Hoàn thiện hệ thống mạng lưới cấp nước
Hơn 1 tháng qua, gia đình bà Nguyễn Thị Bảy, ngụ ấp 5 xã An Thới Đông (huyện Cần Giờ, TPHCM) vui mừng khi được sử dụng nước sạch. Khi cần rửa rau, nấu nướng, bà chỉ cần đến mở vòi là nước sạch chảy ra. Nhất là đứa cháu ngoại hơn 1 tuổi của bà từ nay đã được thỏa thích tắm trong làn nước mát. Niềm vui đó cũng đến với người dân tại xã An Thới Đông khi đường ống nước lớn được kéo đến những con đường để từ đó nước sạch chảy vào từng nhà dân.
Trong những năm qua, để đảm bảo nguồn nước chất lượng cung cấp cho người dân, Đảng bộ Sawaco đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển mạng lưới cấp nước. Đặc biệt, trong 5 năm qua, đơn vị nỗ lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống mạng lưới cấp nước, nhất là tại các vùng ven, huyện ngoại thành. Tính đến đầu năm 2020, trên địa bàn TPHCM, tổng chiều dài đường ống truyền tải là 729km, tăng 177km so với đầu nhiệm kỳ; tổng chiều dài đường ống phân phối là 10.749km, tăng 5.619km so với đầu nhiệm kỳ. Nhờ sự đầu tư này, người dân tại các vùng ven đã có nước sạch sử dụng.
Bên cạnh đó, công tác quản lý vận hành tổng thể mạng lưới cấp nước cũng được Sawaco triển khai bằng nhiều giải pháp hiệu quả để cung cấp nước sạch cho toàn thành phố. Riêng kế hoạch cấp nước an toàn luôn được Đảng bộ Sawaco đặt lên hàng đầu và triển khai đến từng đơn vị, giúp chủ động ứng phó, khắc phục sự cố khi có ảnh hưởng đến mạng lưới cấp nước.
Ngành cấp nước TPHCM cũng có nhiều nỗ lực đảm bảo cung cấp nước ổn định, liên tục và đạt chất lượng cho người dân. Đặc biệt trong 5 năm qua, thực hiện chủ trương của Thành ủy TPHCM và Nghị quyết của HĐND TPHCM, Đảng ủy Sawaco tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu 100% hộ dân thành phố được cung cấp nước sạch. Từ năm 2016, chỉ tiêu này được hoàn thành. Trong nhiệm kỳ, đơn vị cung cấp mới cho hơn 541.807 hộ dân có nước sạch, nâng tổng số hộ được cấp nước sạch đến cuối năm 2019 gần 2,2 triệu hộ dân.
Song song đó, Đảng ủy Sawaco cũng chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển hệ thống cấp nước. Đó là việc phát triển các nhà máy nước hiện đại với công suất vận hành khoảng 1,9 triệu m3/ngày. Ngoài ra, từ năm 2015, Đảng ủy Sawaco cũng chỉ đạo nâng công suất của các bể chứa nước sạch tại các nhà máy nước. Đặc biệt, tại khu vực Nhà máy nước Tân Hiệp, công suất nâng từ 40.000m3 lên 120.000m3. Thông qua đó, đơn vị đã chủ động điều tiết công tác xử lý nước khi có sự cố từ nguồn nước.
Với sự cố gắng, nỗ lực trong thực hiện chủ trương của Thành ủy TPHCM, nghị quyết của HĐND TP và chỉ đạo của UBND TP, thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X về đảm bảo 100% hộ dân thành phố được cung cấp nước sạch, Sawaco đã đẩy nhanh tiến độ để nhiều dự án được triển khai kịp thời. Trong đó, đã đầu tư khoảng 11.500 tỷ đồng cho các dự án phát triển mạng lưới cấp nước và gắn mới đồng hồ cho khách hàng.
