Chủ động vực dậy ngành du lịch

Nhiều doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn đã đồng loạt tìm cách ứng phó trước ảnh hưởng từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (nCoV) gây ra.
Du khách tham quan danh lam thắng cảnh Tràng An (Ninh Bình)
Du khách tham quan danh lam thắng cảnh Tràng An (Ninh Bình)

Theo nhiều chuyên gia, đây là dịp để ngành du lịch nhìn lại, tìm cách phát triển thị trường mới, nhất là thị trường ngoài Trung Quốc.

Nâng cao chất lượng dịch vụ

Theo thông tin từ các hãng lữ hành trên địa bàn TPHCM, để ứng phó dịch bệnh, bảo vệ sự an toàn cho du khách, các đơn vị đã chủ động không tổ chức đưa khách du lịch tới các nơi đang xảy ra dịch, có người mắc bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào TP; nắm rõ tình hình sức khỏe và hành trình của du khách để kịp thời báo cáo nếu có trường hợp nghi ngờ mắc dịch bệnh; thực hiện phòng chống dịch cho khách du lịch và nhân viên tại khách sạn, điểm đến du lịch, trên xe vận chuyển và văn phòng công ty, như phun thuốc phòng chống dịch, phát khẩu trang miễn phí, đặt dung dịch sát khuẩn tại các nơi công cộng và khu vực lễ tân…

Hà Nội: Mở cửa trở lại một số điểm di tích
Ngày 6-2, hàng loạt di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thủ đô Hà Nội, trong đó có Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, phủ Tây Hồ mở cửa hoạt động trở lại sau khi thực hiện công tác khử trùng phòng dịch, vệ sinh môi trường. Cùng với các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, đảm bảo vệ sinh an toàn cho du khách, ban quản lý các di tích phối hợp với các đơn vị lữ hành tổ chức phát khẩu trang miễn phí cho du khách tham quan.
Liên quan đến các thông tin về lễ hội, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy chia sẻ: “Bộ VH-TT-DL đã cử nhiều đoàn kiểm tra thực tế và qua nắm bắt thông tin từ các đoàn kiểm tra, việc dừng tổ chức lễ hội đã được các địa phương triển khai nghiêm túc, nhiều nơi chỉ đạo rất sát sao, kịp thời. Bên cạnh đó ở nhiều di tích vẫn còn tình trạng người dân đến đông nhưng không áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, các giải pháp cần tiếp tục tăng cường hiện nay là tuyên truyền, hạn chế tụ tập đông người tại các di tích, danh thắng, danh lam thắng cảnh…”.
                                 MAI AN

Đặc biệt, các hãng lữ hành cũng nhấn mạnh yếu tố nâng cao chất lượng phục vụ, làm hài lòng du khách để gắn bó, kéo khách quay trở lại sau dịch bệnh.

Trao đổi với Báo SGGP chiều 6-2, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TPHCM, cho biết, hiệp hội đang phối hợp cùng Sở Du lịch TPHCM triển khai hàng loạt chương trình kích cầu du lịch. Trong đó, hiệp hội chủ động kết nối với nhiều địa phương trên cả nước cùng các hãng hàng không, đường sắt… khuyến mãi, ưu đãi cho khách mua tour, để ngay khi dịch bệnh đi qua sẽ có các tour phục vụ khách, hỗ trợ kịp thời cho các hãng lữ hành, vực dậy ngành du lịch. Song song đó, trong điều kiện hiện tại, hiệp hội cũng quyết liệt phối hợp cùng các cơ quan chuyên trách chống dịch; khuyến nghị các doanh nghiệp lữ hành về những biện pháp xử lý chuyên nghiệp nếu có du khách bị nhiễm bệnh. Mặt khác, hiệp hội cũng có văn bản kiến nghị đến các cơ quan chức năng chuyên trách về việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bao gồm: miễn (hoặc giảm) thuế giá trị gia tăng, ưu đãi lãi suất ngân hàng…

