Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh: Duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh: Duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý

Ông Vương Bình Thạnh

Ông Vương Bình Thạnh

Năm 2012, tốc độ tăng trưởng (GDP) của An Giang ước đạt 8,45%, một kết quả khá ấn tượng trong điều kiện nền kinh tế cả nước còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong cuộc trao đổi với Báo SGGP gần đây, ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, trong năm 2013, An Giang đề ra mục tiêu tăng GDP thêm 9% để phù hợp hơn với điều kiện khách quan. Trong đó, bên cạnh các nhiệm vụ chung, tỉnh sẽ tập trung phát triển 2 mặt hàng thế mạnh là lúa và cá, phấn đấu đưa chúng trở thành mặt hàng chiến lược của An Giang…

- Phóng viên: Thưa ông, năm 2012 có thể nói là một năm nhiều biến động, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, vậy ông đánh giá thế nào về con số GDP tăng 8,45% của tỉnh nhà?

- Ông Vương Bình Thạnh: Nghị quyết HĐND tỉnh An Giang đề ra mục tiêu tăng trưởng năm 2012 là 12,5% nhưng kết quả chỉ đạt 8,45%. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng hợp lý trong bối cảnh chúng ta đang dồn sức, tập trung thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Dù còn một số khó khăn nhưng An Giang vẫn đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, trở thành cứu cánh cho nền kinh tế. Năm 2012, có 5 công ty hợp đồng với nông dân trong tỉnh triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 22.900ha. Dự kiến năm 2013, sẽ có 9 công ty tham gia mô hình này với diện tích 32.000 – 40.000ha, cao nhất vùng ĐBSCL, tạo được nền tảng cơ bản để hình thành mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, thương mại và xuất khẩu vẫn tăng trưởng, nhiều lĩnh vực dịch vụ và hoạt động biên mậu giữ mức tăng trưởng cao và ổn định. Kim ngạch xuất khẩu năm 2012 ước đạt 850 triệu USD, cao hơn 20 triệu USD so với năm 2011. Một trong những vấn đề được nhân dân hoan nghênh là đầu tư xây dựng cơ bản được kiểm soát khá tốt, tập trung vốn cho những dự án cấp thiết, giữ vai trò hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng nhiều lĩnh vực. Đồng thời, các chính sách an sinh xã hội, các chỉ tiêu lĩnh vực văn hóa, xã hội đều đạt và vượt, tình hình an ninh trật tự, quốc phòng được giữ vững. Song song đó, các địa phương, cơ quan mặt trận, đoàn thể đã thực hiện tốt trong việc vận động và huy động nguồn lực xã hội để chăm lo đời sống nhân dân…

- Theo dự báo, sắp tới tình hình kinh tế trong và ngoài nước vẫn còn nhiều khó khăn, ông có cho rằng, chính trong cái khó này vẫn có nhiều cơ hội mới mở ra? Ông dự báo thế nào về tình hình năm tới và kế hoạch của An Giang năm 2013 là gì?

- Tôi cũng cho rằng, năm 2013 tình hình kinh tế trong và ngoài nước sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng đan xen nhiều cơ hội mới. Do vậy, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo những công việc trọng tâm với nội dung và những giải pháp cụ thể. Trong đó, tăng cường tháo gỡ khó khăn cho hai mặt hàng chủ lực là lúa và cá. Đồng thời, từng bước thực hiện thành công Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng xây dựng nông thôn mới, nhân rộng cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị… Nói chung là An Giang sẽ chú trọng phát huy thế mạnh nông nghiệp nhưng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển. Theo đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh liên kết và tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp thông qua chương trình hợp tác với Hà Nội và TP.HCM, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản phục hồi sản xuất, kiểm soát giá cả thị trường... Đồng thời, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành khẩn trương rà soát các thủ tục liên quan đến thực hiện các gói hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, tái cơ cấu nguồn vốn và kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết hàng tồn kho, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường…

HĐND tỉnh An Giang biểu quyết thông qua chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2013

HĐND tỉnh An Giang biểu quyết thông qua chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2013

Bên cạnh đó An Giang cũng rất chú trọng mời gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp tỉnh, từng bước nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực vào những lĩnh vực then chốt như: nông nghiệp, chế biến nông sản, hạ tầng thương mại, kinh tế biên giới… Theo đó, UBND tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính, xây dựng chuẩn mực đạo đức công vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát công vụ các cấp, các ngành và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Đồng thời, tỉnh sẽ xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư với những nội dung cụ thể và sớm ban hành đơn giá cho thuê đất trong các khu kinh tế, khu công nghiệp để cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư…

Song song đó, tỉnh sẽ chủ động và ưu tiên chọn lựa đối tác hợp tác với các nước và tổ chức nước ngoài phù hợp với mục tiêu phát triển, tạo lực đẩy để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh… UBND tỉnh đang tranh thủ nguồn viện trợ từ Thụy Sĩ để đầu tư nhà máy xử lý rác và hệ thống cung cấp nước sạch tại vùng nông thôn An Giang với kinh phí trên 300 triệu USD. Theo đó, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đàm phán với phía Thụy Sĩ để sớm triển khai nhà máy xử lý rác đầu tiên của An Giang với kinh phí hơn 100 triệu USD. Đồng thời, xây dựng 100 nhà máy cung cấp nước sạch ở nông thôn, kinh phí khoảng 2 triệu USD/nhà máy. Ngoài ra, tỉnh còn tranh thủ nguồn viện trợ ODA cho các công trình phúc lợi khác.

- Vậy những chỉ tiêu cơ bản của năm 2013 là gì, thưa ông?

- Qua nghiên cứu tình hình thực tế, UBND tỉnh đã đề xuất HĐND tỉnh thông qua mục tiêu đạt giá trị tăng trưởng (GDP) 9% trong năm 2013. Đây là chỉ tiêu hợp lý và “vừa sức” chứ không đề ra quá cao để rồi không thực hiện được. Theo đó, tổng giá trị tăng thêm theo giá thực tế khoảng 80.872 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người đạt 37,52 tỷ đồng (tương đương 1.799 USD). Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông nghiệp chiếm 32,12%, công nghiệp – xây dựng 12,2%, riêng khu vực dịch vụ chiếm 55,68%. An Giang cũng đề ra mục tiêu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 900 triệu USD, tăng gần 5,9% so với năm 2012 (850 triệu USD), tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 34.380 tỷ đồng, bằng 42,5% GDP, tổng thu ngân sách nhà nước 5.642 (tăng 12,57% so năm 2012)… Đồng thời, phấn đấu tạo việc làm cho khoảng 35.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề lên 45,8%, phấn đấu giảm nghèo từ 1,5 – 2%/năm…

- Xin cám ơn ông!

THẤT SƠN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục