Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Mọi hành vi sai phạm đều phải được xử lý bình đẳng

Ngày 2-8, đại biểu Quốc hội - Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, đơn vị số 1 đã tiếp xúc cử tri quận 4, TPHCM để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIV.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Mọi hành vi sai phạm đều phải được xử lý bình đẳng

(SGGP).- Ngày 2-8, đại biểu Quốc hội - Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, đơn vị số 1 đã tiếp xúc cử tri quận 4, TPHCM để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi tiếp xúc, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), quản lý ngân sách, xử lý sai phạm là những vấn đề “nóng”. Cử tri Nguyễn Thị Hồng nhận xét, bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương có nhiều bất cập. Một số cá nhân vì lợi ích mà bỏ qua sai phạm. Về vấn đề nợ công, cử tri Nguyễn Hùng Vinh nêu ra trong 6 tháng đầu năm, bội chi ngân sách lên đến 66.000 tỷ đồng. Ông Vinh cho rằng: “Nếu năm nào cũng bội chi mà Quốc hội vẫn thông qua thì sẽ trở thành tiền lệ”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri quận 4. Ảnh: Việt Dũng

Hàng ngày, chất cấm trong thực phẩm ngang nhiên tồn tại, xuất hiện tràn lan trong khi các bộ, ngành đùn đẩy trách nhiệm là băn khoăn của nhiều cử tri. 70% bệnh tật người dân đang gánh chịu bắt nguồn từ thực phẩm bẩn, chứa chất nguy hại. Thực trạng trên trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về VSATTP còn nhiều hạn chế; cá nhân sai phạm chỉ bị chuyển cơ quan, thậm chí được thăng chức. Tất cả cử tri đồng tình đề nghị Nhà nước xử lý công khai, nghiêm khắc các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm. Các ban ngành cần kiểm tra, rà soát kỹ văn bản pháp luật; nghiêm trị cán bộ đầu ngành nếu xảy ra sự việc sai trái tại đơn vị. Nhà nước nên áp dụng nhiều hơn nữa biện pháp xử lý hình sự, buộc thôi chức.

Tiếp thu ý kiến cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Mọi hành vi trái pháp luật phải được xử lý bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật”. Về vấn đề nợ công, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, nước ta không nằm trong nhóm nước có vấn nạn nợ công. Do khó khăn chung, nợ công có xu hướng tăng nhưng chưa vượt trần. Công tác quản lý và sử dụng nợ công chưa hiệu quả. Trong thời gian tới, Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nâng cao công tác quản lý, sử dụng nợ công. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá VSATTP là mối lo ngại của Nhà nước và xã hội. Quy định pháp luật liên quan đến VSATTP còn chồng chéo. Quản lý, đảm bảo VSATTP là nhiệm vụ trọng tâm, là chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong nhiệm kỳ này. Sắp tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo những giải pháp, chương trình hành động cụ thể nhằm tạo chuyển biến, nâng cao trách nhiệm toàn xã hội; đồng thời rà soát, bổ sung, sửa đổi quy định pháp luật, đề ra chế tài nghiêm khắc hơn. Chủ tịch nước kêu gọi ngươi dân tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc đấu tranh phòng, chống vấn nạn VSATTP.

KỲ LÂM

Thực hiện đúng quy chuẩn tiếp công dân và “nụ cười công sở”

Ngày 2-8, đoàn ĐBQH (đơn vị 5) gồm các đại biểu: Trần Kim Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM; Nguyễn Văn Chương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TPHCM và Nguyễn Đức Sáu, Phó Chủ tịch thường trực Hội Luật gia TP đã có buổi tiếp xúc cử tri 15 phường trên địa bàn quận Tân Bình.

Rất nhiều ý kiến cử tri phân tích về nợ công của nước ta hiện đang rất lớn. Việc chậm cổ phần hóa cũng là một vấn nạn gây thất thoát tiền của và đề nghị các ĐBQH dành nhiều thời gian nghiên cứu, cho ý kiến vấn đề này. Một trong những bức xúc của cử tri quận Tân Bình chính là việc xây sân golf, nhà hàng, khách sạn trong sân bay Tân Sơn Nhất. Việc này không chỉ lãng phí tiền của mà còn gây ô nhiễm môi trường cho người dân sinh sống khu vực lân cận sân bay. Riêng vấn đề biển Đông, cử tri yêu cầu ĐBQH cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn.

Các ĐBQH đã tiếp thu những ý kiến bức xúc của cử tri và hứa sẽ có kiến nghị, đề xuất lên các cấp có thẩm quyền.

Cùng ngày, các ĐBQH: Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND tối cao; Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc thường trực Đại học Quốc gia TPHCM; Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM đã tiếp xúc với gần 400 cử tri quận 11.

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri nêu nhiều ý kiến đề nghị: cần xử lý nghiêm (với hình thức xử phạt tù hoặc tịch thu tài sản từ nguồn thu lợi bất chính) những cá nhân, đơn vị sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn; nên cân nhắc trước đề xuất vay gần 7.000 tỷ đồng của Ngân hàng Trung Quốc để thực hiện Dự án xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, chỉ định nhà thầu Trung Quốc thi công; cần có giải pháp phòng, chống tham nhũng một cách hiệu quả hơn và phát huy được vai trò giám sát của người dân; cán bộ - công chức phải được giáo dục về ý thức phục vụ nhân dân, thực hiện đúng quy chuẩn tiếp công dân và “nụ cười công sở”; các cơ quan chức năng cần có biện pháp nhằm kéo giảm nợ công một cách có hiệu quả, đồng thời quản lý, giám sát việc thu, chi ngân sách của các cơ quan, đơn vị, địa phương...

Thay mặt tổ ĐBQH, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí ghi nhận những ý kiến đóng góp đầy trách nhiệm của cử tri. Trao đổi về công tác phòng, chống tham nhũng, ông Lê Minh Trí nói: “So với trước đây, qua một số phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng, có vẻ các đối tượng tham nhũng đã co lại, bị “chờn” hơn; nhưng không vì vậy mà chúng ta xem đó là thành công và có thể yên tâm. Nếu không quyết liệt, loại tội phạm này sẽ phát sinh”. Theo ông Lê Minh Trí, để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, đòi hỏi thực hiện đồng bộ các giải pháp: xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ (đặc biệt là hoàn thiện luật ở những lĩnh vực “nhạy cảm” như đất đai, xây dựng, đầu tư); hoàn thiện thể chế quản lý; xử lý kịp thời, nghiêm minh những vụ việc gây ra hậu quả nghiêm trọng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

THÁI PHƯƠNG - ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục