòng ngừa “giặc lửa”, tạo sự chuyến biến về nhận thức của các cấp, ngành, người đứng đầu các cơ sở, công nhân và người dân trong việc đảm bảo an toàn PCCC để bảo vệ tính mạng, tài sản và giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ có thể đạt được hiệu quả tối đa khi lực lượng cảnh sát PCCC nhận được sự tương tác, phối hợp chặt chẽ từ các cơ sở; đặc biệt là sự tham gia tích cực của mỗi công nhân, bởi mục đích cao nhất của việc này là vì sự an toàn của chính người lao động.
BÍCH HẠNH

Tin cùng chuyên mục