Tại Hà Nội, các đơn vị chức năng cũng khẩn trương xây dựng nhiều kịch bản để ứng phó với tình huống, diễn biến của dịch bệnh xảy ra theo từng cấp độ khác nhau, đảm bảo an toàn cao nhất cho du khách và cộng đồng. Đồng thời, Tổng cục Du lịch cũng đã yêu cầu các đơn vị lữ hành chủ động lên kế hoạch để phục hồi các hoạt động của ngành du lịch sau khi dịch bệnh đi qua. “Ngành Du lịch cần sớm xây dựng kịch bản tăng trưởng trong năm nay; đánh giá tác động của việc ảnh hưởng dịch bệnh và đưa ra những giải pháp cụ thể để hạn chế tối đa thiệt hại; đa dạng hóa thị trường, giữ vững mức tăng trưởng, đạt được mục tiêu đã đề ra. Trong đó, ưu tiên khai thác những thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ, Tây Âu, ASEAN…”, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing TST Tourist, cho hay: “Sau khi tạm ngưng các tour đi Trung Quốc đến hết tháng 3-2020, chúng tôi vẫn sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để quyết định xem có triển khai tiếp đường tour đến Trung Quốc hay không. Với khách đăng ký tour Trung Quốc trong tháng 3 này, chúng tôi khuyến nghị chuyển sang thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản… nơi có hệ thống y tế tốt, đảm bảo điều kiện kiểm soát dịch bệnh ngay từ sân bay”.

Tìm nguồn khách mới

Ứng phó trước tình hình dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Duẩn, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng, cho biết, đơn vị đã có kế hoạch tái cơ cấu lại quy mô khách, nhưng khá khó vì các thị trường châu Âu, châu Mỹ vào thời gian này không phải là mùa du lịch của họ.

Hiện nay, các công ty lữ hành cũng có phương án khai thác thị trường mới, đường xa như Ấn Độ, châu Âu… cho hoạt động xúc tiến tour Inbound; thị trường đi Outbound ưu tiên tập trung khai thác các điểm đến ở châu Âu, châu Mỹ, Nga… nơi tình hình dịch bệnh chưa ảnh hưởng nghiêm trọng và an toàn cho du khách. Về phương án tìm kiếm thị trường thay thế, với thị trường khách quốc tế tới Việt Nam, TST Tourist đang đẩy mạnh thêm nguồn khách đến từ Ấn Độ, Thái Lan; Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt tăng cường các tuyến đến khu vực Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ vào mùa hoa anh đào, du lịch kết hợp thăm thân vào mùa hè tại Mỹ, Canada; Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa với các tour đến Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ… Một số hãng lữ hành nhìn nhận, thị trường tour nội địa được quan tâm khai thác do Việt Nam đang kiểm soát khá tốt tình hình dịch bệnh.

“Du lịch và hàng không là hai ngành bị tác động đầu tiên mỗi khi xảy ra các biến động về thiên tai, dịch bệnh. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên khi bị ảnh hưởng sẽ kéo theo các ngành khác như vận chuyển hàng không, cung ứng nhà hàng, khách sạn, điểm di tích, vui chơi, shopping… chịu ảnh hưởng lớn”, ông Nguyễn Như Nam, Tổng thư ký Hội Lữ hành TP Đà Nẵng, nhận định.

Theo một số chuyên gia, để vượt qua khó khăn trước mắt, các công ty du lịch nên có những chương trình kích cầu như giảm giá tour; giới thiệu những điểm đến mới, sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách; tìm nguồn khách thay thế du khách Trung Quốc và thị trường Trung Quốc; cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cần có những động thái để trấn an dư luận bằng cách công bố các văn bản chứng minh những điểm đến an toàn, chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ có cơ sở để hoạt động du lịch hiệu quả.

Tàu Sapphire Princess đưa 2.390 du khách đến Nha Trang  

Sáng 6-2, tàu du lịch biển quốc tế Sapphire Princess (quốc tịch Anh) xuất phát từ Malaysia đã đến TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, tham quan theo lịch trình. Tàu có 2.390 khách, trong đó 1.191 du khách lên bờ đi các tour tham quan quanh TP Nha Trang bằng xích lô, tour dọc sông Cái, mua sắm tại Chợ Đầm…

Do các điểm tham quan như Chùa Long Sơn, Tháp Bà Ponagar, Hòn Chồng, Nhà thờ Chánh Tòa vẫn tạm ngưng đón khách để phòng, chống dịch nCoV, nên đơn vị lữ hành không khai thác tour này. Như vậy, từ Tết Canh Tý 2020 đến nay, TP Nha Trang đã đón 3 tàu du lịch cỡ lớn cập bến, đưa gần 7.000 du khách tham quan TP Nha Trang.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục