Trung Quốc

Chống tham nhũng bằng phim truyền hình

Những Tác giả và diễn viên hàng đầu
Chống tham nhũng bằng phim truyền hình

Thời gian qua có khá nhiều bộ phim truyền hình Trung Quốc về đề tài chống tham nhũng được trình chiếu tại Việt Nam như Hắc động, Hắc băng, Công tố viên, Những người đàn bà đằng sau quan tham, Sự lựa chọn sinh tử, Đông chí... và gần đây là Quan chức nhà nước. Tuy mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng làn sóng phim về đề tài này bắt đầu hình thành ở Trung Quốc từ năm 2000...

  • Chống tham nhũng: Từ hiện đại đến cổ trang
Chống tham nhũng bằng phim truyền hình ảnh 1
Poster phim “Quan chức nhà nước”.

Mở đầu là bộ phim truyền hình Trung Quốc Hắc động, dài 30 tập, của đạo diễn Quản Hổ, sản xuất năm 2000, bộ phim như hòn đá lớn ném xuống mặt nước làm dấy lên một làn sóng tại Trung Quốc: phim truyền hình chống tham nhũng.

Sau đó, các bộ phim Hắc băng, Trung thành, Trái cấm, Quyền lực tuyệt đối, Uy hiếp, Công tố viên, Những người phụ nữ đằng sau quan tham, gần đây là Đông chí và Quan chức nhà nước... lần lượt ra mắt và được đông đảo khán giả Trung Quốc quan tâm đón nhận.

Nếu để ý sẽ thấy, trong đa số các bộ phim về đề tài chống tham nhũng, nhân vật chính đều là nam. Họ đều trải qua những hoàn cảnh cam go, ngàn cân treo sợi tóc giữa sựï sống và cái chết.

Bộ phim Đại tuyết vô hằng (20 tập, sản xuất năm 2001, đạo diễn Lôi Hiến Hòa) là bộ phim mà nam nhân vật chính dường như là mô típ cơ bản của các nhân vật chính trong các phim đề tài chống tham nhũng. Đó là Phan Vũ Lâm (Nhiệm Trình Vỹ đóng) - người phát hiện chân tướng xấu xa và lật đổ Phó thị trưởng Chu Mật.

Để chống lại những thế lực đen tối, Phan Vũ Lâm phải đối đầu với hàng loạt nguy hiểm, bị truy sát, bị cấp trên trách mắng, bị hàm oan, người yêu từ thời thanh mai trúc mã thì bỏ đi, hết rủi ro này đến nguy hiểm khác ập đến.

Nam nhân vật chính Lưu Chấn Hán (Đào Trạch Như đóng) trong Hắc động cũng trong cảnh ngộ khó khăn không kém, bị đồng nghiệp nghi ngờ, con gái bị bắt cóc và bán đi, vợ suy yếu thần kinh, từ một cảnh sát trở thành kẻ phạm tội...

Cách xây dựng hình tượng các nhân vật nam chính cùng những tình tiết gay cấn, nhanh, mạnh, hồi hộp đến nghẹt thở của các phim truyền hình Trung Quốc đề tài chống tham nhũng như cuốn lấy người xem, khiến họ cảm thấy xã hội đầy những cạm bẫy khôn lường, đi con đường chính nghĩa quả không đơn giản, do đó càng thêm quý điều chính nghĩa, sự công bằng. Truyền hình Trung Quốc, qua phương diện nghệ thuật đã tác động sâu sắc đến suy nghĩ của người xem.

Bên cạnh dòng phim lấy bối cảnh hiện đại, những phim truyền hình cổ trang đề tài chống tham nhũng cũng xuất hiện không ít trong mấy năm qua.

Điển hình là Tể tướng Lưu gù (đạo diễn Thạch Linh-Trương Tử Ân), kể về vị quan thanh liêm Lưu Dung (Lý Bảo Điền đóng) đời vua Càn Long. Vì chính trực, hết lòng vì nước vì dân, công khai thẳng thắn chống lại những điều xấu xa, tiêu cực nên Lưu Dung bị không ít kẻ ghen ghét, hãm hại.

Sau khi được công chiếu trên các kênh truyền hình đại lục, phim tiếp tục được trình chiếu tại Hồng Công, Ma Cao, Đài Loan, rồi sang cả Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), Bắc Mỹ và châu Âu; nay phim vẫn được nhiều người dân Trung Quốc tìm mua dưới dạng VCD và DVD. Tể tướng Lưu gù được bầu chọn là Phim truyền hình hay nhất tại giải Kim Kê lần thứ 14. Bên cạnh Tể tướng Lưu gù, còn có thể kể đến Thời niên thiếu Bao Thanh thiên, Lý Vệ từ quan, Hải Thụy...

  • Trọng chất hơn lượng

Tuy nhiên, lợi bất cập hại, cái gì nhiều quá đều không tốt, trong suốt thời gian từ năm 2000 đến 2004, các đài truyền hình từ Trung ương đến địa phương khắp Trung Quốc thay phiên chiếu phim đề tài chống tham nhũng, phá án đã dẫn đến tâm lý bất an nơi người xem.

Họ xem phim rồi thấy dường như xã hội đâu đâu cũng toàn quan tham, cấp độ tham nhũng ngày càng cao, phạm vi tham nhũng ngày càng rộng, tình tiết phạm tội ngày càng phức tạp, khôn lường. Để tránh tâm lý mâu thuẫn trong người xem, thích xem phim đề tài nhạy cảm nhưng xem nhiều quá... đâm lo, từ năm 2004, tại Hội nghị Quy hoạch đề tài phim truyền hình toàn quốc, Cục Quảng cáo-Điện ảnh-Truyền hình Trung Quốc họp với Ủy ban Nghệ thuật Truyền hình Trung ương và đại biểu các đơn vị chế tác phim truyền hình cả nước đi đến quyết định giảm phát hành phim đề tài phá án, chống tham nhũng.

Theo đó, các đơn vị chế tác phim truyền hình đều phải lựa chọn kỹ đề tài và chăm chút trước khi trình lên Cục Quảng cáo-Điện ảnh-Truyền hình Trung ương xét duyệt. Từ năm 2004, trong tổng số dự án làm phim đề tài phá án, chống tham nhũng trình lên Cục thì chỉ 40% được duyệt.

Trong năm 2004, có 308 dự án phim đề tài này thì được duyệt 123 bộ. Xin nói thêm, trung bình mỗi năm Trung Quốc có khoảng 190 đơn vị sản xuất phim đăng ký sản xuất 700 bộ phim truyền hình, gồm khoảng 19.200 tập; sau đó có 76,3%-76,4% được duyệt, tức khoảng 534 bộ phim, gồm 14.700 tập, được đưa vào sản xuất. Song, để tăng chất lượng phim, kinh phí cho mỗi tập phim đề tài tham nhũng có khi lên tới 100.000 NDT (tương đương 200 triệu đồng Việt Nam).

Cũng nhờ cách thức “trọng chất hơn lượng” nên truyền hình Trung Quốc sau này mới có được những bộ phim hay và lạ như Đông chí hay Quan chức nhà nước, mà khán giả Việt Nam vừa được thưởng thức.

HỒNG VÂN
(Tổng hợp) 

Chống tham nhũng bằng phim truyền hình ảnh 2
Diễn viên Trần Đạo Minh.

Tin cùng chuyên mục