Những ngày này, cả nước đồng lòng chống dịch là cảm nhận chung của rất nhiều người, khi mà những tụ điểm đông người đã thưa thớt hơn, người dân đã ý thức hơn và không còn cảnh ồ ạt tích trữ lương thực, thực phẩm hay khẩu trang. Điều này cho thấy, người dân đã bình tĩnh hơn và có những hành động phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 lan nhanh ở nước ta trong mấy ngày qua. Và hơn hết là hình ảnh những bác sĩ áo trắng có chuyên môn cao tại các viện, bệnh viện khắp cả nước đã không ngại khó ngại khổ, lên đường “chia lửa” cho vùng “tâm dịch”.
Ngày lên đường, bác sĩ Nguyễn Thanh Linh, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy chưa hẹn ngày gặp lại, chỉ nói hết dịch sẽ trở về. Đều đặn hàng ngày, anh cùng thành viên đội phản ứng nhanh BV Chợ Rẫy tại BV Phổi Đà Nẵng, sau buổi giao ban nhanh về chuyên môn với bác sĩ trực, cả ê-kíp bắt tay ngay vào việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Buổi cơm trưa thường được “ăn nhanh” sau 13 giờ rồi nhanh chóng cùng đồng nghiệp tại Đà Nẵng theo dõi, chăm sóc bệnh nhân.
Để hỗ trợ chuyên môn cho đồng nghiệp và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, mỗi đêm đều có bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên xét nghiệm của BV Chợ Rẫy ở lại trực. Và chuyện lên đường trong đêm cấp cứu cho bệnh Covid-19 nặng từ các BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng, BV Ung bướu Đà Nẵng, BV Hòa Vang... cũng là hoạt động thường xuyên của các thành viên đội phản ứng nhanh tại đây. Không chỉ ở tại BV Phổi Đà Nẵng mà đội phản ứng nhanh Chợ Rẫy còn có mặt tại các bệnh viện điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Trước đó, đoàn y bác sĩ gồm 8 thành viên đến từ chuyên khoa Thận học và Lọc máu của các bệnh viện thuộc Sở Y tế TPHCM đã lên đường đến Đà Nẵng để hỗ trợ công tác điều trị và chăm sóc người bệnh. Nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, Bình Định cũng đến “khúc ruột” miền Trung chung tay chống dịch. Nói như lời Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đây là lần đầu trong lịch sử phòng chống dịch của Việt Nam, Bộ Y tế đã chi viện cho Đà Nẵng một lực lượng chuyên gia y tế, y, bác sĩ, điều dưỡng tinh nhuệ, hùng hậu chưa từng có.
Kể từ khi có ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở Đà Nẵng (ngày 24-7), để triển khai các biện pháp khẩn cấp, khoanh vùng, dập dịch, hạn chế tối đa sự lây lan dịch ra các địa phương lân cận và trên phạm vi toàn quốc, Bộ Y tế đã thành lập 3 đội công tác đặc biệt hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh tại Đà Nẵng, gồm các chuyên gia hàng đầu, có kinh nghiệm trong việc điều tra dịch tễ, cách ly, điều trị và xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Bộ Y tế cũng đã quyết định thành lập Bộ phận Thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phụ trách để tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với địa phương nhằm sớm ngăn chặn, kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh. Bộ phận đặc biệt này được xem như “bộ chỉ huy tiền phương” trong chiến dịch dập dịch Covid-19 tại miền Trung.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thẳng thắn: “Không chỉ tôi mà là chúng tôi, bao gồm tất cả thầy thuốc được Bộ Y tế cử đến miền Trung đều có nguyện vọng ở lại tham gia phòng chống dịch cho đến khi hết dịch. Đây là nghĩa vụ và cũng là mong muốn hết sức bình thường của các thầy thuốc để đảm bảo giúp đẩy lùi dịch bệnh tại miền Trung”.
Cùng với số ca mắc tăng nhanh là các ca nghi nhiễm (F1, F2) cũng liên tục tăng cao khiến các chuyên gia dịch tễ như những “chiến binh giấu mặt” đã phải căng sức làm việc không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm để thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm một khối lượng bệnh phẩm “khổng lồ” lên tới 8.000-10.000 mẫu/ngày. Đáp ứng với tình hình đó, tất cả cơ sở y tế đã nâng cao năng lực công tác xét nghiệm, 8 bệnh viện TPHCM đã “sẵn sàng” lao vào cuộc chiến đầy cam go này.
Một điểm mới trong đợt chi viện nhân sự cho y tế miền Trung chống dịch Covid-19 lần này là Bộ Y tế đã điều động cả những bác sĩ tâm lý của Bệnh viện Bạch Mai sát cánh cùng đồng nghiệp của Đà Nẵng giúp họ giảm áp lực công việc, yên tâm và vững tin hơn trước công việc rất vất vả và hiểm nguy.
Việt Nam đã đẩy lùi dịch bệnh trong trận chiến đầu. Giờ đây, chúng ta bước vào trận chiến thứ 2 quyết liệt hơn, đòi hỏi mỗi công dân phải có tinh thần của một chiến sĩ tiên phong sẵn sàng cống hiến trí và lực của mình góp phần tạo sức mạnh to lớn để Việt Nam chiến thắng Covid-19.