Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo: Tạo cơ chế về vốn để quận 8 chỉnh trang đô thị

Trong năm nay, quận 8 sẽ tiến hành giải tỏa khoảng 1.100 căn hộ đang lấn chiếm và nằm ven rạch Ụ Cây. Bà Đổng Thị Kim Vui, Bí thư Quận ủy quận 8 cho biết như vậy tại buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM vào ngày 11-8.

(SGGP). – Trong năm nay, quận 8 sẽ tiến hành giải tỏa khoảng 1.100 căn hộ đang lấn chiếm và nằm ven rạch Ụ Cây. Bà Đổng Thị Kim Vui, Bí thư Quận ủy quận 8 cho biết như vậy tại buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM vào ngày 11-8.

Ông Phùng Công Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận 8, nói thêm: Khoảng 1.100 căn nhà nằm quanh khu vực rạch Ụ Cây, phần lớn là nhà có kết cấu tạm bợ, che vách bằng tôn, chống sàn bằng cây gỗ hoặc cừ tràm, không đảm bảo điều kiện sinh sống cũng như phòng chống cháy nổ. Hầu hết người dân lấn chiếm rạch sinh sống lâu năm và làm tắc nghẽn dòng chảy của con rạch.

Tuy nhiên, bà Đổng Thị Kim Vui cho rằng: Về nguyên tắc, việc lấn chiếm kênh rạch sẽ không được bồi thường khi giải tỏa nhưng vì những hộ dân này đã ở đây hàng chục năm, qua nhiều thế hệ. Hầu hết họ là dân nghèo, nếu giải tỏa mà không có chính sách về nhà ở thì người dân sẽ tìm khu vực mới để tiếp tục lấn chiếm.

Người dân đồng tình với việc giải tỏa nhưng cũng đang mong chờ chính sách của chính quyền trong việc ổn định chỗ ở, cụ thể được mua nhà trả góp trong vòng 20, 30 năm. Ước tính chi phí cho việc giải tỏa, bố trí tái định cư cho các hộ dân này gần 400 tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, bà Đổng Thị Kim Vui kiến nghị lãnh đạo TP cho phép quận được bán đấu giá một số lô đất công trên địa bàn để lấy nguồn kinh phí mua nhà, bố trí tái định cư cho những hộ dân bị giải tỏa. “Chúng tôi kiến nghị TPHCM ứng trước 200 tỷ đồng để mua 600 căn nhà để bố trí tái định cư cho dân”, bà Vui nói.

Quận 8 có hệ thống kênh rạch dày đặc, gồm 36 tuyến kênh rạch với tổng chiều dài gần 45km, dùng cho mục đích tiêu thoát nước và giao thông thủy. Tuy nhiên, theo Phòng Tài nguyên - Môi trường quận 8, do quận nằm trong vùng có địa hình thấp, chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều, bị bồi lắng… làm cản trở tốc độ dòng chảy, nhất là ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước trong mùa mưa.

Ngoài ra, có một thực tế khác là trong các tuyến kênh chính đi qua quận 8 có các kênh Đôi, kênh Tàu Hủ, kênh Lò Gốm, rạch Nước Lên, rạch Bà Tàng, rạch Ruột Ngựa… Đặc biệt tuyến kênh Đôi, kênh Tẻ chảy xuyên suốt từ Đông sang Tây tạo ưu thế lớn về giao thông thủy cho quận 8 từ các tỉnh miền Tây về sông Sài Gòn.

Toàn địa bàn quận có trên 22.000 nhà dân lấn chiếm kênh rạch và vứt rác thải xuống sông. Cộng với lượng rác từ các địa phương khác dồn về, mỗi ngày Công ty Dịch vụ công ích quận 8 vớt khoảng 20 tấn rác trên các kênh rạch. Tuy nhiên, do TPHCM cắt nguồn kinh phí này nên trong nhiều tháng qua, công ty trên đã ngưng việc vớt rác.

Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cho rằng: Quận 8 có dân số đông đứng thứ 4 ở TPHCM (sau Gò Vấp, Tân Bình và Bình Tân) nhưng hầu hết là dân nghèo, lại là vùng trũng về cơ sở hạ tầng, dự án phúc lợi xã hội còn ít, đặc biệt nhà trên kênh rạch còn rất nhiều. HĐND TPHCM đồng tình với kiến nghị của quận 8 về việc tạo cơ chế, điều kiện về vốn để quận đầu tư cơ sở hạ tầng, nạo vét kênh rạch và chỉnh trang đô thị. Việc này sẽ được thực hiện thí điểm tại rạch Ụ Cây. HĐND TPHCM sẽ làm việc với UBND TPHCM về vấn đề này.

V.Anh

Tin cùng chuyên mục