
Ngày 24-4, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng và một số thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề trật tự ATGT. Nhiều ý kiến đánh giá báo cáo của Chính phủ và báo cáo giám sát của UBTVQH không có nhiều điểm mới, nhất là đối với những vấn đề bức xúc như TNGT, ùn tắc giao thông.
Giải quyết ùn tắc: kêu gọi người dân... đi bộ!
Qua 2 báo cáo của Chính phủ và đoàn giám sát của UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đề nghị trong báo cáo cần phải đi sâu vào vấn đề cụ thể, chẳng hạn phải trình Quốc hội các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM.
Nhiều đại biểu cho rằng, các chính sách chống ùn tắc và TNGT mà Chính phủ đưa ra chưa giải quyết căn cơ vấn đề. Thậm chí, có nhiều quyết sách vội vàng, không tính đến hệ lụy đối với người nghèo. “Chẳng hạn như lệnh cấm xe 3 bánh, dù có lộ trình nhưng vẫn lúng túng về chính sách hỗ trợ chuyển đổi” - bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Tây Ninh nhận xét. Trong khi đó, các “giải pháp lâu dài” để chống ùn tắc giao thông của Chính phủ cũng thiếu rõ ràng. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai hỏi: “Giải pháp thì có, nhưng đến bao giờ thì hết ùn tắc, trong khi vấn đề này đã rất bức xúc ở Hà Nội và TPHCM?”. Đại biểu Trần Du Lịch thắc mắc: “Về chiến lược giải hạn sẽ giảm phương tiện cơ giới 2 bánh như thế nào?”. Qua đường dây nóng, đại biểu Trần Thị Kim Phương đặt câu hỏi: “Nếu hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phương tiện công cộng có đáp ứng được không?”.

Các phương tiện lưu thông không đúng tuyến trên đường Nguyễn Thị Nghĩa, quận 1 TPHCM. Ảnh: MAI HẢI
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận thời gian qua Bộ GTVT đã “lúng túng trong tham mưu cho Chính phủ về việc giảm phương tiện giao thông cá nhân. Phương tiện giao thông cá nhân không những không giảm mà còn tăng lên”. Theo Bộ trưởng, việc giảm phương tiện giao thông cá nhân phải có lộ trình, trước hết phải ưu tiên phát triển vận tải công cộng. Hiện cả nước có 44 địa phương có 5.670 xe buýt.
Tuy nhiên, phát triển xe buýt cũng chỉ đến mức độ nào đó. Hiện nay tại Hà Nội và TPHCM, năng lực vận tải công cộng của xe buýt dưới 10%, nếu phát triển cũng chỉ đến 20%, không thể cao hơn. Vì thế, phải phát triển phương tiện giao thông lớn như metro, đường sắt trên cao.... “Cố gắng thì 15 - 20 năm nữa mới phát triển được hệ thống vận tải công cộng, từng bước thu hút được người dân sử dụng” - Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói.
Trao đổi thêm với ĐBQH, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết hiện nay Bộ GTVT và 2 địa phương Hà Nội và TPHCM đã xây dựng xong đề án chống ùn tắc giao thông: “Đề án này có nhiều biện pháp, trong đó còn có cả việc kêu gọi người dân nên đi bộ ở những cự ly ngắn. Nếu không sẽ không thể giải quyết được vấn đề ùn tắc”. Đại biểu Trần Du Lịch thì hy vọng Chính phủ giải quyết vấn đề ùn tắc bằng những biện pháp mạnh hơn: “Chẳng hạn Chính phủ nên quy định địa phương nào chưa quy hoạch đất giao thông đạt tỷ lệ 10% tổng diện tích đất thì không được sử dụng vào mục đích khác”.
TNGT chuyển hướng
Báo cáo giám sát của UBTVQH chỉ ra rằng, mặc dù quá trình thực hiện pháp luật về trật tự ATGT đã có chuyển biến nhưng từ năm 2006 đến nay, tình hình này lại diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Trong 2 năm 2006, 2007, trên toàn quốc đã xảy ra gần 30.000 vụ TNGT làm chết gần 26.000 người, bình quân mỗi ngày xảy ra 40 vụ TNGT làm chết 35 người. TNGT tăng trên cả 3 mặt (số vụ, người chết và số người bị thương), ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn và một số tuyến giao thông huyết mạch xảy ra thường xuyên hơn...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng nhận xét TNGT, ùn tắc giao thông vẫn còn nhức nhối, chưa thể yên lòng. Nhiều ĐBQH đã đề nghị Chính phủ giải thích tại sao sau một thời gian được kiềm chế (từ 2003 đến 2005), TNGT lại bùng phát? Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, trước đây TNGT chủ yếu xảy ra trên quốc lộ, đô thị, nhưng nay đã chuyển sang các địa bàn nông thôn, miền núi. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng sự gia tăng quá nhanh các phương tiện giao thông. Việc xử lý các điểm đen còn chậm, trong khi ý thức người tham gia giao thông chưa có chuyển biến.
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, ý thức người tham gia giao thông vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây ra TNGT. “Theo phân tích có 22% là do ý thức của người lái ô tô, 75% là ý thức người đi xe máy. Nghĩa là 97% nguyên nhân là do ý thức người tham gia giao thông. Vậy Chính phủ đã làm gì để làm chuyển biến ý thức?” - đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) chất vấn. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời không mấy thuyết phục: “Nâng cao nhận thức, biện pháp đầu tiên vẫn là tuyên truyền, và phải thường xuyên. Ngoài ra, cũng phải cưỡng chế, thi hành pháp luật nghiêm minh”.
Dân thực hiện nghiêm túc, còn Nhà nước...?
Liên quan đến vấn đề đội nón bảo hiểm (NBH), đại biểu Trần Du Lịch cho rằng con số 99% người đi xe máy đội NBH thể hiện người dân đã làm tròn trách nhiệm. “Vậy còn trách nhiệm của Nhà nước thế nào khi để xảy ra tình trạng NBH không bảo đảm chất lượng?”. Năm 2007, Bộ KH-CN đã có 9 đợt kiểm tra, công bố các cơ sở đạt tiêu chuẩn, tổng cộng 125 cơ sở đạt tiêu chuẩn, 19 cơ sở không đạt tiêu chuẩn. Danh sách các cơ sở đạt tiêu chuẩn đã được Bộ KH-CN công bố.
Tuy nhiên, qua kiểm tra NBH sản xuất trong nước thì có đến 19% số nón trên thị trường không đạt yêu cầu; ở 37 cơ sở nhập khẩu chính ngạch, số NBH không đạt tiêu chuẩn là 4%, nhưng kiểm tra trên thị trường cả nhập khẩu chính ngạch và tiểu ngạch thì con số này lên đến 63%. Điều này có nghĩa là số không đạt tiêu chuẩn chủ yếu nằm ở số NBH nhập lậu và sản xuất trong nước là hàng nhái. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vấn đề này. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng cho biết sắp tới sẽ có giải pháp “đặc biệt” để xử lý NBH kém chất lượng, thậm chí truy tố những trường hợp sản xuất NBH giả và nhập lậu NBH không bảo đảm chất lượng.
BẢO MINH