Trước đó cũng có nhiều quan điểm đề nghị các trường đại học (ĐH) ngừng xét tuyển theo phương thức học bạ THPT vì điểm số “ảo” không phản ánh được năng lực học tập của học sinh.
Hàng năm, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT đều công bố đối sánh giữa điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp với điểm trung bình các môn học tương ứng ở lớp 12. Các thống kê đều cho thấy điểm trung bình theo môn học ở lớp 12 bao giờ cũng cao hơn điểm trung bình môn thi tương ứng.
Năm 2022, tất cả điểm trung bình các môn học lớp 12 đều trên 7,0 điểm trong khi điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT đều dưới 7,0 điểm. Duy nhất chỉ có môn GDCD là trên 8,0 điểm (từ nhiều năm nay). Điểm trung bình các môn học lớp 12 chẳng những chênh lệch với điểm trung bình các môn thi tương ứng mà còn chênh lệch giữa các địa phương với nhau.
Rất tiếc, điều phi logic này đã trở thành bình thường đối với các trường THPT và thậm chí được ngầm hiểu là cứu cánh để giữ tỷ lệ tốt nghiệp THPT ở mức cao dù công thức tính điểm tốt nghiệp thay đổi và cũng “tặng” cho học sinh có học bạ đẹp để xét tuyển vào ĐH.
Do mục đích là vậy nên việc kiểm tra đánh giá các môn học ở lớp 12 ngoài những chuẩn đánh giá năng lực học tập của học sinh phải cộng thêm một “điểm số ảo” nào đó để đạt được mục tiêu còn mang rất nặng tính thành tích.
Dư luận cho rằng, nếu tỷ lệ tốt nghiệp THPT quá cao thì nên bỏ kỳ thi này. Quan điểm này chỉ nhìn thấy một mục tiêu của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, kỳ thi tốt nghiệp THPT còn 2 mục tiêu có khi còn quan trọng hơn là dùng để đánh giá “thật” chất lượng dạy và học ở bậc THPT và khi nào kết quả thi THPT còn là “thật” thì còn là cơ sở cho các trường ĐH dùng để xét tuyển.
Năm 2022, dù nhiều trường ĐH đã chuyển bớt chỉ tiêu xét tuyển sang các phương thức dựa trên kết quả các kỳ thi riêng và cả học bạ THPT nhưng phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là một phương thức quan trọng với tổng chỉ tiêu ước khoảng 35%-40% tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH của cả nước.
Điều này cho thấy khó lòng bỏ được kỳ thi tốt nghiệp THPT và càng không thể giao cho từng địa phương tự tổ chức kỳ thi tốt nghiệp (với 2 khâu quan trọng là tự ra đề thi tốt nghiệp và tự ấn định ngày thi tốt nghiệp tại địa phương)
Hai năm vừa qua xảy ra đại dịch liên tiếp, chương trình học phải giảm tải, học sinh học trực tuyến trong một thời gian dài nhưng điểm số học ở lớp 12 tăng trung bình nhiều hơn, đa phần dư luận cho rằng điểm số học bạ không còn thực chất. Tuy nhiên, các quan điểm đòi bỏ thi tốt nghiệp và bỏ xét tuyển bằng học bạ vừa cực đoan vừa mâu thuẫn nhau.
Hiện nhu cầu xét tuyển ĐH cao gần gấp đôi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH. Năm 2022, có xấp xỉ 900.000 học sinh đăng ký xét tuyển vào khoảng 540.000 chỉ tiêu tuyển sinh ĐH. Hầu hết các phương thức xét tuyển của các trường ĐH đều dựa trên điểm số của học sinh: điểm thi tốt nghiệp, điểm học bạ, điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực…
Nếu không có điểm thi tốt nghiệp thì các trường chỉ có thể dùng học bạ để xét tuyển và nếu không dùng học bạ thì chỉ còn cách tự tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh. Nhiều trường ĐH không bỏ hẳn phương thức xét tuyển theo học bạ mà kết hợp với những căn cứ khác để xét tuyển như kết quả thi tốt nghiệp hoặc kết quả của các kỳ thi riêng.
Cả nước vẫn loay hoay với thi và tuyển sinh. Có lẽ vấn đề này sẽ luôn tồn tại khi việc chuẩn hóa công tác kiểm tra đánh giá ở bậc THPT chưa được thực hiện và cơ sở để xét tuyển của các trường ĐH vẫn là điểm số (dù theo bất kỳ phương thức nào).
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã áp dụng, đến năm 2025 lứa học sinh lớp 10 năm nay sẽ xét tuyển ĐH. Hy vọng đến thời điểm đó hệ thống giáo dục phổ thông đạt được chuẩn hóa trong kiểm tra đánh giá và các trường ĐH sẽ có các phương thức xét tuyển chống bệnh chạy theo thành tích điểm số.