Giám sát chất lượng nước
Tại TPHCM, để cung cấp nước sạch cho người dân, ngành cấp nước thành phố lấy nước thô từ sông Sài Gòn (tại trạm Hòa Phú, huyện Củ Chi) và từ sông Đồng Nai (trạm bơm Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Từ các trạm bơm này, nước được dẫn về cụm Nhà máy nước Tân Hiệp và Nhà máy nước Thủ Đức để xử lý, rồi cung cấp cho người dân. Để đảm bảo chất lượng nước, đề phòng các sự cố, Đảng ủy Sawaco đã lên nhiều phương án kiểm tra, giám sát một cách nghiêm ngặt nguồn nước thô trước khi vào nhà máy.
Cụ thể, để đề phòng các sự cố, Sawaco thực hiện công tác giám sát chất lượng nước hàng giờ và trang bị hệ thống giám sát chất lượng nước online từ đầu nguồn đến khi nước vào nhà máy xử lý. Bên cạnh đó, hệ thống giám sát online cũng hoạt động trên cả hệ thống đường ống cung cấp nước đến cho người dân để theo dõi kịp thời các sự cố. Ngoài ra, để giám sát chất lượng nước từ xa, định kỳ hàng tháng, Sawaco thuê ca nô chở các chuyên gia đi giám sát nguồn nước dọc lưu vực sông, cả các kênh rạch lớn chảy vào sông. Từ công tác này sẽ lấy mẫu nước để kiểm tra chất lượng, ghi nhận các điểm phát sinh nguy cơ ô nhiễm cho nguồn nước, từ đó tiến hành các biện pháp khắc phục, phòng ngừa.
Bên cạnh đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM cũng thực hiện giám sát độc lập chất lượng nước trên địa bàn TP. Tại các nhà máy nước trên địa bàn TPHCM đều đã triển khai chương trình cấp nước an toàn. Theo đó, đã xây dựng các thông số tới hạn đối với các chỉ tiêu có nguy cơ rủi ro cho hệ thống cấp nước, đồng thời chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó.
Đặc biệt, Đảng bộ Sawaco chỉ đạo xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch cấp nước an toàn trên toàn hệ thống. Từ đó sẽ có kế hoạch cụ thể, khi nào thì tiến hành điều tiết từ nguồn đến mạng lưới để đảm bảo cấp nước cho thành phố, phân công nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị nào thực hiện và vị trí tại đâu. Chính sự kiểm soát chặt chẽ này đã giúp công tác cung cấp nước sạch cho người dân được đảm bảo an toàn, liên tục.
Lãnh đạo thực hiện 3 chương trình mục tiêuTrong 5 năm qua, Đảng ủy Sawaco quyết liệt chỉ đạo triển khai các chương trình hành động để thực hiện 3 chương trình mục tiêu với nhiều giải pháp cụ thể. Kết quả đã đạt được các thành tựu nổi bật. Cụ thể, thông qua chương trình nâng cao hiệu quả hoạt động cấp nước, đơn vị đã hiện đại hóa các nhà máy nước, vận hành mạng lưới theo hướng tự động hóa nhằm kiểm soát, nâng cao áp lực, chất lượng nước trên mạng lưới, chủ động ứng phó, xử lý sự cố, đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục, ổn định trong mọi tình huống. Chất lượng nước được kiểm soát chặt chẽ. Công tác giảm thất thoát nước được chú trọng, tỷ lệ thất thoát nước đã giảm nhanh hơn so với lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (trong 3 năm, từ năm 2016 đến 2019 đã giảm 7,46%), hiệu quả hoạt động cấp nước được nâng cao rõ rệt. Ở chương trình huy động nguồn lực xã hội cùng hợp tác phát triển ngành cấp nước, đảm bảo mục tiêu cung cấp nước sạch, đơn vị đã huy động được nguồn vốn từ nhiều nguồn, thực hiện mục tiêu 100% hộ dân được cung cấp nước sạch và phát triển Sawaco vươn lên ngang tầm khu vực. Trong đó, Sawaco đã tiếp nhận thêm nguồn nước từ nhà máy nước xã hội hóa, nâng tổng công suất cấp nước của toàn hệ thống đạt 2,4 triệu m³/ngày. Ở chương trình đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn vị đã từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định nội bộ, giúp đảm bảo bộ máy quản lý vận hành, phân phối đồng bộ và khoa học. Bước đầu, tổng công ty và các đơn vị thành viên đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh. |