Chung sống với người nghiện ma túy

Lâu nay, ai cũng thấy rất rõ sự nguy hại của ma túy đối với tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Ranh giới giữa con nghiện và tội phạm rất mong manh.

Theo số liệu thống kê, hơn 70% các vụ phạm pháp, như cướp của, giết người, cờ bạc, gây rối trật tự công cộng… đều ít nhiều liên quan đến ma túy. Do vậy, trong một thời gian dài, việc xử lý, đưa đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc tại trường trại được thực hiện rất kiên quyết. Thế nhưng, từ đầu năm 2014 đến nay, các phường - xã đều không thể đưa một đối tượng nào vào trường trại cai nghiện bắt buộc.

Trước đây, việc quản lý đối tượng cai nghiện tại địa phương được quy định theo Nghị định 163. Nếu đối tượng tái nghiện trở lại, chính quyền địa phương vận dụng Nghị định 135 và lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc tại trường trại. Nay việc đưa các đối tượng đi cai nghiện bắt buộc đã không thể thực hiện do phải tuân thủ những quy định rất chặt chẽ của Nghị định 111/2013/NĐ-CP về biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; và Nghị định 221/2013/NĐ-CP về biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo đó, việc đưa đi cai nghiện bắt buộc bị vướng mắc một số thủ tục ngoài tầm giải quyết của chính quyền địa phương.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa, cho biết: “Ngoài ý chí của người bệnh, sự quan tâm giúp đỡ của gia đình, xã hội…, việc cắt cơn, áp dụng các liệu pháp nghiệp vụ, liệu pháp tâm lý để người bệnh không còn nhớ và dứt khoát từ bỏ ma túy để tái hòa nhập cộng đồng là công việc tốn rất nhiều thời gian, không thể thực hiện ngày một, ngày hai”. Thế nhưng, Điều 4 Nghị định 221 lại quy định thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ có 3 tháng. Đây là khoảng thời gian quá ngắn để có thể điều trị cai nghiện ma túy. Ngoài ra, theo quy định mới, hồ sơ đề nghị đưa người đi cai nghiện bắt buộc vào cơ sở cai nghiện thuộc thẩm quyền của tòa án. Mà muốn trình ký thì trong hồ sơ phải có văn bản xác định người nghiện ma túy. Theo Nghị định 111 và Điều 10 Nghị định 221, quy định thẩm quyền xác định người nghiện ma túy là bác sĩ, y sĩ thuộc trạm y tế cấp xã, bệnh xá quân y, phòng khám khu vực, bệnh viện cấp huyện trở lên, phòng y tế của cơ sở cai nghiện bắt buộc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện do cơ quan có thẩm quyền cấp. Điều luật này cũng quy định Bộ Y tế hướng dẫn việc tập huấn và cấp chứng chỉ điều trị về điều trị cắt cơn nghiện ma túy. Nhưng đến nay, sau nửa năm Nghị định 221 có quyết định thi hành, hầu như lãnh đạo các phòng khám địa phương đều chưa có chứng chỉ này.

Trước đây, khi hồ sơ xác minh hoàn chỉnh là đủ thủ tục đưa đối tượng cai nghiện diện lang thang đi cai nghiện bắt buộc ở trường trại. Trong thời gian chờ đợi, đối tượng bị tạm giữ tại trụ sở công an phường, xã. Nay Điều 14 Nghị định 221 còn quy định giao tổ chức xã hội quản lý người không nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Chủ tịch UBND phường 12, quận 8, TPHCM Lý Thanh Hòa cho biết: “Đối tượng cai nghiện sẵn sàng làm mọi việc rất liều lĩnh, nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của họ và người khác khi cơn nghiện đến. Vì vậy chỉ công an mới đủ biện pháp nghiệp vụ để quản lý. Bây giờ giao cho tổ chức xã hội, thì tổ chức nào dám đảm nhận. Đó là chưa đề cập đến quy định về cơ sở vật chất nơi quản lý phải đầy đủ phòng ốc, thiết bị, diện tích tối thiểu, dụng cụ sinh hoạt… Trong điều kiện hiện nay về nhân sự cũng như cơ sở vật chất của địa phương, không thể nào đáp ứng được đúng yêu cầu đó”.

Không thể đưa được đối tượng nghiện ma túy nào đi cai nghiện bắt buộc, chính quyền và công an các phường - xã đang phải duy trì thường xuyên công tác nghiệp vụ phòng, chống tội phạm ma túy bằng cách tuần tra, tổ chức đẩy đuổi khi phát hiện đối tượng cai nghiện từ nơi khác đến, để giữ an ninh trật tự tại địa phương đỡ phức tạp. Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp bị động đối phó, không căn cơ.

ĐOÀN HIỆP
 

Tin cùng chuyên mục