Chung sức đẩy lùi ma túy

Còn ít ngày nữa là hết năm 2014 và sau đó là chuẩn bị tới Tết Nguyên đán. Như thường lệ vào thời điểm này, các loại tội phạm có chiều hướng tăng nhanh, nhất là các tội trộm cắp, cướp giật. Đáng chú ý là rất nhiều tội phạm trên có liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng các chất ma túy. Nhưng gần 2 tuần nay, tình hình tội phạm liên quan đến ma túy và người nghiện lang thang trên địa bàn TPHCM đã giảm đáng kể do TP vừa lập hồ sơ đối với gần 1.600 người lang thang nghiện ma túy và đưa hơn 1.100 người vào 2 cơ sở xã hội để chăm sóc, chữa bệnh. Tuy nhiên, ngoài xã hội vẫn còn số lượng rất lớn người nghiện, trong đó có nhiều người tạm lánh về các tỉnh. Do đó trong thời gian tới, công tác đấu tranh phòng chống ma túy và cai nghiện ma túy cần tiếp tục đẩy mạnh với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, trước mắt là giữ gìn tốt an ninh trật tự xã hội, bảo đảm cho nhân dân đón tết trong bầu không khí bình yên và an toàn.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an và các ngành chức năng TPHCM liên tục ra quân, mở những đợt cao điểm truy quét tội phạm, trong đó tập trung đánh vào các tụ điểm mua bán ma túy, ngăn chặn đường vận chuyển từ cửa khẩu, chuyển hóa địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự.

Đặc biệt mới đây, các địa phương ở TPHCM đồng loạt ra quân, sàng lọc, lập hồ sơ và đưa người nghiện ma túy lang thang vào các cơ sở xã hội đã đem lại hiệu quả tức thì về an ninh trật tự và được sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo người dân. Theo ngành công an, TPHCM hiện có trên 19.000 người nghiện ma túy (tăng hàng ngàn người so với năm 2013), trong đó 60% là người lang thang, chủ yếu là ở các tỉnh tràn về TP và khoảng 60% - 70% các loại tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản, giết người cướp của có liên quan đến hút chích ma túy. Đáng lo ngại là tỷ lệ người nghiện ma túy tổng hợp và tỷ lệ trẻ hóa ngày càng cao trong cơ cấu người nghiện. Tính chất, thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, táo tợn và nghiêm trọng hơn, trong khi công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với quy mô, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Tội phạm về ma túy không chỉ gây hoang mang, bức xúc cho người dân, làm mất ổn định trật tự xã hội mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa, môi trường đầu tư và hình ảnh TPHCM đang hướng tới xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại.

Để đạt hiệu quả cao, TPHCM đặt ra yêu cầu trước mắt là từng địa phương, đơn vị xác định rõ công tác phòng chống ma túy và cai nghiện người nghiện ma túy, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách vừa thường xuyên, liên tục, lâu dài và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia. Xác định rõ trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, nơi nào để tình hình tội phạm ma túy kéo dài người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm. Việc TPHCM đưa người nghiện ma túy vào cơ sở xã hội không chỉ để cắt cơn, giải độc mà còn giúp họ tạm thời xa lánh môi trường bên ngoài vốn có nhiều cám dỗ. Đây là việc làm cần thiết, cấp bách, được cả xã hội đồng tình. Bên cạnh đó, tiếp tục phát động quần chúng xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác và đấu tranh chống tội phạm ma túy. Xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp ngăn ngừa ma túy trong gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò quyết định. Gia đình là cái nôi nuôi dạy con cái trưởng thành, hình thành nhân cách và chỉ có dành tất cả tấm lòng, tình thương yêu mới cảm hóa những người đã trót sa ngã vào con đường ma túy. Cùng với tổ chức phòng ngừa và cai nghiện có hiệu quả ở các cơ sở xã hội, TP đẩy mạnh tấn công mạnh mẽ vào các đầu nậu cung cấp ma túy và hệ thống bán lẻ để việc tiếp cận ma túy không còn quá dễ như hiện nay, như thế sẽ góp phần kiềm chế, ngăn chặn sự gia tăng của tệ nạn ma túy, nhất là giảm cầu tiêu thụ ma túy.

Tại hội nghị Thành ủy vừa qua, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cho rằng, sâu xa của “việc đánh quyết liệt tội phạm ma túy là lo cho con người, giành giật lại một lớp thế hệ thanh, thiếu niên đang bế tắc khi lỡ sa vào con đường nghiện ngập”. Nhận diện gốc vấn đề, đồng chí Lê Thanh Hải yêu cầu phải đấu tranh từ cơ sở, địa bàn dân cư. Tiếp tục tập trung chỉ đạo tạo chuyển biến từ cơ sở; xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng chống ma túy phù hợp với từng địa phương. Lồng ghép công tác phòng chống ma túy với cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư… Mục đích cao nhất và cũng là yêu cầu cơ bản của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy và cai nghiện ma túy là xây dựng xã hội an toàn, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, tạo ra môi trường ổn định, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tuấn Sơn

Tin cùng chuyên mục