Chung cư 4S - 4 năm vẫn xung đột quyền quản trị

4 năm nay, Báo SGGP nhiều lần nhận được đơn phản ánh của cư dân chung cư 4S (đường số 17, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM). Từ khi chung cư được xây dựng và rao bán, đi vào vận hành đã xảy ra nhiều vụ cư dân thưa kiện chủ đầu tư là Công ty Thành Trường Lộc. Đã tốn nhiều giấy mực, nhưng đến nay sự việc vẫn cứ nhùng nhằng, chưa được giải quyết thỏa đáng.

4 năm nay, Báo SGGP nhiều lần nhận được đơn phản ánh của cư dân chung cư 4S (đường số 17, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM). Từ khi chung cư được xây dựng và rao bán, đi vào vận hành đã xảy ra nhiều vụ cư dân thưa kiện chủ đầu tư là Công ty Thành Trường Lộc. Đã tốn nhiều giấy mực, nhưng đến nay sự việc vẫn cứ nhùng nhằng, chưa được giải quyết thỏa đáng.

Chung cư nhưng không chung tiếng nói

Ông Đỗ Quốc Thắng, Trưởng ban Quản trị chung cư 4S nhiệm kỳ 2011 - 2014, cho biết, cuối năm 2011 hội nghị nhà chung cư lần 1 đã bầu ra BQT và được UBND quận Thủ Đức công nhận. Theo Quyết định 08/2008 của Bộ Xây dựng, chủ đầu tư phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, sử dụng, quỹ… cho ban quản trị, thế nhưng chủ đầu tư đã viện nhiều lý do để trì hoãn thực hiện.

Đến cuối năm 2013, hội nghị nhà chung cư lần 2 đã yêu cầu chủ đầu tư phải bàn giao quyền quản lý, vận hành chung cư cho ban quản trị. Trước áp lực này, chủ đầu tư bàn giao hiện trạng nhưng không bàn giao toàn bộ hồ sơ kỹ thuật, quỹ bảo trì 2%, các phần diện tích chung như nhà cộng đồng, hầm để xe, hồ bơi, hệ thống sân vườn…

Ngày 24-5 tới đây, ban quản trị sẽ hết nhiệm kỳ, nhưng những vướng mắc vẫn chưa được giải quyết. Đến nay, ban quản trị vẫn chưa được bàn giao quỹ bảo trì 2%, do chủ đầu tư chỉ chịu “bàn giao hiện trạng” - nghĩa là quỹ còn bao nhiêu thì giao bấy nhiêu, không công khai cụ thể sổ sách. Còn nhà sinh hoạt cộng đồng, chủ đầu tư không bàn giao mà còn cho thuê làm dịch vụ giặt ủi và nay đang rao bán, dẫn đến cảnh mỗi lần họp nhà chung cư, cư dân phải ngồi ngoài hành lang.

Trong hợp đồng bán căn hộ, chủ đầu tư cam kết có các dịch vụ đi kèm như hồ bơi, sân vườn, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn không bàn giao các dịch vụ này và khẳng định đây là sở hữu của mình. Trong tình cảnh như vậy, ban quản trị gần như không thể làm gì. “Mỗi tháng ban quản trị thu phí dịch vụ, quảng cáo, trạm phát sóng… tổng cộng khoảng 162 triệu đồng, nhưng chi đến hơn 170 triệu đồng, bị âm quỹ nên các thành viên ban quản trị cũng không có chi phí bồi dưỡng…”, ông Thắng cho biết.

Dùng dằng

Từ đầu năm 2014 đến nay, đã 2 lần xảy ra việc căng thẳng giữa ban quản trị, cư dân và chủ đầu tư giành quyền quản lý sử dụng hồ bơi, sân vườn... Công an phường Hiệp Bình Chánh phải can thiệp, lập biên bản. Trong các văn bản gửi Sở Xây dựng TPHCM, chủ đầu tư chung cư 4S cũng tố ngược ban quản trị “lạm quyền, lấy danh nghĩa cư dân để gây xáo trộn trật tự”, “không hợp tác với chủ đầu tư để giải quyết các vướng mắc, tồn đọng”.

Chủ đầu tư cũng cho rằng cư dân đã “suy diễn” tài sản như hồ bơi, sân vườn… là của chung, dù trong hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng đã có thỏa thuận các tài sản này là của chủ đầu tư. Vì vậy, việc cư dân chung cư ngăn cản không cho đội bảo vệ (do chủ đầu tư thuê) vào bảo vệ các tài sản thuộc sở hữu của chủ đầu tư là việc làm “gây mất an ninh trật tự”.

Tranh chấp chung - riêng là mâu thuẫn đang xảy ra ở nhiều chung cư nhưng không chung tiếng nói, do cách hiểu, cách vận dụng các văn bản pháp luật vẫn còn độ chênh. Điều khó hiểu là tại sao suốt 4 năm nay cư dân chung cư 4S và báo chí đã lên tiếng nhiều lần về tình trạng căng thẳng ở chung cư này nhưng địa phương và các cơ quan chức năng liên quan vẫn dùng dằng trong việc giải quyết.

Mới đây, ngày 12-5, Sở Xây dựng TPHCM mới có văn bản gửi UBND quận Thủ Đức đề nghị quận kiểm tra, giải quyết các mâu thuẫn tại chung cư 4S theo Điều 28 về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục