Chống tội phạm trong chính cơ quan phòng chống tội phạm

Vụ đường dây đánh bạc qua mạng lên tới hàng ngàn tỷ đồng vừa bị Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận cả nước. 
Người dân không khỏi sốc và phẫn nộ khi biết rằng liên quan tới đường dây đánh bạc này có không ít cán bộ, chiến sĩ, thậm chí có cả cán bộ cấp cao trong ngành công an (ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50, Bộ Công an). Ông Hóa đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để “bảo kê” đường dây cờ bạc ngàn tỷ này hoạt động trái pháp luật trong thời gian dài. Bước đầu điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ xác định, đường dây tổ chức đánh bạc qua mạng trên thu lời bất chính gần 2.800 tỷ đồng, trong đó những người “bảo kê” cho đường dây này được chia lại hàng chục phần trăm. Hành vi tiếp tay cho tội phạm cờ bạc của nguyên Cục trưởng C50 và một số cán bộ khác đã gây bất an cho xã hội, khiến nhiều gia đình tan cửa, nát nhà.
Không phẫn nộ sao được khi ở nhiều nơi vẫn còn các trường đá gà cá độ ăn tiền, các đường dây cá độ bóng đá, các tiệm bán dâm trá hình massage… hoạt động hàng ngày mà không bị cơ quan chức năng “sờ gáy”. Hiện tượng “bảo kê” cho kinh doanh bất chính, thậm chí là tội ác ở nhiều cấp độ, vẫn đang tồn tại trong đời sống xã hội. Mới đây, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 về phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã bày tỏ sự lo lắng khi các loại tội phạm có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp, sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế... vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Đồng chí Trương Hòa Bình chỉ rõ, nguyên nhân khiến công tác phòng chống tội phạm còn hạn chế là trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chuyên trách, người đứng đầu chưa cao, còn biểu hiện bao che, thậm chí “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Còn trên diễn đàn Quốc hội, khi trình bày thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đã nhấn mạnh tới ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế và tiêu cực. “Nếu như trước đây, tình trạng “lợi ích nhóm”, sân sau mới chỉ là nghi ngờ của dư luận, cử tri, thì qua một số vụ án lớn được xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, những nghi ngờ là có căn cứ...”, bà Nga nêu rõ. 

Dư luận rất đồng tình với việc Ban Bí thư yêu cầu xử lý nghiêm minh, kiên quyết vụ án trên cũng như việc cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam ông Hóa cùng hơn 70 người khác có liên quan. Những động thái quyết liệt đó chứng tỏ quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực với quan điểm không có bất cứ ngoại lệ, vùng cấm nào. Để làm được điều đó, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của quần chúng nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan đoàn thể, báo chí trong việc giám sát, kiểm soát quyền lực, chủ động phát hiện, xử lý vi phạm khi còn manh nha, không để vụ việc trở nên nghiêm trọng, khiến người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào lực lượng trọng yếu bảo vệ pháp luật.

Tin cùng chuyên mục